Ngữ liệu không lạ, gợi cảm hứng
Nhận định về đề thi năm nay, cô giáo Hoàng Thị Hoài Hoan – giáo viên Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh) cho rằng đề thi năm nay khá hay, trong đó ở phần đọc hiểu thí sinh khá – giỏi có thể dễ dàng làm được điểm tối đa: Tôi thích phần ngữ liệu của phần đọc hiểu khi trích dữ liệu từ bài viết “Từ hạt cát đến ngọc trai”. Đây cũng là phần ngữ liệu khá quen thuộc và giáo viên đã ôn khá nhiều nên các em nếu học kỹ sẽ không gặp khó khăn”.
Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Nghệ An năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài. |
Ở câu hỏi thứ 4 của phần thi này: "Nêu một thông điệp có ý nghĩa mà em nhận được từ đoạn trích”, thông điệp chính là ở câu cuối của ngữ liệu, đó là “phải dựa vào chính mình”. Ở đây có thêm sự kết nối ở phần câu hỏi nghị luận xã hội, một câu hỏi mở và học sinh sẽ lấy được nhiều dẫn chứng sinh động để chứng minh từ những nhân vật truyền cảm hứng trong xã hội mà các em có thể biết đến.
Ở phần Nghị luận văn học, tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” của tác giả đã lâu không vào đề thi lớp 10 vì thế trong quá trình ôn tập, giáo viên khá chú trọng với bài thơ này. Riêng ở trường chúng tôi, học sinh mới phân tích hai khổ thơ 5,6 ở trong kỳ thi thử vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, đề yêu cầu học sinh phân tích cả 3 khổ thơ 5,6,7 thì khá dài. Theo cô Hoài Hoan “đề nên ra 2 khổ thơ là vừa tầm. Với đề này, cháu nào làm chậm sẽ không kịp”.
Thí sinh miền núi sẽ gặp khó trong câu nghị luận xã hội
Nói về đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cô giáo Lê Na – giáo viên môn Ngữ văn – Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn cho rằng: Cô Lê Na đánh giá, theo cảm nhận cá nhân tôi, đề thi môn Ngữ văn năm nay khá hay, sát với cấu trúc đề minh họa của Sở GD&ĐT. Vì vậy, trong quá trình ôn tập ở các nhà trường, chắc hẳn giáo viên và học sinh đã rèn luyện nhiều, định hướng các phần bài học trọng tâm.
Các câu hỏi trong đề thi cũng phát huy được tinh thần của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đó là phát huy được năng lực học sinh. Đề thi vừa kiểm tra được kiến thức văn học, vừa để học sinh thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân về các vấn đề trong đời sống xã hội và đánh giá khả năng cảm thụ, phân tích văn chương.
Câu nghị luận xã hội trong đề thi môn Ngữ văn được đánh giá không dễ đối với học sinh trường vùng cao. Ảnh: Hồ Lài. |
Với đề thi này học sinh sẽ không khó khăn để lấy được điểm trung bình và dự báo điểm khá cũng tương đối nhiều. Với những em học lực môn này vừa phải, đặt mục tiêu không cao sẽ dễ cảm thấy đề “vừa sức”. Nhưng để đạt được điểm giỏi không dễ dàng.
Cụ thể, câu 1 kiểm tra kiến thức đọc hiểu, thuộc mức độ nhận biết của đề thi, hầu hết thí sinh có ôn tập nghiêm túc đều cơ bản làm được trọn vẹn. Còn câu 2 nghị luận xã hội về phát triển giá trị bản thân sẽ lợi thế đối với học sinh miền xuôi. Trong khi đó, với học sinh miền núi, một đề thi nghị luận xã hội, cần dẫn chứng tiêu biểu, cần phân tích, chứng minh, đưa ra quan điểm thì sẽ “hơi khó” và quá sức.
“Câu hỏi ở phần Nghị luận văn học, nằm trong khung chương trình nên tôi tin rằng các trường đã trang bị một hành trang tốt. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, ngữ liệu phần này hơi dài. Học sinh vẫn có thể làm trọn vẹn đủ ý nhưng phải biết cân đối thời gian. Nếu không sẽ dễ có tình trạng phân tích kỹ ở phần đầu của bài làm, và phần sau sơ sài hơn, viết vội vì không còn đủ thời gian”, cô Lê Na nói.
Theo cô Lê Na, câu Nghị luận văn học cũng là câu phân hóa thí sinh. Ở đây, trong ba khổ thơ cuối, ngoài phân tích được thiên nhiên, phân tích được thành quả lao động, học sinh còn phải phân tích được nghệ thuật của tác giả. Niềm vui lao động còn phải hòa chung với cảm hứng xây dựng quê hương đất nước và công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Những yêu cầu thí sinh cần đạt được
Cô Phan Thị Vân Hường - GV Ngữ văn Trường THCS Phú Hồng, huyện Yên Thành, Nghệ An, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng thí sinh cần đạt được với đề Ngữ văn năm nay.
Ở phần đọc hiểu, hai câu hỏi ở cấp độ nhận biết về phương thức biểu đạt chính và phát hiện chi tiết có sẵn trong văn bản sẽ giúp học sinh dễ dàng lấy điểm. Câu hỏi đọc hiểu thứ 3 là nhằm kiểm tra học sinh ở cấp độ thông hiểu, đề cập đến một hình ảnh giàu sức gợi trong văn bản, giúp học sinh cảm nhận được ý nghĩa của một hình ảnh trong văn bản.
Về cơ bản, học sinh có thể hiểu được ý nghĩa của hình ảnh nhưng để giành được điểm cao thì đòi hỏi các em phải có những liên tưởng, cảm nhận riêng, biết đặt hình ảnh trong tổng thể văn bản để cảm nhận hết giá trị: Với ốc sên con cái vỏ là một thứ nặng nề, cồng kềnh và không có giá trị. Với ốc sên mẹ vỏ là phương tiện để bảo vệ cơ thể của chúng. Đồng thời ốc sên mẹ cũng cho thấy, chúng không cần dựa vào ai mà chỉ cần dựa vào chính bản thân mình không ngừng nỗ lực, cố gắng để bảo vệ bản thân, sống và phát triển.
Câu hỏi đọc hiểu thứ 4 yêu cầu kỹ năng vận dụng của học sinh. Học sinh nêu thông điệp có ý nghĩa với mình: Cuộc sống không hề hoàn hảo, hãy trân trọng và nâng niu những gì mình đang có. Dựa vào chính bản thân mình và nỗ lực, cố gắng không ngừng.
Thí sinh Nghệ An trao đổi bài sau môn thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Hồ Lài. |
Phần nghị luận xã hội, đề bài yêu cầu bàn luận về một vấn đề thuộc phạm vi tư tưởng, đạo lí, nhưng đồng thời có thể liên hệ với những thực trạng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Thí sinh chỉ cần xác định đúng vấn đề nghị luận sẽ làm tốt. Mỗi chúng ta đều có giá trị của riêng mình bởi vậy việc cần thiết đó chính là phải biết phát huy giá trị của bản thân. Giá trị của bản thân là ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Giá trị của bản thân là ưu điểm, điểm mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông.
Chủ đề “Sự cần thiết của việc phát huy giá trị bản thân” là vấn đề nghị luận xã hội hay, mở, phù hợp với nhận thức, tình cảm của học sinh. Các em cần nhận thức được sự cần thiết phát huy giá trị bản thân: Phát huy giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta tự tin hơn với chính mình; Phát huy được giá trị bản thân ta sẽ góp phần giúp cho xã hội ngày càng phát triển; Phát huy giá trị của bản thân cũng là một cách giúp ta không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên. Bởi giá trị bản thân không đơn thuần chỉ là tiền tài, vật chất bên ngoài mà còn là giá trị bên trong tâm hồn. Bài nghị luận xã hội của đề thi này sẽ phát huy được tính sáng tạo và năng lực của từng học sinh. Đặc biệt, có thể các em có thể thể hiện khả năng tư duy sáng tạo ở những dẫn chứng hay, nêu vai trò - ý nghĩa sâu sắc và phần liên hệ sáng tạo.
Theo giáo viên Nghệ An, đề thi môn Ngữ văn phân hóa được học sinh và khó có điểm giỏi. Ảnh: Hồ Lài. |
Phần nghị luận văn học thuộc phạm vi kiến thức cơ bản, dễ khơi gợi cảm hứng cho học sinh. Điểm thử thách các em ở câu này chính là dành điểm tuyệt đối ở việc làm nổi bật được luận điểm khái quát của đoạn thơ: Đoạn thơ không chỉ là khúc ca về vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thể hiện vẻ đẹp của con người lao động trên biển. Phần đánh giá phải nâng cao, đánh giá được giá trị nghệ thuật cũng như tài năng, phong cách của tác giả.
Trong bài phân tích, học sinh phải nêu bật được: Bằng sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn, các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, các từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, đoạn thơ trên đã giúp người đọc cảm nhận được đầy đủ và trọn vẹn một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có hào phóng của thiên nhiên đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động lớn lao, phi thường. Lời thơ còn cho ta nhận ra ở nhà thơ Huy Cận tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và niềm vui, niềm tin yêu vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao!