Giáo sư người Việt làm việc tại Anh về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa

GD&TĐ - GS Dương Quang Trung – nhà khoa học người Việt, giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast sẽ tham gia giảng dạy Sau đại học tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TP.HCM trong năm học mới.

GS Dương Quang Trung – nhà khoa học người Việt, giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast sẽ tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: NTCC)
GS Dương Quang Trung – nhà khoa học người Việt, giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast sẽ tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: NTCC)

Trong năm học 2021-2022, Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TP.HCM đã mời GS Dương Quang Trung – nhà khoa học người Việt, giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast tham gia giảng dạy sau đại học, bổ sung thêm vào đội ngũ hùng hậu giảng viên cao học đều là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các giảng viên được đào tạo tại các trường danh tiếng ở nước ngoài.

GS Dương Quang Trung là cựu sinh viên của trường ĐH Bách Khoa chuyên ngành Điện tử-Viễn thông, khóa K.97 tốt nghiệp loại giỏi với nhiều thành tích đáng tự hào: đoạt giải thưởng danh giá Research Fellowship của Viện Hàn Lâm Kỹ thuật Hoàng Gia Anh quốc (2015-2020), giải thưởng danh giá Newton Prize 2017 của chính phủ Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh.

GS Trung cũng được bầu vào danh sách những nhà nghiên cứu có trích dẫn cao nhất thuộc lĩnh vực “Khoa học máy tính và Điện tử” (Computer Science and Electronics) với tổng số trích dẫn hơn 11.500 và chỉ số chỉ số đo mức độ ảnh hưởng là 61 (Top Scientist - World Computer Scientists Ranking 2020 do thông tin lưu trữ DBLP quản lý).

GS Trung là tác giả/đồng tác giả của hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học (trong đó có hơn 220 công trình thuộc tạp chí trong danh mục ISI). Hiện nay GS Trung là Chủ nhiệm ngành Viễn Thông tại ĐH Queen’s Belfast (ngành Viễn thông của trường Queen’s được xếp hạng 28 trên thế giới, thứ 2 ở Vương quốc Anh, theo bảng xếp hạng uy tín Thượng Hải ARWU năm 2019).

Là cựu sinh viên của trường, nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới có nguyện vọng hỗ trợ nhà trường và các bạn học viên, sinh viên của trường bằng nhiều cách, trong đó là việc truyền tải kiến thức đã được tiếp cận, nghiên cứu tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới.

Nội dung chương trình học mà GS Dương Quang Trung sẽ trao đổi cùng với các học viên cao học trong HK1 năm 2021-2022 gồm: Kỹ năng nghiên cứu nâng cao: Tra cứu và trích dẫn tài liệu hiệu quả; Đạo văn và cách tránh đạo văn; Văn phong khoa học; Kỹ năng trình bày báo cáo hội nghị; Cách viết bình duyệt cho bài báo chuyên ngành.

Làm sao để được đăng bài báo chuẩn ISI: Cấu trúc một bài báo chuẩn ISI; Sử dụng phần mềm trong nghiên cứu và tính toán; Cách viết trả lời bình duyệt; Cách tiếp cận các hướng nghiên cứu mới.

Học bổng: Cách xin học bổng học nghiên cứu sinh tại các đại học châu Âu, Mỹ, Úc và các nước phát triển; Thông tin về học bổng nghiên cứu sinh tại nước ngoài và các thủ tục cần thiết cũng như hồ sơ xin học bổng; Kinh nghiệm ứng tuyển thành công các học bổng.

Đời sống nghiên cứu: Làm việc với các giáo sư hướng dẫn nghiên cứu; Đời sống nghiên cứu sinh; Các lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, hàng năm đều có chương trình thỉnh giảng, mời các giảng viên giàu kinh nghiệm uy tín đầu ngành về giảng dạy tại trường. Ngoài việc liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo sát thực tế, nhà trường luôn sáng tạo đổi mới trong cách dạy - học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo thống kê của Phòng Đào tạo Sau đại học, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 có đến 8 NCS, HV cao học Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM có những công bố Khoa học trên các tạp chí “top” đầu thế giới như: Materials Letters, Surfaces and Interfaces, International Journal of Food Science and Technology, Ocean Engineering (OE) – Elsevier, Materials Today Chemistry, IEEE Access... với kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học hơn 1,5 tỷ đồng .

Hiện, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM đang đào tạo 31 ngành tiến sĩ và 40 ngành thạc sĩ. Số lượng các bài báo công bố từ các học viên cao học, nghiên cứu sinh luôn đạt trên 300 bài một năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.