Đối với trẻ nhỏ, thật không dễ dàng để đưa bé vào nề nếp, đặc biệt là với các công việc lặp lại hàng ngày. Nhiều gia đình thường xuyên lặp lại cảnh cha mẹ phải quát mắng, dọa con thì trẻ mới miễn cưỡng làm theo hoặc sẽ tỏ ra chống đối, không muốn làm.
Để dạy trẻ tự giác hơn, bố mẹ thường nói với bé là con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy sách vở ra làm bài không thì mẹ sẽ phạt ba roi.
Bé sẽ tự giác thực hiện công việc nếu cha mẹ khéo léo hướng dẫn và đưa bé vào nề nếp
Chính vì vậy cha mẹ cần tập cho trẻ có những thói quen làm việc, hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.
Để giúp bé tự giác thực hiện và không bị bất ngờ, hụt hẫng mỗi khi phải thay đổi thói quen, mẹ có thể tuân thủ 5 nguyên tắc sau: Nhất quán-Bình tĩnh-Khuyến khích-Hướng dẫn-Cảnh báo. Đây là những nguyên tắc mà một giáo viên Montessori dạn dày kinh nghiệm đã đúc kết được.
1. Sắp xếp các công việc trẻ cần làm một cách nhất quán
Trẻ nhỏ là đối tượng rất cần sự tập trung thống nhất các chuỗi công việc, bởi trẻ có thể dễ dàng phán đoán chính xác mình cần làm gì, tạo cảm giác tự tin, tâm lý thoải mái và an toàn hơn.
Hàng ngày, có khá nhiều biến động trong cuộc sống gia đình khó dự đoán hơn khi trẻ ở trường như là có khách đến chơi, bố mẹ đi vắng, có thêm người giúp việc… nên những công việc lặp lại hàng ngày theo quy trình sẽ giúp trẻ ít bỡ ngỡ hơn.
Vậy nên cha mẹ cần giúp trẻ lên lịch cụ thể và nhất quán cho chuỗi công việc của bé như đi tắm, thay đồ, ăn uống, dọn dẹp và đi ngủ.
Ví dụ: Để trẻ chấp nhận và tự giác thực hiện mà không tỏ ý phản đối khi phải thay quần áo, hàng ngày cha mẹ hãy quy định một khung giờ và địa điểm nào đó để cho trẻ tập dần với thói quen này chẳng hạn như thay đồ trước khi ăn sáng và thay ở trong phòng của bé.
Mẹ cũng cần đảm bảo để quần áo của bé ở một vị trí nhất định để bé biết trước vị trí cần lấy đồ. Khi thay đồ xong cũng cần có 1 vị trí cụ thể để bé cất quần áo cũ. Trước cửa cũng quy định vị trí để giày dép để bé dễ dàng phán đoán những công việc cần làm tiếp theo và tự giác thực hiện.
Các hoạt động hàng ngày của bé cần được sắp xếp nhất quán và tuân thủ đúng quy trình để không làm bé bỡ ngỡ
2. Cho trẻ thời gian, tránh thúc giục
Chúng ta ai cũng đều không muốn bị người khác giục giã, đặc biệt là trẻ nhỏ, những lời nhắc con phải nhanh lên dường như không mấy tác dụng. Khi trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng vì bị thúc giục, thay vì “tăng tốc” thì trẻ có xu hướng rơi vào trạng thái lo lắng và không còn giữ được bình tĩnh để làm gì nữa.
Chính vì vậy, trước khi làm một gì, cha mẹ hãy cân nhắc xem trẻ cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành và cho trẻ thêm thời gian. Điều này khá quan trọng nhất là vào buổi sáng hoặc khi cần đưa trẻ ra ngoài.
Việc sắp xếp trước, có kế hoạch cho những công việc tiếp theo sẽ giúp trẻ tự chủ và chuẩn bị tốt hơn. Mẹ và bé hạn chế xung đột không cần thiết và bé cũng học được cách tự mình hoàn thành nhiệm vụ trước khi bị người khác nhắc nhở và thúc giục.
Trẻ cần thời gian để thích nghi với những sự thay đổi dù là nhỏ nhất.
3. Khuyến khích bé tự giác làm thay vì làm hộ con
Thay vì lúc nào cũng sắn tay áo vào làm làm hộ con từ những việc nhỏ như thay quần áo, cho con đi vệ sinh, giục con đi tắm, dọn dẹp bàn học cho con thì tại sao mẹ không làm cùng con những công việc đó.
Cha mẹ hãy khuyến khích con tự chọn bộ quần áo mà con muốn mặc, tự đeo giày dép hoặc tự mang bát đĩa bẩn ra bồn rửa sau khi ăn xong. Bé sẽ dần có cảm giác tự chủ, biết tự chịu trách nhiệm hơn và biết mình cần phải làm gì.
Khi bé tự mình hoàn thành tốt các việc được giao, bé sẽ tự tin hơn vào chính mình và không còn muốn chống đối hay phản kháng mỗi khi nhận nhiệm vụ mới.
Cha mẹ hãy khuyến khích bé tự mặc đồ thay vì làm hộ con
4. Bật tín hiệu thông báo chuyển tiếp giữa các hoạt động
Khi muốn bé chuyển sang một hoạt động khác, cha mẹ có thể đưa ra những tín hiệu cụ thể để báo cho trẻ biết trước, tránh làm trẻ hụt hẫng, bỡ ngỡ.
Một cô giáo mầm non dạy theo phương pháp Montessori cho biết: “Ở trường, các giáo viên sẽ hát một bài hát để báo cho trẻ biết đã đến lúc kết thúc giờ học, vỗ tay để trẻ biết giờ chơi đã hết hoặc chúng tôi có thể đưa ra một gợi ý trực quan như ngồi trên tấm thảm thời gian để chuẩn bị chuyển sang giờ đọc chuyện”.
Khi ở nhà, cha mẹ có thể thử dùng các tín hiệu thị giác và thính giác khác nhau để hướng dẫn trẻ và xem cách trẻ phản ứng với mỗi lần thay đổi hoạt động. Mẹ có thể hát một bài hát về chủ đề dọn dẹp, vệ sinh vào giờ ăn trưa để nhắc trẻ về những việc cần làm để dọn dẹp như lau bàn, quét nhà, rửa tay.
Mẹ cũng có thể lấy sẵn tã, bỉm mới đặt ra ngoài để báo hiệu rằng đã đến lúc thay tã, hoặc bật vòi nước trong bồn tắm để bé nghe thấy âm thanh tiếng nước chảy và trẻ nhận ra sắp đến giờ đi tắm.
Tiếng nước chảy sẽ báo hiệu đến giờ đi tắm cho bé
5. Thông báo cho trẻ biết trước với những thay đổi lớn
Một số trẻ khá nhạy cảm với những thay đổi lớn và cha mẹ nên lưu ý thông báo trước cho trẻ chuẩn bị tâm lý. Những thay đổi lớn như cha mẹ đi vắng, xa nhà dài ngày, có khách đến chơi và ngủ lại qua đêm hoặc thay đổi việc đưa đón trẻ vào khung giờ khác với mọi ngày.
Bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể khiến trẻ hụt hẫng và gần như bị “hớ” cho nên cha mẹ cần nói chuyện và thông báo trước cho trẻ cho dù bé còn rất nhỏ đi nữa.