Giáo viên mặc đồ bảo hộ lên lớp: Tôi muốn bảo vệ bản thân và học trò

GD&TĐ - Hình ảnh PGS.TS Lưu Lan Hương - giáo viên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) lên lớp trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thu hút sự tò mò và cả những ý kiến trái chiều.

Hình ảnh giáo viên lên lớp trong bộ đồ bảo hộ đang thu hút sự quan tâm.
Hình ảnh giáo viên lên lớp trong bộ đồ bảo hộ đang thu hút sự quan tâm.

Cẩn thận… không thừa

Sau khi hình ảnh được chia sẻ rộng rãi, nhiều ý kiến cho rằng cô giáo cẩn thận, tốt cho công tác phòng dịch trong bối cảnh mỗi ngày Hà Nội ghi nhận thêm hàng nghìn ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc làm này là thái quá, không cần thiết, gây tâm lý hoang mang cho học trò.

Theo các chuyên gia y tế, khi đã tiêm đủ các liều vắc xin phòng Covid-19, các khuyến cáo phòng bệnh tốt nhất vẫn là khẩu trang và có thể thêm kính bảo vệ mắt. Virus tấn công  vào miệng, mắt, mũi vì vậy bạn chỉ cần bảo vệ ba bộ phận này là đủ.

Với các điều kiện hiện nay, chúng ta không cần quá thận trọng với dịch bệnh như trước đây nhưng cũng không nên coi thường, chủ quan, lơ là phòng dịch.

Theo quy định trước đây của Bộ Y tế, những trường hợp cần mặc áo phòng hộ là người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Cơ sở cách ly theo dõi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; Theo dõi chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà; Các chốt trong khu vực cách ly, tổ Covid-19, khu vực lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại cộng đồng; Khu vực nhập/xuất cảnh người, hàng hóa; vận chuyển người nhiễm, nghi ngờ nhiễm SARS-CoV2 và các đối tượng liên quan trực tiếp đến người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 trong các hoạt động phòng, chống dịch khác.

Theo quy định hiện hành, chỉ những người chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong cơ sở y tế mới cần thiết mặc áo phòng hộ.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Giúp học sinh nâng cao ý thức phòng dịch

Khi được hỏi về lý do mặc trang phục đặc biệt khi lên lớp dạy học, cô Hương cho biết: Tôi không vào diện “F” nào và cũng không có yếu tố liên quan đến dịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm giữ gìn vì bản thân và vì các em học sinh.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chúng ta càng cần đề cao tinh thần cảnh giác. Tôi đi dạy với lớp đông học sinh nên tôi chủ động phòng bị để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người. Là giáo viên nên sẽ phải nói liên tục, nếu mình có yếu tố liên quan đến dịch bệnh thì học sinh sẽ ảnh hưởng rất lớn” – cô Hương cho hay.

Em Hồng Anh, học sinh lớp 11 chia sẻ: “Ban đầu thấy cô mặc như vậy, bọn em cảm giác hơi lạ và cũng hơi… ngại. Bạn nào cũng ngạc nhiên và không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhưng cô đã vui vẻ giải thích và khuyên chúng em nên bảo vệ, giữ gìn theo các hướng dẫn phòng dịch, không chỉ cho bản thân mà cả cộng đồng. Chỉ mất mấy phút đầu lạ lẫm nhưng sau cả lớp cũng quen với việc này và hình ảnh cô trong bộ đồ bảo hộ trở nên độc lạ và là tấm gương về ý thức phòng dịch cho học sinh”.

Cô Hương cho biết thêm: Là giáo viên dạy Sinh học, hiểu rõ cơ chế của SARS-CoV-2 nên càng quan tâm công tác phòng chống dịch.

Hiện cô dạy khối lớp 10, 11 và 12 của trường và bất cứ buổi nào lên lớp, cô cũng mặc đồ bảo hộ như vậy. “Cứ lên lớp là tôi trang bị trang phục như thế, chứ không phải mỗi lớp đó, giờ đó. Có học sinh trêu tôi là cô mà cẩn thận số 2 thì không có ai là số 1”, cô Hương cười.

Theo TS. Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHTN: Từ buổi dạy đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, tất cả các giờ lên lớp cô Hương đều mặc áo phòng hộ. Thực tế, không có quy định nào cấm giáo viên mặc như vậy lên lớp. Nhà trường cũng đã tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch Covid-19 đến toàn bộ giáo viên ngay buổi học đầu tiên. Quan điểm của chúng tôi là khuyến khích giáo viên, học sinh tuân thủ nghiêm và nâng cao ý thức phòng dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, điều này càng trở nên có ý nghĩa. Cá nhân tôi khi tham gia giảng dạy cũng đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Ban Giám hiệu cũng đã đi kiểm tra tình hình tại các lớp học, dư luận học sinh đều đồng tình với suy nghĩ và việc làm thiết thực của cô giáo, coi đây là tấm gương về sự cẩn thận và ý thức phòng dịch, bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.