Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, việc lùi lại 1 năm, tức là năm 2019-2020 mới áp dụng chương trình mới, giúp bản thân thầy và các đồng nghiệp có được sự chủ động hơn về thời gian tiếp cận chương trình mới.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ điều chỉnh này,
nó tạo thuận lợi cho giáo viên về thời gian nắm bắt được kĩ lưỡng hơn về mọi thứ liên quan nhằm đáp ứng với chương trình mới. Khi có chương trình môn học, có SGK giáo viên có thời gian nghiên cứu cũng như tự bản thân mình có những điều chỉnh phù hợp, kết hợp với việc tập huấn, bồi dưỡng từ phía Bộ, Sở, Phòng, chắc chắn giáo viên sẽ chủ động và đáp ứng tốt chương trình mới này.
Đồng thời, khi có chương trình môn học mới, SGK mới ngoài việc tập huấn cho cán bộ chủ chốt thì Bộ GD&ĐT cần tập huấn cho giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau như lập website có tài liệu, nội dung tập huấn, bài giảng,.... để giáo viên trao đổi, đặt câu hỏi trực tiếp cho tác giả hoặc chủ biên của SGK, trực tiếp trao đổi, nhằm tạo tính tương tác cao, thậm chí phụ huynh, HS cũng có thể vào để tìm hiểu.
Thầy Vũ Hoàng Sơn và học sinh trong tiết học ngoài trời |
Đồng quan điểm trên, thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, việc lùi lại 1 năm thực hiện chương trình mới và áp dụng theo lộ trình như Bộ đề xuất mới đây bản thân thầy rất hoan nghênh. “Với việc điều chỉnh này, chúng tôi rất yên tâm về mặt thời gian để chuẩn bị về cơ sở vật chất hay đưa ra những hướng giải pháp cụ thể cho từng đơn vị.
Tạo sự chủ động để giáo viên tiếp cận nắm bắt nội dung chương trình, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với SGK mới. Vì trong thời gian tới chương trình các môn học sẽ được công bố, lấy ý kiến góp ý và hoàn thiện. Như vậy có thời gian để giáo viên, nhà quản lý nghiên cứu, tiếp cận, thay vì áp dụng ngay năm học tới 2018-2019 có phần hơi cập rập”.
Thầy Bùi Ngọc Phi cũng chia sẻ thêm, khi thực hiện một chương trình lớn, có tính đột phá của ngành rất cần có lộ trình phù hợp và có thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm, điều chỉnh nếu cần để chương trình được phù hợp nhất, ưu việt nhất.
Cô Lê Thị Hồng Quế, Giáo viên Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) cũng cho rằng, lùi thời gian thực hiện chương trình mới và SGK mới tạo điều kiện cho giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị về tinh thần cũng như nghiên cứu kỹ về nội dung để tiếp cận, nắm bắt đầy đủ nhất. Đồng thời, bản thân giáo viên cũng không ngồi chờ đợi, mà chủ động từng bước chuẩn bị về hồ sơ dạy học, thay đổi phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học theo hướng tích cực…
Bên cạnh đó, giáo viên có thời gian được tham gia nhiều các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, về phương pháp dạy học và khi áp dụng đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng với chương trình mới.