Hơn 4000 giáo viên các cấp học tại Hà Nội đang làm hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên từ hạng III lên hạng II tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng về những bất cập liên quan.
Vấn đề thứ nhất, các Phòng Nội vụ của các quận, huyện, thị xã không nhận hồ sơ thăng hạng của giáo viên vì lý do chưa có bằng đại học đủ 9 năm. Những người gặp tình trạng này là các giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã bị trả lại hồ sơ nhưng đến nay chưa có thông tin sẽ được nhận lại.
Cô Nguyễn Thị Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học Tản Đà (huyện Ba Vì) cho biết: Sau khi Sở Nội vụ có công văn 1783/SNV-CCVC, về việc hướng dẫn tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập hàng ngàn giáo viên trên địa bàn thành phố đã làm hồ sơ dự thăng hạng trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi.
Tuy nhiên, cuối tháng 7/2023 hàng trăm hồ sơ bị các phòng nội vụ trả về với lý do: Chưa có bằng đại học đủ 9 năm. Lúc đó, giáo viên đã rất sốc và bắt đầu tìm hiểu các văn bản (Nghị định, Thông tư) có liên quan thì nhận thấy: Việc trả lại hồ sơ của các phòng nội vụ là không đúng với chủ trương, văn bản của Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Ngày 25/7/2023, hơn 2500 giáo viên tại Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT, yêu cầu giải đáp về những vướng mắc khi địa phương triển khai thực hiện thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.
Sau đó, ngày 4/8, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) có văn bản giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08. Ngày 14/8/2023 Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD về việc bổ nhiệm CDNN giáo viên mầm non, phổ thông.
“Vì những lý do trên, chúng tôi kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời đến các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chủ trương, quy định của lãnh đạo cấp trên để quyền lợi của giáo viên được nghiêm túc đảm bảo”- cô Tuyết kiến nghị.
Còn cô Trần Thị Mai Thơm - giáo viên Trường THCS Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) cho biết: Dựa trên công văn 4306 của Bộ GD&ĐT ngày 14/08/2023, tôi đề nghị Sở nội vụ ra văn bản hướng dẫn về cấp Phòng để thu bổ sung hồ sơ thăng hạng III lên II đối với các trường hợp giáo viên bị trả hồ sơ về do chưa có bằng đại học đủ 9 năm.
Hơn 4000 giáo viên Hà Nội tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. |
Còn cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ mong muốn Sở nội vụ Hà Nội sớm có công văn chỉ đạo các quận huyện bỏ quy định phải có bằng đại học 9 năm mới được làm hồ sơ trong dịp thăng hạng 2023 để đảm bảo việc bổ sung xét thăng hạng kịp thời cho giáo viên. Đồng thời đảm bảo đúng Luật Giáo dục 2019, Nghị định 115/CP về lộ trình chuẩn hoá đào tạo.
Vấn đề thứ hai, các giáo viên tại Hà Nội đề xuất bỏ thi, thực hiện xét thăng hạng đối với giáo viên. Những đề xuất này đến từ các giáo viên THPT trên địa bàn thành phố.
Cô Lê Thị Bạch Tuyết - giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ứng Hòa bày tỏ: Những ngày này, giáo viên thuộc trường hợp thăng hạng trong năm nay đều mong Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội sớm có quyết định về việc xét thăng hạng. Nếu phải chờ đợi đến tháng 12 sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng, tư tưởng, chúng tôi sẽ không yên tâm giảng dạy vì phải lo ôn thi.
Thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho biết: Gần đây, hơn 4000 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội làm hồ sơ thăng hạng đợt này đã nhiều lần gửi tâm thư đến các ban ngành có liên quan với mong muốn được xét thay cho thi thăng hạng. Các thầy cô đã trình bày những ưu điểm, mặt tích cực của hình thức xét và cũng đã tha thiết bày tỏ mong muốn được xét thay cho thi.
Trước đó, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết thời gian tới sẽ bỏ thi và chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.