Thiếu biên chế, nguy cơ học sinh không được đến trường

GD&TĐ - Việc tổ chức dạy học của năm học 2019-2020 của ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình được xác định là gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ… do thiếu 157 biên chế cho ngành GD&ĐT, đặc biệt là bậc học Mầm non của huyện này.

Trường Mầm non xã Sơn Trạch được đầu tư mới 4 phòng học nhưng sẽ không được sử dụng vì không thể huy động trẻ như nhu cầu thực tế vì hiện tại thiếu 8 giáo viên khi bước vào năm học 2019-2020.
Trường Mầm non xã Sơn Trạch được đầu tư mới 4 phòng học nhưng sẽ không được sử dụng vì không thể huy động trẻ như nhu cầu thực tế vì hiện tại thiếu 8 giáo viên khi bước vào năm học 2019-2020.

Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch, năm học 2019-2020, toàn huyện cần 3.137 biên chế, trong khi đó hiện đang thiếu 157 biên chế so với biên chế được giao năm 2018. Trong đó bậc học Mầm non tăng 31 lớp thiếu 106 biên chế; Tiểu học tăng 23 lớp thiếu 35 biên chế; THCS tăng 1 lớp thiếu 2 biên chế.

Từ việc thiếu biên chế quá nhiều đối với bậc học Mầm non, nhiều khả năng ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch sẽ không huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường theo quy định trong trường hợp UBND tỉnh Quảng Bình không tăng thêm biên chế và tìm các giải pháp tăng nguồn nhân lực để đáp ứng việc mở các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế của nhân dân.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch, có 14 biên chế chưa được giao cho các trường do phải ưu tiên bố trí cho các vị trí giáo viên giảng dạy, trong đó nhân viên y tế Tiểu học thiếu 10 biên chế, cán bộ quản lý cho các trường hạng 1 chưa được giao 4 biên chế…

Qua tìm hiểu về thực trạng này tại trường Mầm non xã Sơn Trạch cho thấy: Năm học 2019-2020 nhà trường cần tổng số 60 giáo viên (tỷ lệ 2 cô/1 lớp) trong đó có 48 giáo viên biên chế và 4 giáo viên hợp đồng, vẫn còn thiếu 8 giáo viên để có thể huy động tổng số trẻ trên toàn địa bàn từ (0-5 tuổi) - hiện có 1.462 trẻ trong đó trẻ số nhà trẻ từ 0-2 tuổi là 602 trẻ; trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi là 860 trẻ.

Trong khi đó, năm học mới biên chế của nhà trường chỉ có 51 giáo viên và chỉ có thể đáp ứng được 744 trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi tương đương 25 lớp (bình quân mỗi lớp 29,7 trẻ). Như vậy, với con số thực tế biên chế được giao, trường Mầm non xã Sơn Trạch vẫn không thể huy động 117 cháu (trong đó 103 trẻ 3 tuổi và 14 trẻ 4 tuổi) đến trường năm học 2019-2020 này.

Bà Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Sơn Trạch chia sẻ: Được sự quan tâm của UBND huyện Bố Trạch và UBND xã Sơn Trạch năm học 2019-2020 nhà trường sẻ có thêm 4 phòng học được đầu tư ở điểm trung tâm giúp lượng huy động trẻ của nhà trường có thể lên đến 30 lớp. Tuy nhiên, vì biên chế không được giao nên hiện tại chúng tôi còn thiếu 8 giáo viên do vậy việc tuyển sinh năm học mới vẫn không thể tăng lớp được.

Nhà trường có 6 điểm lẻ, do điều kiện địa hình và ở cách xa nhau nên những tính toán tập trung các điểm trường để thuận lợi nhất trong việc huy động trẻ là không thể. Chính vì thế hiện tại nhiều phụ huynh bức xúc từ việc con mình không được đến trường như quy định.

Thực tế này sẽ tạo nên khó khăn lớn cho phụ huynh học sinh, đặc biệt là những người lao động phục vụ tại các cơ sở du lịch và trung tâm du lịch ở địa bàn bởi con cái họ không thể đến trường.

Ông Trần Quang Vũ, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch tâm sự: Hằng năm, từ đánh giá thực tế nhu cầu đến trường của học sinh từng địa bàn, huyện có những điều chỉnh để đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, phòng y tế… đảm bảo huy động tối đa lượng trẻ đến trường đối với bậc học mầm non, tuy nhiên việc huy động này sẽ dừng lại bởi không có biên chế giao cho các trường.

Hiện nay, huyện cũng có đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình xem xét bổ sung 157 biên chế giáo viên của ngành giáo dục được tỉnh giao còn thiếu của năm 2018. Nếu trong trường hợp không có biên chế giao thêm thì huyện cũng đề nghị được bố trí kinh phí trả vượt giờ cho giáo viên giảng dạy hoặc hợp đồng thêm giáo viên đáp ứng nhu cầu về quy mô trường lớp và học sinh theo quy định.

Trong trường hợp bất khả kháng, ngành GD&ĐT huyện Bố Trạch sẽ từ chối việc huy động trẻ dưới 5 tuổi mà ưu tiên huy động trẻ 5 tuổi trở lên để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT ban hành.

Rõ ràng, đối với ngành GD&ĐT là một ngành đặc thù do đó số lượng học sinh hàng năm biến động khá rõ ràng, việc thiếu biên chế sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học, chất lượng dạy học và nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt là bậc học Mầm non.

Từ thực tế như vậy, mong rằng UBND tỉnh Quảng Bình có những hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đảm bảo thực tế của địa phương. Muốn chất lượng giáo dục được nâng lên thì trước hết chất lượng đội ngũ sẻ phải đảm bảo đủ về số lượng để giải quyết nhu cầu của phụ huynh và giảm tối đa thiệt thòi cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.