Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội: Mong không hứa “suông”

GD&TĐ - Ngày 9/7, UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS có giáo viên hợp đồng (GVHĐ) cùng 256 GVHĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, sau cuộc họp các GVHĐ tỏ ra lo lắng khi họ không thuộc diện được xét tuyển đặc biệt.

Nhiều giáo viên buồn bã, lo lắng sau cuộc họp với UBND huyện Sóc Sơn ngày 9/7
Nhiều giáo viên buồn bã, lo lắng sau cuộc họp với UBND huyện Sóc Sơn ngày 9/7

Huyện và TP có chung quan điểm?

Ngày 10/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, một số GVHĐ cho biết, tại cuộc họp ngày 9/7, UBND huyện Sóc Sơn cho hay: Theo Quyết định 3455/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 28/6/2019, hình thức xét tuyển do UBND cấp huyện đề xuất trên cơ sở Nghị định 161 của Chính phủ: Xét tuyển đặc biệt, xét tuyển, thi tuyển. Đối với trường hợp xét tuyển đặc biệt phải bảo đảm có bằng đại học phù hợp với chuyên môn, hợp đồng với các đơn vị sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp Nhà nước nhưng đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ về chi thường xuyên.

Hình thức thi tuyển sẽ gồm 2 vòng: Vòng 1 là thi trắc nghiệm tiếng Anh và kiến thức chung về quản lý Nhà nước; Vòng 2 thi kiến thức chuyên môn và thi viết về quản lý Nhà nước. Hình thức xét tuyển quy định không phải thi vòng 1, nhưng vẫn phải thi vòng 2 với 2 nội dung thi vấn đáp, thực hành soạn và giảng.

Cũng tại cuộc họp này, UBND huyện cho biết: Huyện Sóc Sơn có 97 trường học ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS nhưng không có trường nào tự chủ chi thường xuyên nên có thể khẳng định toàn bộ 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn không đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt. Như vậy, huyện Sóc Sơn sẽ lựa chọn hình thức xét tuyển.

Chiều 9/7, trả lời các câu hỏi tại tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội liên quan tới các trường hợp giáo viên tại các huyện ký hợp đồng lao động lâu năm, nhưng không được xét tuyển công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời về việc Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền. Thành phố sẽ thực hiện việc xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên trong thời gian vừa qua ký hợp đồng nhiều năm với những điều kiện cụ thể: Giáo viên có hợp đồng và phải đóng bảo hiểm trong thời gian vừa qua; giáo viên có kiểm tra sức khỏe, có trình độ, năng lực phù hợp với đề án mô tả vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn hay khoa mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Sự hoang mang của người trong cuộc

Sau cuộc họp của UBND huyện Sóc Sơn và nội dung trả lời trước HĐND TP của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhiều GVHĐ tại huyện Sóc Sơn tỏ ra hoang mang.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một GVHĐ công tác tại Trường TH thị trấn Sóc Sơn bày tỏ: “Sáng 9/7, trong cuộc họp của UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo huyện cho biết chúng tôi không đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt nhưng đến chiều trong bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thì chúng tôi thấy mình có đủ điều kiện để xét”.

“Trong hội nghị lãnh đạo huyện nói thì GVHĐ không hề có ưu tiên gì mà giống như thí sinh tự do. Kết luận này của huyện Sóc Sơn làm mọi người buồn bã vì khi dư luận đang ủng hộ và mong muốn một quyết định nhân văn cho GVHĐ đã vắt kiệt tuổi xuân cống hiến cho ngành Giáo dục lại bị cô lập. Tan cuộc họp, tất cả chúng tôi chẳng ai muốn về, ngồi sụp lại hội trường lo lắng. Nhưng đến chiều, khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chúng tôi lại có niềm tin vào sự nhân văn” - GVHĐ chia sẻ.

Chung nỗi lo như những đồng nghiệp khác, một GVHĐ công tác tại Trường THCS Minh Phú, bày tỏ: “Nếu huyện xét tuyển như vậy liệu có đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP trong buổi họp HĐND TP chiều 9/7. Tôi không hiểu vì sao TP chỉ đạo như vậy nhưng huyện lại thực hiện một kiểu gây bất lợi cho chúng tôi”.

Giáo viên này cũng cho hay: “256 GVHĐ chúng tôi rất tán thành và đồng tình với quan điểm chỉ đạo của thành phố là cho chúng tôi được xét tuyển theo tiêu chí thành phố đưa ra. Nếu huyện Sóc Sơn cứ chọn phương án xét tuyển chung như những thí sinh tự do tôi sẽ không tham gia dự tuyển nữa vì biết chắc mình sẽ không trúng tuyển”. 

Cần hiện thực hóa chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về tuyển dụng giáo viên

Trong phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định Hà Nội sẽ xét tuyển đối với các giáo viên có hợp đồng từ 5 năm trở lên. Sau khi xét tuyển hết số GV này thì mới thi tuyển các vị trí còn lại. Khẳng định của chủ tịch UBND TP mở ra hi vọng cho hàng trăm GV hợp đồng lâu năm sắp mất việc do thi tuyển viên chức, viên chức.

Ông Nguyễn Đức Chung nói: TP sẽ thực hiện việc xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên trong thời gian vừa qua đã kí hợp đồng nhiều năm với 3 điều kiện. Thứ nhất, các giáo viên phải có hợp đồng và đóng bảo hiểm trong suốt thời gian vừa qua. Thứ hai, các giáo viên phải kiểm tra sức khỏe. Thứ ba, trình độ năng lực phải phù hợp với đề án vị trí việc làm.

Trên cơ sở đó, TP sẽ giao cho các quận huyện và Sở Nội vụ sẽ thành lập một hội đồng để xét tuyển, xét duyệt hết các trường hợp. TP dự kiến sẽ xét tuyển các GV có hợp đồng 5 năm trở lên, còn lại thì phải thi tuyển. Sau khi xét tuyển hết rồi thì sẽ thi tuyển số còn lại.

Tuy nhiên, khẳng định của Chủ tịch UBND TP không làm các giáo viên hợp đồng yên tâm vì nếu đối chiếu theo tất cả các quy định, họ vẫn không đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt. Ngay cả “lời hứa” sẽ xét tuyển đối với các giáo viên có hợp đồng từ 5 năm trở lên chiều 9/7 của ông Nguyễn Đức Chung cũng sẽ thành “lời hứa suông” nếu không có văn bản quy định cụ thể!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.