Giáo viên được hỗ trợ để thành công

GD&TĐ - ThS. Lê Thị Quỳnh Nga – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – chia sẻ điều này trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” khi nói về định hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở Malaysia trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tạo hứng thú nghề nghiệp cho giáo viên là ưu tiên hang đầu

ThS. Lê Thị Quỳnh Nga cho biết, cũng giống như ở hầu hết các hệ thống tập trung, đào tạo giáo viên ở Malaysia rất gần với sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc gia, do đó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thay đổi về kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước.

Các định hướng đào tạo giáo viên đã thay đổi qua nhiều thời kì, theo nhu cầu cấp bách của hệ thống giáo dục mà có những định hướng khác nhau tại các thời điểm khác nhau.

Định hướng đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay là nâng cao tính chuyên nghiệp giáo viên, đồng thời mang đến cho bản thân người giáo viên hứng thú nghề nghiệp để thực hành giảng dạy một cách hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Có thể nói định hướng đào tạo giáo viên ở Malaysia trong bối cảnh hiện nay là định hướng kép.

Một trong những nội dung được ThS. Lê Thị Quỳnh Nga nhấn mạnh là việc tạo hứng thú nghề nghiệp cho người giáo viên được Bộ Giáo dục Malaysia xem là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, giáo viên sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển nghề nghiệp và các quy trình đánh giá công bằng và minh bạch liên quan trực tiếp đến năng lực và hiệu quả công việc.

Thứ nhất, giáo viên sẽ được hỗ trợ để thành công. Họ sẽ được tiếp cận nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp ở trường - nơi mà họ sẽ tham gia vào các sinh hoạt chuyên môn mang tính xây dựng và đối thoại chứ không tập trung vào đánh giá, phân loại nhằm giúp họ học hỏi và phát triển nghề nghiệp cá nhân một cách tích cực.

Thứ hai, giáo viên sẽ được làm việc trong môi trường tốt nhất có thể. Môi trường làm việc bao gồm điều kiện cơ sở vật chất (trường lớp khang trang, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho công tác giảng dạy) và điều kiện làm việc (giảm tối đa gánh nặng hành chính để giáo viên có thể tập trung năng lượng vào các hoạt động chính của họ trong việc dạy và học).

Giáo viên sẽ được giảng dạy trong một môi trường chú trọng phát triển văn hoá hợp tác và chuyên nghiệp về chuyên môn. Ở đó, giáo viên sẽ hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau những vấn đề, những kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn nhằm phát triển tốt nhất năng lực giáo dục để truyền thụ đến học sinh một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, giáo viên sẽ được bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức môn học cũng như kĩ năng sư phạm, khả năng phối hợp các lực lượng giáo dục như phụ huynh, hiệu trưởng, giảng viên, các nhà phát triển chương trình giảng dạy, những nhà tham vấn học đường,...

Cuối cùng, Chính phủ dành sự quan tâm hàng đầu cho định hướng phát triển đội ngũ giáo viên.

“Thật vậy, một phần quan trọng của đầu tư công trong giáo dục của Malaysia hướng tới ưu đãi, bồi dưỡng giáo viên, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc gia này thấy mức đầu tư như vậy còn chưa đủ nên đã quyết định thu hút đầu tư tư nhân vào đào tạo giáo viên nhằm nâng cao hơn chất lượng đào tạo giáo viên nơi đây” - ThS. Lê Thị Quỳnh Nga chia sẻ.

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo giáo viên

Định hướng này, theo ThS. Lê Thị Quỳnh Nga, đã được ngành giáo dục ở Malaysia làm rõ thông qua các lộ trình cụ thể.

Theo đó, giai đoạn 1 (2013 - 2015) nhằm cải tiến các tiêu chuẩn và hệ thống hỗ trợ đào tạo giáo viên. Giai đoạn này tập trung vào việc nâng cao các tiêu chuẩn nghề nghiệp và cải tiến các hệ thống hỗ trợ và môi trường đào tạo giáo viên.

Bộ Giáo dục Malaysia đã xác định 5 biện pháp: Nâng cao chất lượng tuyển sinh; Nâng cao chất lượng đào tạo; Chú trọng đánh giá năng lực thực hiện; Tăng cường đầu tư cho phát triển chuyên môn liên tục và cuối cùng là giảm gánh nặng hành chính đối với giáo viên.

Giai đoạn 2 (2016 - 2020) tập trung thúc đẩy phát triển nghề nghiệp giáo viên. Giai đoạn này được xây dựng trên giai đoạn 1 và tập trung vào việc nâng cao các chuẩn nghề nghiệp giáo viên bằng cách nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo và đảm bảo rằng chỉ có những sinh viên tốt nhất mới được tuyển dụng vào nghề dạy học. Cơ sở cho tất cả những cải cách này sẽ cần phải bắt đầu trong giai đoạn 1.

Giai đoạn 3 (2021 - 2025) - xây dựng văn hoá chuyên nghiệp. Cho đến năm 2021, Bộ Giáo dục Malaysia sẽ hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng một văn hóa nghề nghiệp giáo viên chuyên nghiệp. Theo đó, nghề này sẽ rất khác biệt, mỗi người giáo viên sẽ phát triển sự nghiệp cá nhân theo những con đường khác nhau, với những kế hoạch phát triển nghề nghiệp cá nhân khác nhau, và được ghi nhận, khen thưởng cho mỗi thành quả hoạt động chứ không phải là như người làm công ăn lương bình thường.

ThS. Lê Thị Quỳnh Nga cho biết: Trong giai đoạn 3, Bộ sẽ tập trung vào việc đảm bảo điều kiện tối đa để mỗi giáo viên có thể phát huy hết sở trường mà họ đã được xác định ở hai giai đoạn trước về các vấn đề chuyên môn liên quan đến việc lên lịch chương trình giảng dạy, cách tiếp cận sư phạm và đánh giá tại trường.

Mục tiêu cao nhất của giai đoạn này là tạo ra nền văn hoá chuyên nghiệp, trong đó giáo viên hướng dẫn và truyền cảm hứng cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và cùng nhau có trách nhiệm phát triển chuyên môn đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

Bộ Giáo dục Malaysia sẽ xây dựng một bộ công cụ nhằm đánh giá khả năng làm chủ các năng lực của giáo viên được nêu ra trong giai đoạn 1 để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả dạy học của người giáo viên trong tương lai.

"Sau một thời gian thực hiện định hướng, việc đào tạo - bồi dưỡng giáo viên ở Malaysia đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận.

Thành công đầu tiên phải kể đến là Malaysia đã thu hút được các sinh viên giỏi thi vào ngành sư phạm, theo đó tỉ lệ "chọi" trong các kì thi tuyển sinh ngành sư phạm ở Malaysia đạt tới 35:1, cao hơn nhiều so với các nước trong khối OECD.

Quá trình đào tạo giáo viên cũng đã có nhiều cải cách theo hướng giảm lí thuyết, tăng cường thực hành và chú trọng đến năng lực thực hiện của người giáo viên tương lai.

Sau khi tốt nghiệp, giáo viên đã được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển chuyên môn và tạo hứng thú với công việc để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Có thể nói, việc đào tạo - bồi dưỡng giáo viên ở Malaysia hiện nay đã được định hướng đúng đắn, cùng với những lộ trình rất cụ thể rõ ràng là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam"
- ThS. Lê Thị Quỳnh Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ