Giáo viên có vai trò gì trong xây dựng kế hoạch nhà trường?

GD&TĐ - Mỗi giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường.

Cô Vũ Thị Anh và học trò Trường THPT Ân Thi.
Cô Vũ Thị Anh và học trò Trường THPT Ân Thi.

Vai trò quan trọng

Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, kế hoạch giáo dục nhà trường rất quan trọng, có tính định hướng và là trụ cột cho mọi hoạt động của trường phổ thông khi thực hiện nhiệm vụ năm học. Thông qua kế hoạch này sẽ thấy được tầm nhìn, sứ mệnh; sự đa dạng về hoạt động giáo dục trong các trường.

Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phát huy được tính chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông các cấp học hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực hiện mỗi cơ sở giáo dục. Mặt khác, làm tốt khâu xây dựng kế hoạch thì trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học hạn chế được sự bất ổn, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh kế hoạch…

Quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, ngoài vai trò của hiệu trưởng, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, ông Nguyễn Thanh Danh cho biết, giáo viên đóng vai trò quan trọng. Đó là, lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động chuyên môn và cũng là người trực tiếp thực hiện kế hoạch giáo dục. Ngoài ra, giáo viên còn phối hợp với các lực lượng giáo dục để thực hiện hiệu quả kế hoạch giáo dục đã ban hành.

Chính vì thế, phát huy vai trò của giáo viên cần được quan tâm coi trọng để thầy cô mạnh dạn, chủ động đề xuất các ý tưởng, giải pháp tham gia xây dựng; đóng góp, phản hồi để hoàn thiện kế hoạch, đảm bảo sự đồng thuận cao khi thực thi. Bên cạnh đó, huy động lực lượng giáo viên tham gia xây dựng kế hoạch sẽ đảm bảo được nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự đoàn kết và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.

Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. “Giáo viên là lực lượng tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch; là người thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, phối hợp với các lực lượng giáo dục thực hiện hiệu quả kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, giáo viên cũng trực tiếp tham gia đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch giáo dục, từ đó có đề xuất thay đổi cho phù hợp với thực tiễn” - cô Anh cho hay.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Theo sát kế hoạch

Để phát huy được vai trò của giáo viên trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, cô Vũ Thị Anh cho rằng, các trường cần chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục bảo đảm tính khoa học; từ đó giáo viên có cơ sở để xây dựng, góp ý.

Nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên trong quá trình xây dựng kế hoạch dạy học môn học; để mỗi thầy cô nắm chắc chương trình mình đang thực hiện, từ đó đề xuất được các phương pháp, kỹ thuật dạy học thích hợp. Bản thân giáo viên cũng tự trang bị để chắc chắn về kiến thức, phương pháp, kỹ thuật tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục môn học. Đặc biệt, phải có sự đổi mới về phương pháp, kỹ thuật trong dạy học cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ giải pháp, theo thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), ban giám hiệu cần xây dựng khung kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục trong năm học phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Với giáo viên, nắm vững những quan điểm mới trong Chương trình GDPT tổng thể cũng như chương trình môn học mình phụ trách; hiểu biết sâu sắc về mục tiêu dạy học, nội dung học tập, học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương, về khả năng và giới hạn của các phương tiện dạy học. Từ đó, thầy cô chủ động xây dựng kế hoạch của cá nhân, kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và nhà trường. Kế hoạch giáo dục phải được xem xét, điều chỉnh, bổ sung sau mỗi năm học sao cho phù hợp với tình hình mới.

Đối với tổ/nhóm chuyên môn, thầy Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, sâu về nội dung, rộng về phạm vi, thậm chí là sinh hoạt các tổ/nhóm chuyên môn với nhau. Qua đó, giáo viên trao đổi, thảo luận về các vấn đề dạy học tích hợp liên môn, xuyên môn, xây dựng kế hoạch giáo dục đa dạng hơn về nội dung và hình thức tổ chức.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo viên trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương), cho biết: Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục của tổ khối trong năm học để xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân.

Cùng với việc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục theo từng học kỳ, năm học cho tổ khối, giáo viên chủ nhiệm phải đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch và nêu kiến nghị, đề xuất (nếu có). Giáo viên chủ nhiệm cũng đồng thời triển khai, thực hiện giảng dạy môn học theo chỉ đạo của hiệu trưởng; xây dựng kế hoạch cá nhân, thời khóa biểu cụ thể cho lớp mình quản lý; kịp thời tham mưu, báo cáo những vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục tại lớp mình phụ trách…

“Riêng với giáo viên bộ môn, tại Trường Tiểu học Bình Hòa 2, thầy cô xây dựng kế hoạch cá nhân, phối hợp giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng thời khóa biểu và kịp thời tham mưu, báo cáo những vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục tại các lớp mình giảng dạy bộ môn. Thầy cô cũng có nhiệm vụ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội tổ chức, triển khai các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa; thực hiện, chấp hành nghiêm túc quy chế chuyên môn. Giáo viên bộ môn thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học; phối kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong quản lý, giáo dục học sinh” - cô Nguyễn Thị Hoàng Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chính trị gia người Ba Lan, Grzegorz Braun.

Nghị sĩ Ba Lan chỉ trích EU hiếu chiến

GD&TĐ -Một nghị sĩ Ba Lan đã cáo buộc các nghị sĩ khác cố kéo EU vào một cuộc chiến tranh do chính sách thù địch của họ đối với một số quốc gia.