Giáo viên được tự chủ lựa chọn kiến thức giảng dạy trong mỗi bài học

GD&TĐ - Đó là chia sẻ mà cô Lê Thị Thu Hà – giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Đình Lập – huyện Đình Lập – tỉnh Lạng Sơn nói về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sách mới nhưng cốt lõi vẫn dựa trên sách cũ để phát triển cái hay, cái tốt

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, năm nay bộ sách giáo khoa lớp 1 chính thức được đưa vào giảng dạy sau 2 năm biên soạn, vậy sau 8 tuần được áp dụng đại trà giáo viên lớp 1 nói gì về những bộ sách mới này?

Theo như chia sẻ của cô Lê Thị Thu Hà – gần 10 năm thâm niên dạy lớp 1, đánh giá: “Sau 8 tuần dạy bộ sách “Cùng học và phát triển”, mình đánh giá bộ sách mới này kênh hình, kênh chữ khá hài hòa, màu sắc đẹp, bắt mắt phù hợp với lứa tuổi của học sinh lớp 1”.

Đi sâu về phân tích bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, cô Hà nói ở bộ sách này chúng ta sẽ thấy được sự phân bố kiến thức bài học trên hai trang trên một mặt sách khá hợp lý. Học sinh chỉ giở sách bài học đã hiện lên, không phải lật như sách cũ. Cách bố trí bài học như thế rất hay, thuận tiện cho học sinh học.

“Một cái hay nữa có trong những bộ sách mới là có nhiều bài học được trình chiếu sẵn bằng PowerPoint, ngoài soạn giáo án bằng tay, giáo viên có thể lên mạng tải bài soạn sẵn về để tham khảo cũng như chỉnh sửa nội dung sao cho phù hợp với học sinh, phương pháp mình dạy để đạt được hiệu quả”, cô Hà cho biết.

“Khi học những tiết học trình chiếu bằng powerPoint học sinh rất hứng thú hơn”, cô Hà nói thêm.

Gần 10 năm giảng dạy lớp 1, với so sánh về bộ sách giáo khoa mới và sách giáo khoa cũ đã từng dạy cô Hà nói: “Giữa sách cũ và sách mới mình thấy không khác nhiều. Sách mới vẫn dựa trên những tinh hoa, cái hay, cái đẹp của sách cũ để phát huy. Đồng thời, cũng khắc phục được một số cái hạn chế của sách cũ như: bộ sách mới mình dạy thì kênh hình, kênh chữ cũng được giảm tải rất nhiều. Đối với bộ sách công nghệ (cũ) môn tiếng Việt khá nặng, cùng một tiết học học sinh vừa phải tập đọc, tập viết chính tả. Bộ sách mới, trước khi mở đầu bài học sẽ có phần tập đọc sẽ có phần khởi động cho học sinh.

Đồng thời, bộ sách mới kỹ năng học viết không yêu cầu quá khắt khe. Học sinh không nhất thiết phải vừa tập viết ở bảng con, vừa tập viết vở tập viết mà được quyền lựa chọn viết bảng con hoặc viết vào vở.

“Tuy nhiên, với kinh nghiệm giảng dạy của mình, mình thấy học sinh không viết bảng con sẽ không biết viết vào vở. Nên ban đầu mình sẽ chọn cách dạy các con viết vào bảng con để làm quen tay, sau đó mới viết vào vở”, cô Hà nói.

Theo đánh giá chung của cô Hà sau 8 tuần học kỹ năng đọc của học sinh khá tốt, tuy nhiên kỹ năng viết thực sự chưa được tốt lắm so với cách học của bộ sách công nghệ trước đây.

Giáo viên có quyền tự chủ về nội dung

Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là lấy học sinh làm trung tâm. Bởi vậy, sách giáo khoa lớp 1 mới cũng vậy, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung sao cho phù hợp với năng lực, đối tượng học sinh của mình để giảng dạy.

“Cốt lõi của bộ sách giáo khoa mới là giáo viên phải nghiên cứu kỹ từng bài học một, để biết được nội dung tiết học hôm sau nó ra sao. Từ đó điều chỉnh, soạn giáo án, bài giảng sao cho phù hợp với học sinh của mình”, cô Hà nói.

Cô Hà cũng nhấn mạnh thêm: “Các hoạt động được yêu cầu trong bài học nếu có cái nào không phù hợp giáo viên được quyền điều chỉnh. Đặc biệt bộ sách này, giáo viên được tự chủ nội dung để giảng dạy, làm sao sau tiết học đạt được hiệu quả của mục tiêu chung mà bài học hôm đó đề ra”.

Cô Hà cũng chia sẻ về những khó khăn giáo viên gặp phải trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như, năm nay đại dịch covid-19 diễn ra phức tạp nên cơ hội tập huấn cũng như đi thực tế từ nhiều địa phương cũng bị hạn chế, đa phần là tập huấn trực tuyến nên hiệu quả cũng phần nào đó bị giảm đi. Nhưng cốt lõi vẫn là cách truyền tải, tạo cảm hứng từ giáo viên đến học sinh. “Đồng thời, những thay đổi mới chắc hẳn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều”, cô Hà nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ