Đáp ứng yêu cầu mới
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Trong Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1… Những yêu cầu này đầy đủ và bảo đảm tính liên tục, kết nối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non là điều cần thiết để giúp trẻ tự khám phá và tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể. Đây là xu hướng mới trong giáo dục mầm non hiện nay. NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, Ủy viên Tiểu ban GD Mầm non - Hội đồng QGGD và Phát triển nguồn nhân lực, phân tích:
Với xu thế phát triển chung của GD, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn GV mầm non chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1 hết sức chi tiết. Theo đó, yêu cầu cơ sở GDMN thống nhất, hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung GD cốt lõi, ưu tiên tổ chức các hoạt động GD giúp trẻ đạt kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị tâm thế tốt để vào lớp 1.
Hiểu tầm quan trọng của Chương trình SGK lớp 1 mới, nhiều trường mầm non quan tâm nhiều hơn tới việc đưa các chương trình GDMN hiện đại vào giảng dạy. Trong số các trường tư thục, Trường Mầm non Eduplay Garden (Hà Nội), trên cơ sở chương trình khung của Bộ đã tự viết chương trình tiếng Anh riêng và nhập khẩu chương trình học theo bản quyền Hàn Quốc khuyến khích phát triển sự sáng tạo của trẻ.
Cô Dương Thị Bảo Châu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Eduplay Garden khẳng định: Trẻ được nuôi dạy trong môi trường giáo dục tiên tiến, không chỉ được trau dồi kiến thức, mà còn có nhiều cơ hội phát triển bản thân, bắt kịp tư duy với trẻ em quốc tế. Với trẻ 5 tuổi có đủ kiến thức và năng lực tư duy vào lớp 1 theo Chương trình SGK mới.
Cùng chuyển động
NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, cho rằng: GDMN hiện đại hướng đến việc để trẻ chơi mà học, học mà chơi. Khi trẻ có môi trường học tập tốt, giáo viên giỏi, chương trình hay, giúp trẻ đủ kiến thức, kỹ năng vào lớp 1 với yêu cầu chất lượng tốt nhất. Ở Nam Định, nhiều trường mầm non đã đáp ứng tốt yêu cầu này. Trường học không đơn thuần là nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, thoáng mát, rộng rãi, chương trình, giáo trình dạy học giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và sáng tạo.
TS Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) phân tích thêm: Chất lượng giáo dục mầm non ngày càng cao hơn. Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ việc thay đổi sách giáo khoa lớp 1, mà còn là đòi hỏi từ thực tế.
Phụ huynh và xã hội mong muốn con em mình được phát triển bắt kịp với trẻ em thế giới. Đứng trước đòi hỏi đó, trường mầm non cũng phải đổi mới để xây dựng được môi trường giáo dục khoa học, hiện đại. Giáo viên phải chuyên nghiệp hơn, không chỉ đơn thuần là trông và dạy trẻ như trước mà phải trau dồi kiến thức với kỹ năng sư phạm tốt để trẻ được học tập và nuôi dưỡng chất lượng nhất.
Cô Hoàng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Lầm, TP Hạ Long, (Quảng Ninh) cho hay: Để trẻ thích ứng tốt với chương trình lớp 1, chúng tôi yêu cầu GV phải đổi mới nhiều hơn, thực hiện kế hoạch học tập cho học sinh hiệu quả, thiết thực trên nền tảng nội dung chương trình GD đã được phê duyệt.
Các cô đã mạnh dạn chuyển hướng từ phương thức giáo dục truyền thống với cách giảng dạy theo giáo trình cứng nhắc sang mô hình giáo dục linh hoạt hơn. Trong đó, giáo viên sẽ giảng dạy, hỗ trợ trẻ thực hiện các bài học có giáo cụ thực hành đi kèm, trẻ giữ vai trò trung tâm trong giờ lên lớp. Trẻ không chỉ được trau dồi kiến thức, mà còn có nhiều cơ hội phát triển bản thân, kích thích tính tự chủ, chủ động trong mọi hoạt động.