“Bạo lực mềm” học đường: Không thể xem nhẹ

GD&TĐ - Nhắc đến bạo lực, người ta thường hình dung ra những cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nhưng giờ đây còn xuất hiện thêm một hình thức “bạo lực mềm” học đường. Tuy không khiến ai đó đau đớn về da thịt nhưng lại tổn thương lớn về tâm lý, thậm chí nguy hại về tinh thần trước những sự mạt sát, lăng mạ tập thể…

“Bạo lực mềm” học đường: Không thể xem nhẹ

“Bỗng dưng… bị ghét”

Tình cờ, em L.H. (học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được bạn bè chụp hình rồi đưa lên trang mạng chung của lớp để trêu đùa. Ban đầu chỉ là những lời trêu chọc, bình phẩm vui, rồi chuyển dần thành những lời nói xấu, thóa mạ nhau trên facebook. Khi cảm nhận được thái độ không tốt mà nhiều người khác dành cho mình, H. đi học không đều và tránh mặt bạn bè. Từ một cô bé xinh xắn, hồn nhiên, em trở thành người lầm lì ít nói, học hành sa sút. Gia đình đã phải vội đưa em đến bác sĩ tâm lý để ngăn chặn hệ quả xấu.

Một thầy giáo chủ nhiệm trường THPT ở Hà Nội cho biết từng chứng kiến 2 học sinh vào học giữa kỳ. Các em học khá và tích cực phát biểu, đi đầu trong mọi hoạt động tập thể. Nhưng cũng có thể vì “tội” thay đổi và “đi ngược” lại không khí vốn có của tập thể nên các em này bị… ghét, dèm pha, bị cho là “chơi trội”. Những câu bình phẩm, cạnh khóe không nói ra trực tiếp nhưng lại tùm lum trên trang fanpage của lớp cũng đủ khiến 2 em dần trở nên cô độc, lầm lũi và tự ti, không còn dám chơi và hòa đồng với các bạn. Sau khi phát hiện, thầy phải động viên rất nhiều, đồng thời nói chuyện công khai với toàn lớp mới dần chấm dứt tình trạng này.

“Bạo lực mềm” học đường: Không thể xem nhẹ

Tuổi học trò nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm ứng phó với áp lực nên rất cần sự điều chỉnh kịp thời từ gia đình và nhà trường.

Hiện nay, hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội. Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Nếu trước đây, hình thức bạo hành là học sinh tập hợp thành nhóm tẩy chay một đối tượng nào đó thì bây giờ, các em lại “khủng bố” bạn không thích bằng việc gọi điện, nhắn tin, thậm chí công khai thóa mạ trên mạng xã hội.

    Vừa qua, một nhóm giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành khảo sát thực trạng này trên địa bàn Đà Nẵng. Nghiên cứu được thực hiện trên 500 học sinh tại 2 trường THPT (gồm một trường công lập và một trường dân lập). Kết quả, 19,3% học sinh là thủ phạm của việc bắt nạt, xúc phạm nhau bằng các hình thức trực tuyến (thông qua tin nhắn, hình ảnh hoặc video, các thiết bị điện tử...) và 16,7% học sinh từng là nạn nhân của hình thức này.

    Theo khảo sát, đối với hình thức “bắt nạt” trên mạng, các hành vi phổ biến nhất là chia sẻ thông tin để làm trò đùa, làm người khác xấu hổ trên mạng, viết những bình luận khiêu khích xúc phạm, sử dụng những biểu tượng trên mạng để khiêu khích, làm phiền... Những hành động này có thể xâm phạm đến quyền riêng tư của nhiều học sinh và để lại nhiều hệ lụy khó lường, rất cần được quan tâm.

    Gây ức chế, tạo ám ảnh

    Khác với các hình thức bạo lực thông thường với những hành động đánh, chửi nhau trực tiếp thì “bạo lực mềm” trên mạng trở nên đáng sợ hơn khi chúng đeo bám các học sinh về tận nhà và suốt ngày đêm.

    Nỗi ám ảnh tinh thần của “bạo lực mềm” đôi khi còn để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều. Đã có trường hợp một học sinh 15 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ tự vẫn khi clip nhạy cảm của em với bạn trai bị tung lên facebook.

    Có thể nói, gia đình và nhà trường là hai nhân tố chính ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, đặc biệt là khi các em đang trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh không thấu hiểu con em mình. Đa số còn cho rằng những hành vi trên mạng xã hội chỉ là “ảo”, là không đáng kể, còn các hành vi tự giày vò mình, trầm cảm, tự tử chỉ là trường hợp hiếm có, vì bệnh trạng chứ không mấy ai nghĩ bắt nguồn từ chính những “áp lực” ảo đó.

    Vai trò của nhà trường cũng là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi dạng này. Đã đến lúc ngoài những giờ sinh hoạt trên lớp, các thầy cô giáo cũng cần dành thêm thời gian để nắm và điều chỉnh tình hình thực tế của tập thể học sinh thông qua chính những trang mạng chung của lớp.

    ThS. Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp - chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2 (TP.HCM) cho rằng bị bạo hành và xúc phạm là một khủng hoảng trầm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên. Các em cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần. Với những trường hợp này, các em cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh để giúp các em ổn định tinh thần, không làm điều dại dột.

    Bước tiếp theo là cách ly nạn nhân khỏi môi trường có liên quan đến sự việc xảy ra. Gia đình cũng cần là nơi lắng nghe, đào tạo cho các em về kỹ năng sống giúp các em mạnh mẽ và bình tĩnh ứng phó trước những tình thế trong cuộc sống.

    Nếu bạo lực thông thường dễ phát hiện và có thể được ngăn chặn kịp thời còn bạo lực “mềm” thông qua việc trêu chọc, lăng mạ trên mạng thì nguy hiểm hơn nhiều bởi nó ngấm ngầm, ảnh hưởng lớn về tinh thần và khó phát hiện ngay được. Hậu quả lại đánh vào tâm lý nên vô cùng nặng nề. Thiết nghĩ, các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em không mất nhiều thời gian trên mạng, chú trọng hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp các em vượt qua áp lực trong cuộc sống.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ

    Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

    Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

    GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.