Giáo trình dành cho cậu ấm cô chiêu

GD&TĐ - Khác với những đứa trẻ nhà nghèo, trẻ em trong các gia đình giàu thường không chứng kiến quá trình bố mẹ chúng vất vả kiếm ra tiền. Suốt thời thơ ấu, chúng đã được sống trong ngôi nhà lớn, được ăn mặc đẹp, được đi đây đi đó. 

Giáo trình dành cho cậu ấm cô chiêu

Nhưng cũng chính vì thế, việc dạy dỗ, uốn nắn những đứa trẻ nhà giàu thường khó khăn hơn. Làm thế nào để chúng hiểu được giá trị lao động và quá trình làm ra đồng tiền là việc không dễ đối với các bậc cha mẹ.

Các chuyên gia cho rằng, một cách để khiến trẻ quan tâm đến tiền bạc là chỉ cho chúng tường tận quá trình làm ra nó. Tuy nhiên, khảo sát của U.S. Trust cho thấy có 53% bố mẹ giàu có con 25 tuổi trở lên không nói nhiều về tài sản của mình với con cái. Thậm chí có 8% người chưa từng tiết lộ thông tin gì.

Theo các chuyên gia, sai lầm này có thể dẫn đến thảm họa. Họ khuyên rằng cha mẹ nên bắt đầu nói chuyện với các con về tài sản gia đình từ 10 tuổi trở đi. Một chuyên gia nhận định: "Nếu bạn bắt đầu nói chuyện với con sớm, khi 10 đến 12 tuổi trẻ đã có định hướng cơ bản về lý thuyết tài chính. Do đó trẻ sẽ dễ dàng bắt nhập với việc làm giàu hơn là đến khi 19 tuổi mới bắt đầu tìm hiểu".

Dạy trẻ cách thận trọng

Khi đứa trẻ có cái nhìn chung về tình hình tài chính gia đình, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn khi nói tiếp về tầm quan trọng tính riêng tư. Nhất là trong thời buổi hiện nay, trẻ vị thành niên luôn đắm chìm trong các mạng xã hội Facebook, Twitter. Nếu trẻ suốt ngày lên mạng miêu tả cuộc sống của gia đình hay lịch trình du lịch, đó sẽ là miếng mồi cho bọn trộm cắp hay kẻ xấu. Theo đó, những người thừa kế giàu có cần thận trọng với những thông tin của mình, lựa chọn cái nào có thể đưa rộng rãi lên mạng và cái nào chỉ giới hạn cho người thân, bạn bè xem.

Khuyến khích trẻ làm việc

Cha mẹ có thể phân công việc nhà cho trẻ, hoặc làm việc trong nhà hàng, cửa hàng quanh khu vực. Khi những đứa trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể để trẻ tham gia vào các quyết định tài chính nhỏ trong gia đình, ví dụ làm thế nào để sử dụng xe cộ tiết kiệm hơn. Với những bài học này, khi đến lúc phải quyết định các khoản tiền lớn, những người thừa kế trẻ tuổi đã có kinh nghiệm kha khá về cách quản lý tiền. Kể cả khi họ thất bại, đó cũng sẽ là những bài học quý giá.

Nói đi đôi phải làm

Cha mẹ cần cư xử phù hợp khi giáo dục trẻ. Không thể vừa nói về việc trân trọng đồng tiền vừa tổ chức những chuyến mua sắm phung phí. Tương tự, thông điệp phải đối xử công bằng không còn ý nghĩa nếu cha mẹ lên giọng kẻ cả với những người làm công. “Trẻ phát triển cái nhìn về tiền bạc và sự giàu có thông qua việc quan sát các hành động của cha mẹ hàng ngày“, bà Freel - một chuyên gia tâm lý nhận định.

Nhiều người thừa kế không có cơ hội học về tiền từ lúc nhỏ, nay vẫn chưa muộn để học về tiền. Frank Crocetti, 62 tuổi và là cựu CEO ở công ty Fidelity Investments, nay làm nhà đầu tư cá nhân. Ông cho biết đang gửi con trai 32 tuổi và con dâu đi học các khóa học về quản lý tiền bạc. Còn Paul Crocetti, một biên tập viên báo chí ở bang Massachusetts cho biết, ông không có cơ hội tìm hiểu về tiền thời niên thiếu. “Do đó chúng tôi không thực sự quan tâm về lĩnh vực tài chính, chỉ quan tâm làm gì để tiêu số tiền mình có” – ông nói. Với khóa học tài chính ở lứa tuổi trưởng thành, Crocetti đang nỗ lực học cách hiểu về tiền, ví dụ tái cơ cấu khoản vay để mua nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ