Giáo viên chủ nhiệm - Nhà tư vấn tâm lý học đường

GD&TĐ - Đối với học sinh trong thời đại 4.0, giáo viên (GV) chủ nhiệm là những nhà tư vấn tâm lý, là những nhà giáo dục. Nhiều thầy cô đã làm thay đổi học sinh, khiến các em cũng tâm huyết đồng hành cùng thầy cô và nhà trường đi theo con đường giáo dục hiện đại, nhân văn - phong cách giáo dục luôn hướng về học sinh, hướng về sự phát triển hạnh phúc của các em.

GVCN luôn là người gần với học trò nhất
GVCN luôn là người gần với học trò nhất

Phép màu đổi thay từ giáo viên chủ nhiệm

Trong nhà trường phổ thông, ở bất kỳ cấp học nào, giáo viên chủ nhiệm cũng đóng vai trò cốt yếu đối với hành trình giáo dục học sinh. Nhiều thầy cô giáo đã trở thành nhà tâm lý học đường dẫn dắt và định hướng cho học sinh.

Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội, trong tư vấn tâm lý học đường, một trong những kỹ năng thiết yếu cơ bản không thể thiếu đó là kỹ năng lắng nghe tích cực (để thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của học sinh), kĩ năng chủ động tìm hiểu vấn đề (để biết những nhân tố liên quan, những yếu tố tác động gây khó khăn tâm lý cho HS hoặc cản trở hoạt động trợ giúp các em); kỹ năng tìm hiểu hoàn cảnh, đặc điểm tâm lý chung, kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp.

Nhiều giáo viên chủ nhiệm (GVCN) rất sáng tạo trong việc tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính của từng HS, nhiều GVCN đã là tấm gương thực sự tác động đến sự thay đổi của HS. Một số GVCN rất thông minh, sáng tạo, nhiệt huyết trên hành trình tìm hiểu và nghĩ cách trợ giúp từng HS. Họ thực sự là những nhà tư vấn tâm lý học đường trong lớp họ chủ nhiệm.

Lắng nghe và chia sẻ với học sinh

 Lắng nghe và chia sẻ với học sinh

Lắng nghe, chia sẻ

Là người thành công trong việc tạo quan hệ hợp tác với gia đình, kiên định thực hiện mục tiêu ưu tiên khơi gợi khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi học sinh, cô Vũ Thị Xuân, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Trọng B (học sinh lớp 12A1 năm học 2016 - 2017) là học sinh lười học, mải chơi, chữ viết xấu, điểm kém, xếp bét lớp. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi tiếp cận con bằng mọi cách: Gặp gỡ, hỏi han con, trong giờ học xuống xem con làm bài; động viên con hàng ngày; xếp con ngồi cùng bạn khá để trợ giúp; mời phụ huynh tới trường bàn biện pháp giúp con học tập; cho con viết cam kết phấn đấu năm học, không chơi điện tử quá khuya. Thi học kì I con xếp thứ 4 của lớp. Đó chính là thành quả nỗ lực không ngừng của con”.

Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, sự tiến bộ của học sinh dù là từng bước nhỏ nhưng nền móng của những bước nhỏ này là cả một hành trình đòi hỏi sự hi sinh vô vị lợi của GVCN; là sự dũng cảm, tâm huyết của cả tập thể GV, cán bộ nhân viên nhà trường, là sự mở lòng và hợp tác của chính HS và gia đình các em.

Vai trò của tâm lý học đường là đảm bảo sức khỏe tâm lý cho HS và thúc đẩy học sinh sống, học tập, phát triển tối đa khả năng của mỗi em. Công tác tâm lý học đường không thể thực hiện thành công nếu thiếu vai trò của GVCN.

Dù không được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng tư vấn, trợ giúp tâm lý học đường nhưng các GVCN đã thể hiện được những phẩm chất, kĩ năng của nhà tâm lý học đường trong tất cả các trường hợp họ từng trợ giúp. Điều gì khiến họ vừa là một GVCN tốt vừa là một nhà tâm lý thành công? Câu trả lời có lẽ đơn giản là: Họ yêu thương HS thật lòng, họ thực sự muốn mình và HS đều hạnh phúc.

Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý học đường cho HS trong trường phổ thông nhấn mạnh: Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn HS gặp phải khi đang học tại trường. Cán bộ tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với GVCN khi triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ