Ủng hộ bỏ hình thức thi thăng hạng
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 có nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Nhận được thông tin này, cô Trần Việt Hồng - giáo viên Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) cho biết: Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là quyết định rất đúng đắn vì hầu hết giáo viên hiện nay đều có mong muốn này.
Cô Hồng cho rằng, được thăng hạng mà không phải thi, tức là giáo viên đã được ghi nhận quá trình cống hiến, phấn đấu của mình cho ngành giáo dục. Giống như trước đây học đại học, sinh viên có kết quả học tập tốt thì được làm luận văn. Đó là sự khuyến khích, động viên giáo viên về cả tinh thần và vật chất, tạo động lực cho chúng tôi tích cực phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho ngành giáo dục.
Năm học mới 2023-2024 đã đến gần, việc chuẩn bị cho kỳ thi thăng hạng là không hợp lý vì giáo viên sẽ rất áp lực, mất tập trung vào việc chuẩn bị bài giảng theo chương trình mới, ảnh hưởng đến kết quả giảng dạy. Bên cạnh đó, nếu tổ chức thi thăng hạng thì có thể có những giáo viên lớn tuổi, giàu thành tích thì vẫn trượt vì gánh nặng tuổi tác cũng như tin học, ngoại ngữ không phải là thế mạnh của họ. Điều đó rất thiệt thòi, gây ra sự không công bằng giữa các hệ giáo viên.
Còn cô Nguyễn Thị Thúy Hồng - giáo viên Trường THPT Vân Cốc (huyện Phúc Thọ) thì cho rằng, chủ trương không thi thăng hạng sẽ tạo tâm thế vui vẻ, yêu nghề hơn đối với giáo viên. Vì những cống hiến, thành tích của giáo viên đóng góp cho ngành giáo dục đã được cấp trên ghi nhận. Việc xét thăng hạng sẽ tạo động lực cho giáo viên trong công việc giảng dạy của mình, giáo viên sẽ chuyên tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên môn giảng dạy.
Chỉ ra những bất cập của quá trình thi thăng hạng ở Hà Nội và những ưu điểm của việc xét thăng hạng, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) phân tích: Thứ nhất, Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng với số lượng hồ sơ đăng kí đông thì quá trình rà soát, thẩm định, phê duyệt mất nhiều thời gian là chưa đúng.
Thực tế là mỗi hồ sơ dự thăng hạng giáo viên đã được rà soát, thẩm định và phê duyệt tại cơ sở và không phải giáo viên nào làm hồ sơ thăng hạng cũng được nhà trường phê duyệt. Rõ ràng nhà trường cũng có những tiêu chí cụ thể cho việc rà soát, thẩm định hồ sơ vì vậy Sở Nội vụ nên tin tưởng theo kết quả thẩm định này. Trường hợp cần thiết Sở Nội vụ có thể tự tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thăng hạng bằng việc xây dựng Bộ tiêu chí cụ thể quy đổi ra điểm.
Thứ hai, Sở Nội vụ cho rằng việc xét thăng hạng cần nhiều nhân lực và tốn kém là không đúng. Thực tế là nếu xét hồ sơ thăng hạng có sự hỗ trợ của công cụ khi đã có bộ tiêu chí cụ thể thì các nhà trường hoàn toàn có thể tự nhập dữ liệu nên không cần nhân lực của Sở Nội vụ. Nếu so với với việc đóng lệ phí dự thi thăng hạng như thời gian gần nhất năm 2019 với mức 500.000đ/ người thì việc xét hồ sơ thăng hạng sẽ là con số nhỏ hơn rất nhiều lần so với việc tổ chức thi.
Giáo viên ủng hộ bỏ kỳ thi thăng hạng để tập trung vào công việc chuyên môn. |
Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo viên
Cô Đỗ Thị Thoa - giáo viên THPT Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho rằng nên xét thăng hạng chứ không nên tổ chức thi. Vì với những giáo viên ra trường và đã công tác lâu năm, họ có nhiều thành tích như tham gia thi giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Còn tiếng Anh do không sử dụng quá lâu và giờ có tập trung học thời gian rồi lại không dùng đến lãng phí lớn thời gian, thời gian đó để các thầy cô tập trung vào chương trình sách giáo khoa mới.
Để học lại tiếng Anh, Tin học, giáo viên sẽ phải mất nhiều thời gian, mà học xong lại không dùng đến lãng phí. Mặt khác, giáo viên đang cần tập trung rất nhiều thời gian vào chương trình mới, sách giáo khoa mới nên việc xét thăng hạng là hợp lý. Nếu được xét tất những giáo viên có đủ điều kiện đáp ứng là tốt nhất. Còn nếu phải xét theo % thì ưu tiên từ các thầy cô có thành tích thi giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua, xét từ cao xuống hết chỉ tiêu.
Cùng ở Trường THPT Ngọc Tảo, thầy Đỗ Đăng Khoa bày tỏ: Việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là quyết định đúng đắn. Đối với giáo viên nhiều tuổi, trong quá trình dạy học không dùng đến ngoại ngữ nên kiến thức ngoại ngữ bị mai một. Do đó, khi thi ngoại ngữ, tin học thì sẽ rất khó khăn. Trong khi giáo viên trẻ, cống hiến chưa nhiều nhưng vượt qua kỳ thi thăng hạng đã có bậc lương bằng với giáo viên lâu năm là điều bất cập.
Thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cho rằng việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà dùng phương án xét là hợp lý, hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và nguyện vọng tha thiết của hàng nghìn giáo viên thủ đô nói riêng và giáo viên cả nước nói chung.
Xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác, cũng sẽ khích lệ lớp giáo viên trẻ có động lực để phấn đấu, cống hiến. Họ sẽ là những giáo viên giỏi thành phố, những chiến sĩ thi đua sau này. Hơn thế nữa, xét thăng hạng còn là sự quan tâm, động viên, ghi nhận của lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ giáo viên có nhiều thành tích, cống hiến, gắn bó với ngành giáo dục.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 có nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Văn bản nêu rõ: Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.