Giáo viên Anh đổ ra nước ngoài làm việc

GD&TĐ - Nhiều giáo viên mới tại Vương quốc Anh dự kiến tìm việc làm ở nước ngoài vì mức lương và điều kiện làm việc trong nước thấp.

Lương thấp, khối lượng công việc lớn khoét sâu tình trạng thiếu giáo viên tại Anh.
Lương thấp, khối lượng công việc lớn khoét sâu tình trạng thiếu giáo viên tại Anh.

Nhiều giáo viên mới tại Vương quốc Anh dự kiến tìm việc làm ở nước ngoài vì mức lương và điều kiện làm việc trong nước thấp. Xu hướng trên đẩy ngành Giáo dục vào thế khó do thiếu giáo viên Anh trầm trọng.

Kết quả khảo sát của Viện Giáo dục Đại học Manchester, Anh, chỉ ra 15% sinh viên của trường dự kiến tìm việc làm ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. 19% sinh viên đang quyết định nên ở lại Vương quốc Anh hay làm việc ở nước ngoài.

Trước tình trạng trên, các trường đại học Sheffiled, King’s College London, Cambridge, Bristol và Warwick đã đệ trình kiến nghị lên Ủy ban Giáo dục về việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên.

Đơn kiến nghị có đoạn: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng nhỏ nhưng ngày càng tăng về số lượng tân giáo viên chọn làm việc tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Theo khảo sát, sinh viên tin rằng mức đãi ngộ cho giáo viên ở nước ngoài hấp dẫn hơn”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng ghi nhận xu hướng trên. Họ cho rằng sinh viên ngành sư phạm quan tâm đến các vị trí tuyển dụng di động, mức lương cao và được tôn trọng. Họ tìm thấy những tiêu chí trên khi làm việc ở nước ngoài.

Ngược lại, tại Vương quốc Anh, giáo viên mới vào nghề được trả lương cao hơn ngưỡng vay sinh viên nhưng thấp hơn mức hỗ trợ và học bổng đào tạo ngành sư phạm.

Với mức lương này, họ không đủ khả năng thuê nhà, mua nhà hay nuôi gia đình. Chưa kể, hiện nay, giáo viên ở Anh phải làm việc quá số giờ quy định, khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Điều này khiến việc làm việc trong nước trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.

Xu hướng trên còn chịu tác động trong bối cảnh mô hình trường học quốc tế bùng nổ. Theo công ty tư vấn giáo dục ISC Research, hiện có khoảng 6,5 triệu học sinh đang theo học tại các trường quốc tế trên toàn thế giới.

Còn theo Hội đồng các trường quốc tế Anh, gần 2/3 chi nhánh của các trường Anh ở nước ngoài đã tăng số lượng học sinh vào năm 2022. Đây là cơ hội tốt để sinh viên Anh tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc quốc tế.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng giáo viên mới vào nghề ra nước ngoài làm việc sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên đang tấn công các trường học Anh. Từ trước Covid-19, nhu cầu tuyển dụng giáo viên tại Anh đã tăng gấp đôi. Dữ liệu từ Quỹ Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng vào đầu năm nay cao hơn 93% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều trường buộc phải tuyển dụng giáo viên không chuyên hoặc hạ yêu cầu tuyển dụng để bù đắp các lớp học trống. Điều này kéo theo hệ luỵ là kết quả học tập của học sinh giảm, dồn công việc cho đội ngũ giáo viên hiện hành.

Trong khi giáo viên Anh đang “tìm đường” ra nước ngoài làm việc thì tại một số quốc gia khác như Philippines, Zimbabwe... giáo viên đang chuyển đến Anh với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Phía Vương quốc Anh cũng khuyến khích giáo viên ở một số quốc gia có chất lượng giáo dục tốt gia nhập ngành giáo dục, góp phần giải quyết bài toán khó.

Ông Ian Hartwright, người quản lý chính sách tại Hiệp hội Hiệu trưởng Quốc gia Anh, cho biết, cuộc khủng hoảng tuyển dụng giáo viên tại các trường học Anh là vấn đề nghiêm trọng và sâu sắc. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đang thiếu đầu tư cho giáo dục, nhất là vào đào tạo giáo viên, nên tình trạng trên chưa được giải quyết.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.