Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn: Tính phân hóa cao, vừa sức học sinh

GD&TĐ - Báo GD&TĐ ghi nhận ý kiến của giáo viên, chuyên gia giáo dục về đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2. Trước đó, đề thi Ngữ văn đợt 1 được đánh giá là sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh sống của đất nước ta trong thời điểm hiện tại.

Giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn: Tính phân hóa cao, vừa sức học sinh
Tham khảo đề thi Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2.
Tham khảo đề thi Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề Ngữ văn có độ khó tương đương đợt 1

Nhận định về đề thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) cho rằng: Cấu trúc đề thi tương tự như đợt 1 với độ khó tương đương. Kiến thức đề thi tập trung chủ yếu trong học kỳ I lớp 12, phù hợp với thực tế dạy học trong dịch Covid-19.

Dù vậy, đề thi vẫn có độ phân hóa. Phần làm văn với câu 1 (2 điểm) yêu cầu thí sinh trình bài suy nghĩ về sự cần thiết phải có niềm tin trong cuộc sống và câu 2 (5 điểm) yêu cầu phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn trích bài thơ “Việt Bắc” chính là phần có thể phân loại được thí sinh. Thí sinh chỉ học thuộc bài hay có năng khiếu văn, tư duy sáng tạo sẽ thể hiện rõ được qua phần này.

Đề thi đợt này cũng đề cập một đến một vấn đề rất có ý nghĩa, đó là “niềm tin”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang là vấn nạn toàn cầu, nhiều người lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì đây là một chủ đề hay, phù hợp và rất thời sự.

“Niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều dù khó khăn nhất” – khi cho ý kiến về nội dung này, học sinh cũng sẽ phần nào tự trang bị được một hành trang quý để có thể sống tích cực, sống có ý nghĩa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hải Bình

report

Đề thi khá "dễ thở", có tính giáo dục học sinh

 

Cô giáo Nguyễn Thu Trang
Cô giáo Nguyễn Thu Trang

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn - Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.HCM) nhận định, đề thi bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố trước đó và có phần "dễ thở" với các em thí sinh. Với đề này sẽ tạo sự tự tin, thoải mái cho các em làm bài tốt để khởi đầu một kỳ thi quan trọng. 

Về nội dung, cấu trúc trương đương với đề thi đợt 1, trong đó phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm. Với đề này, thời gian làm bài 120 phút là phù hợp.

Ở phần nghị luận văn học, đoạn trích của bài Việt Bắc cũng không xa lạ với các em, được giáo viên ôn tập kĩ. Với đề thi này, các em hoàn toàn có thể đạt 6-7 điểm nếu ôn tập kĩ lưỡng.

Đề thi có tính giáo dục cho các em học sinh - niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp xung quanh, vào bản thân mình để vượt qua những khó khăn trong cuộc cống là chủ đề hay của đề thi Ngữ văn đợt 2. Khi có niềm tin, bạn sẽ nhìn thấy cuộc sống tốt đẹp, có được năng lượng tích cực để tiến lên phía trước. 

Thảo Nguyên (ghi)

report

Phần đọc, hiểu ngữ liệu hay, thực tế

Cô giáo Nguyễn Bảo Nhung, Trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa (Hà Nội) nhận định, đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2 bám sát với chủ trương ra đề và cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Với đề thi Ngữ văn này, đại đa số các em sẽ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. HS có học lực khá, giỏi sẽ phát huy được năng lực viết và cảm thụ văn học của mình.

Đề thi có sự phân hóa kiến thức cao giữa những thí sinh thi để xét tốt nghiệp và đại học, cao đẳng. Nếu chắc chắn kiến thức các em sẽ có tâm thế làm bài thoải mái và tự tin. Còn những bạn cần chinh phục đại học thì phải cố gắng hơn để phát huy kiến thức và năng lực văn học qua việc thể hiện cảm xúc với bộ môn Văn và các kỹ năng làm bài.

Phần đọc, hiểu theo đúng ma trận đề, mang tính gợi mở nhận thức cho học trò. Ngữ liệu hay, thực tế, nó giúp cho HS hiểu bài học thành công bắt đầu ngay từ chính niềm tin của con người với bản thân mình. Nhận thức ấy vừa giản dị vừa máu thịt nhưng lại vô cùng hữu ích và thực tế bởi không có niềm tin vào bản thân con người sẽ không thành công từ những việc làm nhỏ nhất.

Phần Nghị luận xã hội giúp HS rèn được kỹ năng sống, kỹ năng quan sát và nhận biết về con người, xã hội, thế giới, song hành với nó là những bài học thiết thực, giản dị và gần gũi nhưng lại không thể thiếu. Bắt buộc học trò phải nhận ra những bài học gắn với thực tiễn, gắn với bản thân bắt đầu từ việc tạo dựng niềm tin với chính mình. Tin vào khả năng, tin vào cảm quan, vào nhận thức để từ niềm tin thức dậy ý chí hành động, thức dậy bản lĩnh vượt qua những thử thách khó khăn trong cuộc sống không chỉ là những khó khăn bình thường mà với cả những khó khăn tưởng như không thể vượt qua để chinh phục thành công.

Câu Nghị luận văn học không bất ngờ với thí sinh. Cách hỏi khá quen và gần gũi, nhưng cũng chính là câu mang tính phân hóa cao. Để đạt được mức phổ điểm trung bình không khó nhưng để được điểm cao lại hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của chính các em khi làm bài. HS không chỉ biết vận dụng kiến thức về tác giả, tác phẩm mà còn cần phải thể hiện sự sáng tạo của mình trong bài viết khi kết hợp giữa kiến thức văn học, kiến thức lý luận cùng với năng lực văn học và cảm thụ riêng vào trong bài viết. Chắc chắn điểm thi môn Ngữ văn của các thí sinh thi đợt 2 cũng sẽ khả quan như điểm của các thí sinh thi đợt 1.

Hồng Hà  (Ghi)

report

Đề thi đặt vấn đề không mới, nhưng rất thời sự

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát – Gia Lâm, Hà Nội – cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 có cấu trúc như đề thi đợt 1. Đề vừa sức học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Phần đọc hiểu, đề giúp học sinh có định hướng đúng đắn giữa lúc cả thế giới chao đảo, hoang mang vì dịch bệnh, vì miếng cơm manh áo…, hơn lúc nào hết con người cần có niềm tin để vượt lên và bước tiếp.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống – đây là vấn đề không mới, nhưng lại rất đúng lúc, rất thời sự.

Câu nghị luận xã hội vẫn là dạng phân tích một đoạn thơ hướng về chủ đề tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu bảo vệ đất nước; niềm tự hào về truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm và chiến thắng vang dội của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chấn động địa cầu.

Hải Bình (ghi)

report

Đề thi Ngữ văn không làm khó học trò

Cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Hocmai – nhận định: Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong các phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học đều tương đương với Đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 – Đây cũng là yếu tố giúp tạo nên tâm thế tương đối tích cực, đảm bảo cho các thí sinh thi đợt 2 có được cảm giác an tâm khi phải tham gia kì thi quan trọng nhất trong 12 năm học phổ thông trong điều kiện khá đặc biệt, chưa từng có.

Phần Đọc hiểu (3 điểm) Ngữ liệu vẫn là trích đoạn của 1 văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận cùng dung lượng tương đương với ngữ liệu được sử dụng trong đề thi đợt 1. Nội dung cùng hướng tới những vấn đề của tư tưởng, đạo lí, nếu đợt 1 gợi ra suy nghĩ về thái độ trân trọng với cuộc sống hàng ngày thì đợt 2 chính là gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống. 4 câu hỏi Đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1;2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kĩ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.

Phần 2 – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). Cụ thể:

Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống” – vấn đề “niềm tin” và khía cạnh bàn luận “sự cần thiết phải có niềm tin” hoàn toàn không xa lạ với học trò và chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của các thầy/cô trong nhiều năm học. Vì thế, một mặt không làm khó cho học trò nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập của thí sinh.

Câu 2 (5,0 điểm): Bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu “phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến” trong 22 câu thơ của phần cuối đoạn trích “Việt Bắc” – hầu như không có sự thay đổi gì về dung lượng, cảm hứng, thể loại… của ngữ liệu so với câu nghị luận văn học của đề thi đợt 1. Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng… rất phù hợp với cả 2 đợt thi của năm 2020 – một năm chẵn cho những ngày kỉ niệm lớn liên quan tới những sự kiện trọng đại của dân tộc, thì sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho học trò khi làm bài.

Nhìn chung, Đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Cũng như đợt 1, đề không khó,  nhất là ngữ liệu của câu nghị luận văn học có lẽ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời lượng làm bài của học trò, về cơ bản đáp ứng được tâm thế lo lắng, cảm giác thiệt thòi của hơn 26000 thí sinh thi đợt 2; tuy nhiên cũng chính yếu tố đó cũng đã làm giảm đi tính phân loại cho đề thi và kết quả chung của kì thi, có thể sẽ đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học trò khao khát sự mới mẻ trong  những thông điệp tư tưởng, những vấn đề bàn luận vốn luôn có khả năng mang lại hứng thú và nhu cầu suy ngẫm trong một đề thi Ngữ văn.

Hải Bình

report

Đề thi môn Ngữ văn đợt 2 đã giải tỏa được hai luồng ý kiến lo ngại

Theo cô Nguyễn Kim Anh – Giáo viên trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội): Độ khó của đề Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tương đồng với đợt 1, nội dung phù hợp với thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đề thi đảm bảo cấu trúc đúng như đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố. Có thể thấy rõ sự phù hợp của đề với trình độ của học sinh.

Đề thi môn Ngữ văn lần này đã giải tỏa được hai luồng ý kiến lo ngại. Một là, nếu đề khó hơn đợt 1 thì trên 26.000 thí sinh thi đợt này sẽ quá thiệt thòi vì gặp những thử thách tiếp tục sau những thử thách về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh mà các em vừa phải trải qua. Lo ngại thứ hai là vì để “bù đắp” cho các thí sinh do bị cản trở bởi dịch Covid-19 nên các em sẽ được đề rất dễ để ưu ái.

Thực tế, không phải vậy, đề không hề lặp lại về nội dung của đợt 1, không thể nói là dễ hay khó so với đợt thi thứ nhất. Song đề vẫn hoàn toàn đáp ứng được với trình độ của số đông thí sinh.

Nội dung về niềm tin là gợi mở quý giá

Câu hỏi của phần Đọc hiểu được cho là khá hay vì mở tầm suy nghĩ cho học sinh ra những vấn đề không chỉ nằm trong phạm vi của một dân tộc, một quốc gia nào. Trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng đến toàn thế giới việc đặt vấn đề niềm tin để vượt qua thử thách là một cách định hướng giáo dục tốt cho các thí sinh.

Cụ thể, nhiều em vừa phải cách ly vì dịch bệnh, các em phần nào thấu hiểu niềm tin cần thiết thế nào với con người trong mọi hoàn cảnh. Nhất là hoàn cảnh đặc biệt mà các em vừa trải qua. 

Các câu hỏi đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng theo từng mức thấp và cao khá rõ. Câu 1 các em hoàn toàn có thể có được điểm tối đa về vấn đề đang được nghị luận. Câu 2, thí sinh chỉ cần dựa vào văn bản để chỉ ra khá dễ dàng.

Cụm từ “Theo đoạn trích” đã chỉ dẫn cho thí sinh. Câu thứ ba yêu cầu vận dụng liên hệ sự tương đồng khá ý nghĩa và câu 4 là câu thể hiện mức độ phân hoá trong phần đọc hiểu đậm nét. Niềm tin sẽ đem đến sức mạnh là điều mà mỗi chúng ta luôn cần nhận thức và lấy làm động lực trong cuộc đời. Nhưng viết nó ra thế nào, thuyết phục mà vẫn cô đọng phù hợp yêu cầu sẽ là điểm chênh khác giữa học sinh có khả năng suy luận và học sinh chỉ chạm đến vấn đề.

Ở phần làm văn, câu yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội về sự cần thiết có niềm tin trong cuộc sống là một mang sức gợi cao. Hỏi về một điều ai cũng biết là cần nhưng làm sao để không bị giáo điều, bị nông nhạt là một yêu cầu không toàn toàn đơn giản. Thí sinh có thể viết lấy điểm đạt mức trung bình của câu khá dễ dàng nhưng để có điểm sáng tạo và thuyết phục giám khảo với mức tối đa là 2,0 điểm thì đó phải là phần làm bài của một học trò có năng lực văn học và có trải nghiệm thực tế nhất định.

Sáng lên lòng yêu nước, sức mạnh của nhân dân

Câu Nghị luận văn học, đoạn thơ được trích từ bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu với định hướng phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một yêu cầu rõ ràng. Đề thi không đánh đố với thi sinh nhưng cũng cần thí sinh phải có năng lực văn học nhất định thì mới có thể cảm nhận đoạn thơ với những liên hệ về kiến thức văn học sử để làm sáng tỏ tinh  thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Nắm rõ được hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, thí sinh sẽ có những lợi thế nhất định để viết văn trong cảm hứng của bài thơ “Việt Bắc”.

Nếu như ở đợt thi thứ nhất, thi sinh nghĩ về đất nước trong kháng chiến chống Mỹ thì đợt thi này là đất nước trong kháng chiến chống Pháp. Vẫn tinh thần cùng ý chí bảo vệ độc lập tự do và chủ quyền dân tộc. Vẫn sáng lên lòng yêu nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự đồng lòng nhất trí. Học sinh cũng có thể liên hệ mở rộng đến tình hình hiện nay của đất nước chúng ta, với sự đối mặt và chiến thắng dịch bệnh.

Cả đoạn trích “Đất Nước” (Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích “Việt Bắc” của Tố Hữu đều nằm trong nội dung của học kỳ 1 lớp 12 nên không ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, đề đợt 1 và đợt 2 có sự tương đồng rõ nét.

Thời điểm này chúng ta hiểu rõ tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Những thí sinh vừa đối mặt hoặc phải chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh mà trở về làm bài thi chống giặc quả càng thấm thía hơn…

Tóm lại, đề thi Ngữ văn đợt 2 này, đảm bảo yêu cầu về kiến thức cơ bản những vẫn có mức độ phân hoá để chọn thí sinh học tốt hẳn, xứng xét vào các trường Đại học và Cao đẳng.

 

Kim Thoa (ghi)

report

Đề phù hợp điều kiện và trình độ thí sinh

Thầy Lê Văn Thắng
Thầy Lê Văn Thắng

Thầy Lê Văn Thắng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THCS&THPT Thống Nhất (Thanh Hóa) cho rằng đề thi Ngữ văn phù hợp điều kiện và trình độ thí sinh.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 2) được biên soạn công phu, xét về kĩ thuật và cả nội dung kiến thức. Đề thi bám sát những điều chỉnh về nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT công bố chiều ngày 31/3/2020, có mức độ tương đương với Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 1), hoàn toàn phù hợp với điều kiện học sinh một số tỉnh/thành phố không dự thi đợt 1 do phải phòng chống dịch bệnh Covid 19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp.

Về cấu trúc: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 2) đã bám sát chương trình, có đầy đủ 4 mức độ nhận thức: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng, vận dụng cao. Ngữ liệu ở phần Đọc hiểu có nguồn gốc rõ ràng, có độ tin cậy cao. Giống như đề thi môn Ngữ văn đợt 1, câu hỏi ở mức độ vận dụng cao của đề thi đợt 2 có tỉ lệ điểm ít hơn so với đề thi các năm trước.

Về nội dung đề thi: Đề gồm 2 phần: Đọc hiểu chiếm 30%; Làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi. Cũng tương tự như đề thi các năm trước, phần Đọc - hiểu dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội với 4 câu hỏi đi kèm, theo từng mức độ.

Phần Làm văn bao gồm 2 câu hỏi (một là câu hỏi yêu cầu tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ, chiếm 20% tổng số điểm và một câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi). Đề thi vừa sức nhưng vẫn có sự phân hóa, phù hợp với kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học trong điều kiện học sinh phải tự ôn tập, ôn tập qua truyền hình…

Ở phần Đọc - hiểu, việc chọn ngữ liệu rất tinh, có tính thời sự và độ sâu của nhận thức. Câu 1, 2 dừng lại ở mức độ nhận biết, học sinh trung bình có thể làm được; câu 3 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu; câu 4 yêu cầu trình bày quan điểm là ở mức độ vận dụng.

Câu số 4 phần đọc hiểu đặt vấn đề “Niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều dù khó khăn nhất” không chỉ hướng đến yêu cầu học sinh trả lời bằng những suy luận đơn giản mà đỏi hỏi học sinh phải có những trải nghiệm và vận dụng những trải nghiệm đó để lí giải mới đạt đến độ sâu sắc của vấn đề.

Ở phần Làm văn, câu nghị luận xã hội đặt ra vấn đề thiết thực, mang tính thời sự, có tính giáo dục, nhân văn- suy nghĩ về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống. Vấn đề này không quá xa lạ, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi niềm tin vào cuộc sống đã và sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn thử thách (HS có thể liên hệ với việc phòng chống dịch Covid 19). Câu hỏi này rõ ràng đã phát huy được khả năng quan sát, đánh giá được năng lực học sinh.

Câu nghị luận văn học dù đề cập đến tác phẩm quen thuộc nhưng vẫn có khả năng phân hóa. Đây là sự khéo léo và tinh ý của tổ biên soạn đề thi. Để làm câu hỏi này, học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học là có thể viết bài một cách chính xác, hấp dẫn.

Học sinh khá giỏi vẫn có “đất diễn”, sẽ có những bứt phá vượt trội trong cách phân tích về khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong đoạn thơ. Đồng thời học sinh cũng có thể bình luận, đánh giá được tài năng nghệ thuật cũng như tình cảm nhà của nhà thơ gửi gắm trong tác phẩm/đoạn thơ, thấy được mối liên hệ với những bài thơ khác trong dòng thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Có thể nói, Đề thi thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2020 (đợt 2)  đã đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh (đọc hiểu và tạo lập văn bản). Đề thi hướng tới khả năng làm phong phú và mở rộng hiểu biết về cuộc sống, có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đề thi đợt 2, theo tôi là hay và có chất lượng tốt vì nội dung phù hợp, không đánh đố, hướng đến phát triển nhân cách con người, có khả năng phát triển tư duy cho học sinh, phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh và tương đương với Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn (đợt 1).

Kim Thoa ghi

report

Tỉ lệ thí sinh đạt điểm 6,5-7 trở lên sẽ cao

Cô Nguyễn Thúy Hằng
Cô Nguyễn Thúy Hằng

Cô Nguyễn Thúy Hằng, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT đợt 2 vừa sức với học sinh, bám sát cấu trúc chuẩn theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT và có sự phân hóa cao. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm 6,5-7 trở lên sẽ cao. Cụ thể:

Về cấu trúc: Đề thi bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, bảo đảm đủ 3 phần: Đọc hiểu văn bản và làm văn. Phần làm văn có 2 câu. Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) bàn về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống. Câu nghị luận văn học (5 điểm) phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ thể hiện trong một đoạn trích trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

Nội dung kiến thức của đề nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có những nội dung giảm tải.

Phần đọc hiểu văn bản có 4 câu hỏi được phân hóa theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Câu 1 phần đọc hiểu với mức độ nhận biết về phương thức biểu đạt - đây là một câu “gỡ” điểm cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh cũng sẽ dễ nhầm câu đầu tiên này nếu không nhớ được đặc điểm nhận biết các phương thức biểu đạt. 

Câu 2 (đọc hiểu) yêu cầu mức độ học sinh thông hiểu dựa vào nội dung ngữ liệu đoạn trích không có tính đánh đố.

Câu 3 yêu cầu học sinh phải so sánh điểm tương đồng về cơ sở làm nên thành công trong thám hiểm vũ trụ và xây dựng đường hầm xuyên biển được nêu trong đoạn trích. Với câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có khả năng khái quát và tổng hợp cao hơn từ ngữ liệu của đề. Tuy nhiên câu này cũng vừa sức với học sinh, học sinh cần chú ý để không chép lại văn bản.

Câu 4 yêu cầu thí sinh bày tỏ được quan điểm của mình về ý kiến “Niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều khó khăn nhất”. Với câu này, học sinh phải viết thành một đoạn văn ngắn trình bày rõ quan điểm và tư tưởng của bản thân về vấn đề được nói đến. Câu hỏi vận dụng cao này yêu cầu học sinh phải có vốn kinh nghiệm sống và kiến thức của bản thân cũng như khả năng tổng hợp và khái quát cao để có thể trả lời đồng tình hay không đồng tình và lí giải được tại sao. Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý nhưng phải có những kiến giải sáng tạo và thuyết phục.

Với phần làm văn, câu 1 yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải có niềm tin trong cuộc sống. Đây là phần mà học sinh có thể bày tỏ ý kiến của bản thân đồng thời thể hiện được khả năng hiểu biết cũng như kinh nghiệm sống của mình. Chủ đề “niềm tin trong cuộc sống” rất phù hợp với định hướng tư tưởng của người trẻ hiện nay.

Đề bài yêu cầu viết đoạn văn nên thí sinh cần chú ý để tránh nhầm lẫn với cách viết 1 bài văn. Nếu học sinh không đọc kĩ đề thì rất dễ nhầm lẫn, viết lan man và không làm nổi bật được quan điểm của bản thân.

Phần dẫn chứng trong câu nghị luận xã hội học sinh cần lấy trong đời sống thực tế thì sức thuyết phục sẽ cao hơn, tránh lấy trong sách vở và những tác phẩm văn học. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần chú ý đến những khía cạnh của nội dung tránh chỉ ca ngợi một chiều, cần nhìn nhiều mặt của vấn đề để bài viết có sức thuyết phục và chất lượng. Cuối cùng, thí sinh phải đưa ra được bài học nhận thức và hành động của bản thân.

Tương đồng với kì thi đợt 1, trong đợt 2 phần bài thi Nghị luận văn học ra vào tác phẩm Việt Bắc của học kì 1 vì năm học vừa qua diễn ra trong bối cảnh của dịch bệnh Covid, hoạt động học tập học kì 2 có nhiều thay đổi do tình hình dịch bệnh nên phần kiến thức trọng tâm tập trung vào học kì 1. Đây là một câu lệnh quen thuộc, đó là khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến được nhà thơ thể hiện trong một đoạn trích trong tác phẩm Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Học sinh cần lưu ý tránh diễn xuôi thơ và trong quá trình làm bài cần lưu ý cả yếu tố nghệ thuật biểu hiện.

Nhìn chung, cô Nguyễn Thúy Hằng đánh giá: đề thi đợt 2 vẫn bảo đảm cấu trúc, nội dung và độ khó tương đồng với đề thi đợt 1.

Tuy nhiên cũng giống đợt 1, phần ngữ liệu của câu nghị luận văn học khá dài, đòi hỏi học sinh phải phân bố thời gian để làm tốt và làm sâu, đầy đủ các phần của đề thi. Học sinh không phân bố thời gian hợp lí và quá tham trình bày kiến thức rất có thể sẽ làm không hết đề dù đề vừa sức. Phổ điểm dự kiến với đề này sẽ không có học sinh dưới điểm trung bình, phổ điểm đa phần sẽ ở mức 6,5-7.

Hải Bình

report

Đề thi bám sát đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT

Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM cho rằng đề thi so với đề Ngữ văn ở đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là tương đương về mức độ khó, về cấu trúc, về độ dài.  

Theo thầy Đức Anh, nhiều người vẫn nghi ngại, với các em học sinh lớp 12 thi đợt 2, các em sẽ có thể được “ưu ái” hơn, hoặc nếu đề khó hơn thì rất thiệt thòi...  nhưng qua đề thi Ngữ văn cho thấy, đề hoàn toàn tương đương như đợt 1. Điều này đảm bảo tính công bằng của kỳ thi.

Đề có tính giáo dục học sinh, định hướng đúng đắn cho các em về niềm tin trong cuộc sống. Đó là niềm tin vào bản thân mình để nỗ lực vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn. Ở bối cảnh hiện nay, cả thế giới nói chung đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách bởi tác động của dịch bệnh, vì vậy, chúng ta càng phải có niềm tin để cùng đoàn kết, nắm tay nhau vượt qua.  Chính niềm tin sẽ cho ta sức mạnh, dẫn lối trong nhận thức, hành động để vượt qua khó khăn.

Mặc dù vấn đề này không xa lạ với học sinh, tức là không mới nhưng cũng là một vấn đề phù hợp trong bối cảnh hiện tại, để cho các em thể hiện quan điểm của mình.

Đối với câu nghị luận văn học về nội dung câu hỏi liên quan đến trích đoạn của bài Việt Bắc, các em đã được giáo viên ôn tập kĩ nhưng nó vẫn hơi dài. Điều này cũng giống với đề thi đợt 1, nhưng chắc chắn các em học sinh đã có những rút kinh nghiệm cho bản thân để hoàn thành bài thi. Đây cũng là câu để phân hoá học sinh nhằm phục vụ cho việc xét tuyển ĐH.

Phan Nga (ghi)

report

TS Trịnh Thu Tuyết nhận định về đề thi Ngữ văn

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ