Công khai, khách quan khi nghiên cứu chọn sách giáo khoa
Nói về những thuận lợi, khó khăn trong công tác chọn SGK lớp 2, lớp 6 đến các nhà trường trên địa bàn, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Năm học 2021-2022, với 3 bộ sách Bộ GD&ĐT phê duyệt, các nhà trường và giáo viên đã tập trung hơn cho việc lựa chọn SGK phù hợp với tiêu chí thành phố đã đề ra.
Với các trường tiểu học trên địa bàn, việc lựa chọn sách lớp 2 không có khó khăn gì do năm học trước các trường đã triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả.
Đối với cấp Tiểu học có 9 môn học, sự lựa chọn khá tập trung.
Đối với lớp 6, do năm đầu thực hiện việc lựa chọn sách và có nhiều môn học nên các trường phải triển khai lựa chọn qua nhiều khâu, giáo viên phải nghiên cứu kĩ, cần nhiều thời gian hơn.
“Bên cạnh tiêu chí do Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn, mỗi nhà trường còn căn cứ vào trình độ năng lực của học sinh, trình độ của đội ngũ giáo viên, trình độ dân trí, cơ sở vật chất,... để lựa chọn sách.
Riêng đối với lớp 2, rút kinh nghiệm sau một năm thực hiện, mỗi giáo viên cần cho ý kiến về ưu điểm, hạn chế của bộ sách đang thực hiện, đánh giá chung kết quả nhận thức của học sinh lớp 1 để từ đó có sự lựa chọn sách lớp 2 phù hợp”- bà Thủy chia sẻ.
Bà Thủy nhận định: Nhìn chung, giáo viên vui vẻ, háo hức đón nhận các bộ SGK mới, có nhiều nhận xét tích cực về sự đổi mới hình thức cũng như nội dung các bộ sách.
Việc tổ chức lựa chọn sách của các trường được triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, khách quan và có chất lượng.
Mong muốn chung của các nhà trường và giáo viên là sớm đón nhận được bộ SGK lớp 2, lớp 6 để có nhiều thời gian nghiên cứu, tập huấn và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, giúp giáo viên chủ động và thuận lợi dạy theo sách mới ngay từ những ngày đầu của năm học mới.
Về phía ngành Giáo dục, ngay sau khi có quyết định lựa chọn SGK mới sẽ triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp đến các nhà trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn theo chương trình SGK mới tới 100% CBQL, GV dạy lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các nhà xuất bản để đáp ứng yêu cầu SGK cho giáo viên và học sinh.
Ngành và các nhà trường cũng tập trung thiết kế, xây dựng những chuyên đề gắn với yêu cầu của chương trình, SGK mới để lan tỏa những cách tiếp cận mới, hiệu quả và rút kinh nghiệm những nội dung còn bỡ ngỡ, lúng túng để đạt chất lượng giảng dạy ngay khi bước vào năm học mới 2021-2022.
Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh
Đón bắt chương trình, SGK mới, các trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 đảm bảo đúng quy định: 100% giáo viên có trình độ đại học trở lên; có kinh nghiệm dạy lớp 2 và lớp 6; có trường để một số giáo viên lớp 1 theo lớp.
Giáo viên cốt cán của các trường được tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 thuộc Chương trình ETEP.
Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn chương trình SGK theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, lập danh sách giáo viên theo nhóm các môn học, kể cả tiểu học (nhóm Toán, nhóm Văn, nhóm tiếng Anh,…); cử một đồng chí Phó hiệu trưởng vững chuyên môn là nhóm trưởng phụ trách và là đầu mối triển khai kế hoạch tập huấn của phòng GD&ĐT.
Ngành cũng chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu thiết bị dạy học phục vụ cho chương trình, SGK mới theo thông tư qui định thiết bị tối thiểu dành cho lớp 2, lớp 6 để đề nghị UBND quận phê duyệt và cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy, học cho giáo viên và học sinh theo đúng chỉ đạo của thành phố.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lên lớp 6 tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018, phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm đã tổ chức tập huấn 100% cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp 5 nội dung: thực hiện kế hoạch giáo dục lớp 5 học kỳ II năm học 2020-2021.
Bên cạnh đó, còn tổ chức tập huấn cho giáo viên lớp 5 kỹ năng hướng dẫn học sinh có phương pháp học để có thể đáp ứng yêu cầu của lớp 6, như: kỹ năng nghe, ghi vở, tóm tắt ý chính, kỹ năng tự học, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm...
Cũng để hỗ trợ giáo viên dạy tích hợp theo SGK lớp 6 mới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Trong SGK lớp 6, phân phối chương trình tiết Địa lý, Lịch sử được xây dựng riêng, việc sắp xếp thời khóa biểu các tiết là do mỗi nhà trường quy định.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung bài học, nếu bài nào giáo viên dạy Địa và giáo viên dạy Sử thấy có thể tích hợp được nội dung thì cùng xây dựng kế hoạch bài dạy sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trường.