Cô Đặng Thị Ngà (GV Ngữ văn Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An) nhận xét, đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tường minh, cơ bản, trọng tâm mà vẫn phân hóa, đánh giá được năng lực học sinh.
Ở phần đọc hiểu, đề đưa ra ngữ liệu là một đoạn trích của bài thơ Mùa hạ (Xuân Quỳnh). Theo cô Ngà, ngữ liệu hay, tường minh, miêu tả vẻ đẹp của bức tranh mùa hạ. Ở phần này, đề đã kiểm tra những kiến thức cơ bản ở hai mức độ nhận biết và thông hiểu của học sinh. Với ý a và b, học sinh dễ dàng lấy trọn điểm vì chỉ là câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản.
Còn phần c, yêu cầu tìm câu hỏi tu từ - yêu cầu học sinh phải đọc kỹ đoạn thơ, cùng với mạch cảm xúc của tác giả để xác định đúng. Câu hỏi tu từ thể hiện nội tâm sâu lắng, da diết của nhà thơ về mùa hạ của cuộc đời, của tuổi trẻ, và cũng dễ chạm đến cảm xúc của thí sinh, là học trò cuối cấp THCS. Từ đó, để dẫn dắt đến câu hỏi d – phát biểu cảm nghĩ về những mùa hạ đã đi qua tuổi thơ của mình. Dù là câu hỏi nhỏ trong phần đọc hiểu, nhưng cũng rất ý nghĩa, nhân văn, vừa để học sinh kiếm điểm, vừa thể hiện khả năng cảm thụ văn học của các em.
Ở phần nghị luận xã hội, vấn đề nghị luận cũng phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10, các em cũng bắt đầu có mục tiêu phấn đấu, phải cháy hết mình với đam mê để vươn tới khát khao tuổi trẻ. Câu này giúp học sinh có dịp bày tỏ suy nghĩ trăn trở về đam mê của chính mình. Đồng thời biết noi gương những bạn trẻ đã thành công nhờ có đam mê.
Cô giáo Đặng Thi Ngà cũng cho rằng, để lấy điểm cao của phần nghị luận xã hội, học sinh phải tập trung phân tích lý giải về sự cần thiết phải nuôi dưỡng đam mê, thực chất là nêu vai trò ý nghĩa của đam mê. Đó mới là vấn đề chính của đề, chứ nhiều học sinh nếu không đọc kỹ đề sẽ phân tích lan man xung quanh. Bên cạnh đó, thí sinh cũng phải biết đưa dẫn chứng tiêu chứng tiêu biểu và phải có tính phản biện, bày tỏ trăn trở, xoay quanh vấn đề để tạo chiều sâu cho bài viết.
Ở phần nghị luận văn học, đề ra chọn một đoạn trích cơ bản, trọng tâm hội tụ chủ đề tư tưởng của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và đặc điểm của nhân vật chính là anh thanh niên. Đây cũng là phần thi được đánh giá không phải là một câu gây khó cho học sinh, vì kiến thức, ngữ liệu trong sách giáo khoa và đã được thầy cô ôn luyện kỹ càng nhiều lần.
Với đoạn trích đưa ra trong đề, ban đần có thể thí sinh sẽ “choáng ngợp” bởi độ dài, nhưng thực tế rất có lợi cho cho em. Bởi chỉ cần bám vào ngữ liệu đã được cho, học sinh ở mọi năng lực đều có thể xác lập hệ thống luận điểm và triển khai được, chứ không phải nhớ ngữ liệu và dễ dàng đưa ra dẫn chứng. Tuy nhiên, để đạt điểm cao thì đòi hỏi học sinh biết tinh lẩy phân tích dẫn chứng, biết chọn lọc những dẫn chứng xuất hiện trong đoạn trích để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, ví dụ như vẻ đẹp của lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với công việc, yêu đời, yêu cuộc sống.
Mặt khác, để lấy điểm “phân hóa” học sinh giỏi, bài làm phải có sự đánh giá, khái quát nâng cao vấn đề. Từ vẻ đẹp của anh thanh niên trong đoạn truyện mà thấy được vẻ đẹp của biết bao con người lao động trong thời kỳ đất nước đang xây dựng CNXH miền Bắc.
Đề thi này sẽ không bất ngờ với học sinh, cấu trúc của đề đi theo vòng tròn đồng tâm khát khao đam mê của tuổi trẻ và lẽ sống đẹp đầy trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước.
Ở ba phần thi, có sự liên kết và đều hướng về tuổi trẻ. Qua đó truyền tải thông điệp của đề là hướng tới cách sống đẹp và khát khao chát bỏng của tuổi trẻ khi bước vào chặng đường mới. Từ đó khiến cho chính thí sinh cũng tự trăn trở, hình thành ý thức, suy nghĩ của bản thân với tuổi trẻ của mình.
Nói về đề thi này, thầy Hà Anh Tuấn, GV Ngữ văn Trường THCS Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Đàn) cho rằng: Đề thi hay, bám cấu trúc, sát đối tượng vừa kiểm tra kỹ năng kiến thức của học sinh vừa phát huy được khả năng tư duy sáng tạo và vốn am hiểu thực tiễn của học sinh. Đặc biệt là ở câu hỏi nghị luận xã hội nói về suy nghĩ của mình về “Khát khao tuổi trẻ luôn giục giã con người cháy hết mình với những đam mê...”. Đề này lấy điểm đại trà không quá khó.
Để làm được đề, học sinh cần nắm được kỹ năng làm từng phần, từng dạng bài; có năng lực đọc hiểu, cảm thụ tác phẩm, có am hiểu nhất định về đời sống thực tại. Nhưng, để đạt được điểm cao học sinh cần có tư duy lập luận, logic chặt chẽ, khả năng tích hợp liên hệ và có sự đánh giá cảm nhận, sâu sắc tích cực ở câu nghị luận xã hội.