Giáo viên mong chờ thưởng Tết!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phần lớn các trường học ở vùng khó, thưởng Tết của giáo viên chỉ là cân hạt dưa, gói mứt, hộp bánh… trị giá vài trăm nghìn đồng.

Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tặng quà Tết 2023 cho học sinh vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tặng quà Tết 2023 cho học sinh vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Tuy nhiên thầy cô có quyền hy vọng vào những chuyển biến tích cực về chế độ trong thời gian tới.

“Khéo ăn thì no…”

11 năm dạy học, thầy giáo Hoàng Anh Tuấn - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: “Chúng tôi xác định mình công tác trong lĩnh vực giáo dục, sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp hàng năm. Không phải là doanh nghiệp nên nhà trường không có khoản thu nào để gọi là có khoản tăng thêm. Vì vậy, giáo viên đều biết không có lương tháng 13 cũng không có thưởng Tết nên cũng không đòi hỏi hay so sánh gì” - thầy Tuấn cho biết.

Thế nhưng, theo như thầy Tuấn, dù xác định như thế, nhưng nhìn ngành nọ ngành kia có thưởng Tết, thậm chí là thưởng nhiều thì vẫn cũng có chút chạnh lòng khi về quê, có người này người kia hỏi thưởng Tết được bao nhiêu.

Thầy Hồ Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân - chia sẻ: “Mỗi năm, nhà trường được cấp khoảng từ 100 - 130 triệu đồng từ ngân sách cho khoản chi khác nhau, gồm cả tu bổ cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy học, hoạt động ngoài giờ, hoạt động chuyên môn. Chừng ấy cho mọi hoạt động của một trường học ở địa bàn vùng khó, không thể huy động được nguồn lực hỗ trợ từ phụ huynh thì vẫn còn thiếu chứ không thể dư ra được đồng nào để gọi là tiết kiệm chi”.

Cô Mai Thị Hiệp - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - cho biết, nhà trường không có khoản nào tiết kiệm từ ngân sách được cấp để triển khai các hoạt động trong năm học.

“Mỗi năm, nhà trường đều có kế hoạch mua sắm, bổ sung thêm đồ dùng dạy học và cải thiện các điều kiện phục vụ dạy - học, chăm sóc trẻ. Kinh phí ngân sách có hạn nên phải chia nhỏ ra để mua sắm, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất theo từng năm. Rồi các hoạt động bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, nâng cao đời sống tinh thần cho giáo viên cũng cần có kinh phí” - cô Hiệp tính toán.

Vì vậy, gần như ngân sách cho các khoản chi khác ngoài chi lương cũng đã được các trường học sử dụng hết. “Số tiền chi cho các hoạt động thường xuyên đã không nhiều, mà giờ lại tiết kiệm từ khoản này thì khó có thể đảm bảo cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nên chúng tôi cứ loay hoay vì không biết tiết kiệm kiểu gì” - cô Hiệp trải lòng.

Sẻ chia những khó khăn

Từ nguồn quỹ của Công đoàn và sự góp thêm của nhà trường, giáo viên Trường Mầm non Lý Sơn nhận được suất quà Tết trị giá khoảng 200 nghìn đồng/người. Có nhỉnh hơn một chút, suất quà Tết của các giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân trị giá khoảng 300 nghìn đồng. Trong số này, nhà trường đã cân đối ngân sách từ khoản chi thường xuyên để hỗ trợ 200 nghìn đồng/người, 100 nghìn từ nguồn quỹ Công đoàn. Quà Tết mà giáo viên nhận được thường là nhu yếu phẩm thiết thực trong dịp Tết như dầu ăn, mì chính, hạt dưa, mứt, bánh kẹo…

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) tập thể dục giữa giờ. (Ảnh nhà trường cung cấp).

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) tập thể dục giữa giờ. (Ảnh nhà trường cung cấp).

Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: “Dự kiến, mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường sẽ được hỗ trợ khoảng 1,3 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi tiêu nội bộ và quỹ Công đoàn. So với những nơi vài ba triệu đồng thì mình không dám so, chứ có những trường, quà Tết của giáo viên chưa đến 100 nghìn đồng, thì trường mình như thế cũng vui rồi, đủ cho anh em ở xa tàu xe về quê ăn Tết”.

Thầy Điệp chia sẻ, các thầy, cô giáo đều hiểu nhà trường hoạt động từ nguồn kinh phí ngân sách, không có lương tháng 13 như các đơn vị doanh nghiệp. Thế nhưng, dù ít dù nhiều thì nhà trường cũng cố gắng duy trì mức hỗ trợ Tết cho giáo viên.

“Thậm chí, mỗi giáo viên đều trích từ đồng lương ít ỏi của mình để giúp cho gia đình học sinh có một cái Tết tươm tất, để những ngày nghỉ Tết, học sinh của mình không phải ăn cơm trắng với muối. Từ những mối quan hệ cá nhân, nhiều giáo viên đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức để có thêm nguồn quỹ hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn chỉ với mong muốn các em không phải bỏ học để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Vì vậy, mọi nguồn lực nhận được, chúng tôi đều tập trung ưu tiên cho học sinh” - thầy Điệp nói.

Trong khi giáo viên miền núi hầu như hoàn toàn không có tiền thưởng Tết, thì ở thành phố, tiêu biểu như Đà Nẵng, thì mức thưởng Tết cho giáo viên, ngoài nguồn từ quỹ Công đoàn và tiết kiệm chi tiêu nội bộ, còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Như Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê), trong quy chế chi tiêu nội bộ đều có khoản tiền thưởng cho các ngày lễ, tết. “Như Tết Dương lịch thì mỗi giáo viên sẽ được thưởng 500 nghìn đồng, Tết Âm lịch thì có nhỉnh hơn một chút, 1 triệu đồng/người. Nếu cộng cả tiền thưởng Tết của UBND thành phố thì mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế và hợp đồng ngân sách được khoảng 3 triệu đồng tiền thưởng vào dịp Tết Quý Mão này” - thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Ngoài ra, từ khoản tiền tiết kiệm chi, trung bình, mỗi giáo viên của Trường THPT Hoàng Hoa Thám được nhận thêm khoảng 8 triệu đồng/người.

HĐND TP Đà Nẵng vừa có Nghị quyết Về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách năm 2023. Trong đó có nội dung thống nhất kinh phí phân bổ hỗ trợ Tết Nguyên đán năm 2023 cho cán bộ hưu trí, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và một số đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố theo mức tăng tối đa 15% (có làm tròn) so với mức quy định tại Nghị quyết số 238 trước đó của HĐND vào năm 2019. Cụ thể, tiền hỗ trợ Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên khối công lập của Đà Nẵng sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2 triệu 750 nghìn đồng/người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...