Giáo viên mầm non - điểm tựa đầu tiên của trẻ khi đến trường

GD&TĐ - Đồng hành cùng chương trình Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống (BAMI) – thực hiện bởi VVOB trong nhiều năm qua.

Thực hành quan sát trẻ theo quá trình thông qua các giờ học trên lớp
Thực hành quan sát trẻ theo quá trình thông qua các giờ học trên lớp

Các giáo viên mầm non ở KonTum đã trở thành điểm tựa đầu tiên và vững vàng cho trẻ khi đến trường thông qua rất nhiều sáng kiến trong giảng dạy.

Giáo dục mầm non luôn được đánh giá là một trong những bậc giáo dục quan trọng nhất bởi đây là giai đoạn giáo dục nhằm hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách mỗi người. Do đặc thù độ tuổi, trẻ mầm non khi đến trường gặp nhiều bở ngỡ và khó khăn trong hòa nhập. Đặc biệt, đối với các trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, việc này còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, bởi các em phải đối mặt với những khác biệt giữa trường học và ở nhà: từ ngôn ngữ, đến môi trường sống, văn hóa,…

Chính vì vậy mà tại các địa phương xa, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, vai trò của giáo viên mầm non trở nên cực kỳ quan trọng khi vừa giảng dạy, vừa phải tạo môi trường thuận lợi để trẻ phát huy được hết tiềm năng thông qua việc học tập và vui chơi.

Thấu hiểu điều này, từ năm 2017, ngành giáo dục mầm non tỉnh KonTum đã phối hợp cùng với VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) tập huấn cho giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh nhiều chương trình nhằm nâng cao năng lực của giáo viên.. Sau khi được tập huấn, các giáo viên đã có rất nhiều sáng kiến hay góp phần hạn chế các rào cản trong giáo dục của trẻ, và do vậy, giáo viên trở thành trở thành điểm tựa vững chắc cho trẻ và gia đình.

Sáng kiến quan sát trẻ theo quá trình

Là hiệu trưởng trường mầm non Bằng Lăng, huyện Kon Plông, Kon Tum, cô Trần Nguyễn Phương Uyên trực tiếp tham gia tập huấn nội dung “Quan sát trẻ theo quá trình” thuộc dự án BAMI và tập huấn lại cho các giáo viên của trường. Cô chia sẻ: “Thông qua các buổi dự giờ, chúng tôi đã cùng nhau suy ngẫm và tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Làm thế nào để giáo viên trong trường áp dụng quan sát trẻ trong quá trình hiệu quả hơn? Liệu tất cả trẻ trong lớp đều được giáo viên quan sát và chú ý không? Giáo viên đã làm gì giúp các trẻ tham gia tốt các hoạt động?... Sau những trao đổi này, chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp trong quan sát trẻ, trò chuyện, quan tâm kịp thời đến trẻ, từ đó xác định chính xác rào cản trẻ đang gặp phải tại lớp và thực hiện các giải pháp phù hợp để giúp trẻ vượt qua.”  

Quan sát trẻ từ ngày đầu đến trường, tìm hiểu trẻ để thiết kế hoạt động và chương trình học phù hợp giúp giáo viên kết nối và hỗ trợ trẻ tốt hơn. Nhờ vậy, trẻ dần dần trở nên hứng thú, thoải mái khi học tập và vui chơi cùng các bạn, cũng như chủ động hơn khi tham gia vào các hoạt động.

Sáng kiến đổi mới - sáng tạo các hoạt động góc trong lớp học

Hoạt động góc là một trong những nội dung không thể thiếu trong giáo dục trẻ mầm non. Đổi mới và sáng tạo các hoạt động góc là sáng kiến lớn được triển khai ở hầu hết các trường mầm non tại KonTum trong thời gian qua. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên trường mầm non Măng Đen, TT Măng Đen, huyện Kon Plông là một trong những giáo viên thực hiện thành công sáng kiến này với tên gọi “Lớp học thân thiện”.

Giáo viên mầm non - điểm tựa đầu tiên của trẻ khi đến trường ảnh 1
Góc thư viện trước và sau khi áp dụng sáng kiến tại trường mầm non Măng Đen, TT Măng Đen
Góc thư viện trước và sau khi áp dụng sáng kiến tại trường mầm non Măng Đen, TT Măng Đen

Cô Phượng chia sẻ: “Ý tưởng Lớp học thân thiện của tôi thực hiện đồng thời ba điểm hành động trong chương trình tập huấn của VVOB, gồm: (1) sắp xếp lại không gian lớp học thành những góc hấp dẫn, (2) đảm bảo mọi khu vực được trang bị đầy đủ, làm mới thường xuyên và (3) giới thiệu các vật liệu đồ dùng đồ chơi, hoạt động mới lạ. Tôi cũng kêu gọi cha mẹ trẻ góp sức chuẩn bị nguyên vật liệu gần gũi sẵn có cho lớp học. Kết quả là, trẻ tỏ ra thích thú và hào hứng được trải nghiệm các hoạt động học tập mới, đồ chơi mới. Tôi cũng cảm thấy mình mạnh dạn, và tự tin hơn. Chất lượng dạy và học được cải thiện rõ rệt so với trước.”

Sáng kiến tăng cường hoạt động trải nghiệm, kết nối văn hóa địa phương

Tổ chức lớp học trải nghiệm “Tìm hiểu nhà văn hóa thôn” ngay tại nhà văn hóa thay vì trong lớp học, Cô Hồng Hạnh, phó HT trường Mầm non Thị trấn Măng Đen chia sẻ: “Thông qua các hoạt động thực tế, trẻ sẽ hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình, hiểu về ngôn ngữ dân tộc mình và cũng giúp trẻ học Tiếng Việt. Nhờ vậy, ngay trong buổi học, trẻ đã hào hứng hơn, chủ động trao đổi và chia sẻ. Trẻ học nhanh và nhớ lâu hơn rất nhiều.”

Góc bé chọn vai nào tại trường mầm non xã Pờ Ê, huyện Kon Plông
Góc bé chọn vai nào tại trường mầm non xã Pờ Ê, huyện Kon Plông

Còn tại trường mầm non xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, các hoạt động trong lớp đều được các giáo viên lồng ghép vào các câu chuyện quen thuộc tại địa phương. Tiết học kể chuyện hàng tuần được tổ chức theo hình thức trải nghiệm: cho trẻ hóa thân vào các nhân vật hoặc cho trẻ tự sáng tạo ra câu chuyện dựa trên hiểu biết của trẻ. Điều này giúp trẻ nhớ câu chuyện lâu hơn và hứng thú hơn. Cô Phạm Thị Lệ Huyền, giáo viên trường mầm non xã Pờ Ê, huyện KonPlông chia sẻ: “Thật hạnh phúc khi thấy rằng mình là người đồng hành cùng với các em từ những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Vì vậy, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp và có hiệu quả, giúp các em mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.”

Xem thêm thông tin về dự án BAMI và các dự án khác của VVOB Việt Nam tại: https://vietnam.vvob.org/vi

Tên giáo viên và tên trường đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ