Ký ức thời lên lớp với cái bụng rỗng của giáo sư côn trùng

GD&TĐ - GS Bùi Công Hiển chia sẻ về những năm tháng vượt khó cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu côn trùng.

GS Bùi Công Hiển (phải) giới thiệu về bộ sưu tập côn trùng.
GS Bùi Công Hiển (phải) giới thiệu về bộ sưu tập côn trùng.

Làm nghề giáo vốn nghèo. Giảng viên đại học nhưng “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, tay năm tay mười chạy vạy đủ đường mới no cái bụng để đứng lớp. GS Bùi Công Hiển không thể quên những năm tháng khó khăn ấy.

“Một tạ chất xám không bằng một đám mồ hôi”

GS.TS Bùi Công Hiển nguyên là giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông gắn cả cuộc đời với lĩnh vực nghiên cứu côn trùng. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về các đặc tính sinh học, hóa lý của côn trùng…

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, GS Hiển vẫn không ngừng nghiên cứu, viết sách… “để lại chút gì đó cho đời” như lời ông nói.

Là nhà khoa học, nhưng trước hết ông là một nhà giáo. Trong những câu chuyện của ông, không bao giờ thiếu những ký ức về những ngày lên giảng đường đứng lớp mà bụng sôi ùng ục vì đói.

“Thời bao cấp, hàng tháng trời không có bữa trưa, nhưng vẫn phải lên lớp, vẫn phải ngồi phân tích mẫu ở phòng thí nghiệm… Cái đói và niềm say mê, nhiều khi không có ranh giới”, GS Bùi Công Hiển nhớ lại. Câu chuyện về “cái đói” của một giảng viên đại học khi đó vừa hài hước, vừa sâu cay, bùi ngùi.

Mùa hè nóng nực, ai chẳng có mồ hôi. Nhưng chuyện về giọt mồ hôi của một giảng viên thuộc trường đại học top đầu Việt Nam những năm 70 - 80 của thế kỷ trước lại khác biệt. Bởi chỉ vào mùa hè, giáo viên mới có thời gian (3 tháng nghỉ hè) đi kiếm việc làm thêm.

Thời đó người ta có câu, “Một tạ chất xám, không bằng một đám mồ hôi”. Có nghĩa là hoạt động tiết ra “chất xám” rất rẻ, không kiếm ra tiền. Nếu lao động phải đổ mồ hôi thì còn có tiền công mang về cho vợ nuôi con.

GS Hiển kể, thời đó, giáo viên nào cũng trông ngóng đến hè, không phải để nghỉ, mà để làm. GS Hiển là nhà côn trùng học, chuyên sâu là mối, mọt. Trong khi cuối xuân, đầu hè cũng là thời điểm sâu bọ phát triển nhiều, mối, mọt hoành hành. Thế là kỳ nghỉ đúng với “thời điểm làm ăn” cho nhà giáo nghèo.

Cứ vào tháng 7 dương lịch hàng năm, thầy giáo Hiển lại đi ký kết hợp đồng xử lý mối, mọt cho các cơ quan, kho tàng của Nhà nước. “Thời đó không có các chuyến du lịch, nghỉ mát ở Sầm Sơn, Cửa Lò, Hội An, Phú Quốc… như bây giờ”, ông hài hước.

Mùa hè cũng là mùa học sinh được nghỉ học. Con nhỏ (đứa lớp 4, đứa lớp 2) nên ông kiêm luôn việc trông con, dọn nhà. Nhưng chống mối hay phải đi xa, thế là đưa cả con đi cùng. Có lần đưa con vào cả Tây Nguyên. “Tôi như một giọt nước trong biển người thầy cô giáo ở thời kỳ “tự cứu mình”.

GS.TS Bùi Công Hiển (phải) với những bức tranh làm từ côn trùng.

GS.TS Bùi Công Hiển (phải) với những bức tranh làm từ côn trùng.

Vào thời ấy, có những cô giáo sau giờ lên lớp, lại ngồi trước cổng trường với mẹt kẹo bột tự làm để bán cho học sinh của mình. Thời đó ở những bến xe, bến tàu có một đàn xe xích lô, xe đạp ôm (tức chở khách như xe ôm bây giờ). Nên, mùa hè là mồ hôi nhà giáo nhỏ xuống nhiều nhất”, GS Hiển kể.

Lần đi chống mối lâu nhất của ông là hơn 1 tháng ở Đông Anh (Hà Nội). Thầy giáo Hiển khi đó phải đem cậu con trai 8 tuổi đi cùng đoàn. Bộ Nội thương có cả một hệ thống các ty thương nghiệp ở các tỉnh thành với mạng lưới các cửa hàng bách hóa tổng hợp, hợp tác xã tiêu thụ, cửa hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu… Các kho lương thực khi đó bị mối hoành hành rất dữ. Là nhà khoa học về mối, ông đã xử lý thành công và thù lao nhận được cũng trang trải kha khá cho cuộc sống của nhà giáo nghèo.

Bốn lần suýt chết

Lại nói về lần đi chống mối hơn 1 tháng ở Đông Anh. GS Hiển kể, tổng kho ở Đông Anh của Bộ Nội thương chất chứa đủ các loại hàng hóa từ vải vóc, đến hàng tiêu dùng… Hàng hóa ngày đó rất có giá trị, nếu bị mối xâm hại, thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, khi được yêu cầu diệt mối đang phá hại trong kho, GS Hiển được nhắn nhủ “không phải lo gì”, cứ tập trung tốt nhiệm vụ. “Không phải lo gì” ý là chỗ ở, ăn, đi lại sẽ do tổng kho lo, ngoài ra còn có tiền công chống mối.

Tuy vậy, hợp đồng chống mối không được đứng tên cá nhân mà phải đứng pháp nhân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, do Hiệu trưởng ký “Hợp đồng kinh tế xử lý mối (bên B) cho đơn vị yêu cầu xử lý mối (bên A) và ủy nhiệm cho GS Hiển làm chủ trì thực hiện.

Mọi chi tiêu, thanh quyết toán phải qua phòng tài vụ của trường. Khi thực hiện việc xử lý mối, cần thêm người tham gia, ông phải báo cáo với công đoàn khoa Sinh học để cử người nhằm giúp đỡ các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn là cán bộ giảng dạy hay kỹ thuật viên ở những bộ môn khác.

“Nhóm chuyên môn về mối chỉ có 2 người, tôi và cậu cán bộ trẻ. Nhiệm vụ chuyên môn là tìm, phát hiện ra tổ mối. Sau khi phát hiện được tổ mối thì xử lý bằng thuốc diệt mối hoặc đào lấy tổ. Tiếp sau là phun thuốc xử lý những khu vực có mối xâm nhiễm, vệ sinh cơ học và hóa học toàn bộ không gian bên trong và hành lang kho”, GS Hiển nhớ lại.

Kỹ thuật tìm tổ mối bằng thiết bị dò siêu âm, sau 40 năm so với bây giờ là lạc hậu và không ai sử dụng nữa. Nhưng vào thời điểm đó kỹ thuật này là một tiến bộ khoa học. Nhờ đó mà nhóm xử lý mối được triệt để, có thể đảm bảo 5 - 7 năm hoặc lâu hơn. Điều này thỏa mãn yêu cầu cho việc bảo quản hàng hóa ở các vùng kho. Cho nên khi ký hợp đồng, đơn vị bên A luôn yêu cầu thời gian bảo hành sau xử lý không có mối là 3 năm.

“Có 2 nhóm đối tượng yêu cầu xử lý mối: Nhóm các vùng kho như kho lương thực, kho hàng hóa của Bộ Nội thương, kho cảng Hải Phòng, kho vũ khí đạn, kho vật tư Bộ Công an ... và nhóm các khu vực cơ quan hành chính ở Hà Nội. Với nhóm thứ nhất yêu cầu chống mối chặt chẽ hơn, lại xa Hà Nội, nên tôi tổ chức ít người và phải nắm vững chuyên môn để đạt hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Với nhóm thứ 2, yêu cầu chống mối nhẹ hơn và ở ngay Hà Nội.

Trong quá trình xử lý mối, vì tôi làm chủ trì, nên những vị trí khó khăn nhất, phức tạp nhất tôi phải trực tiếp làm. Ít nhất, tôi có 4 lần suýt chết. Lần thứ nhất, tôi bị rơi từ trần nhà, do mối đã phá nát xà ngang. May mắn là ở dưới có mấy bao hàng đỡ.

Lần thứ 2 ở kho cảng Hải Phòng. Vì kho xây cao quá, xà gồ nhiễm mối ở đỉnh kho phải cao tới 7 - 8m. Không có thang đủ cao, tôi phải trèo lên mái nhà, dỡ ngói mà xuống. Muốn lên đỉnh mái, phải chui qua đường điện trên mái. Tôi phải trườn người qua, may điện không hút vào, chứ không đã thành than. Bây giờ ngồi nhớ lại vẫn còn tim đập, tay run.

Lần thứ 3 là ở nhà máy thuốc lá Thăng Long, Thượng Đình, Hà Nội. Đang phun thuốc diệt mối, do điện hở dính vào bình bơm thuốc, may mắn người văng ra, chỉ hơi bị tê tê. Lần thứ 4, ở kho vũ khí đạn trên Hòa Bình. Trưa nóng quá, không ngủ được, tôi và cậu cán bộ trẻ rủ nhau đi đào tổ mối ở ven đường đi, cách kho vài trăm mét.

Tưởng an toàn, khi đang cuốc để bới tìm hoàng cung và mối chúa, được khoảng 4 - 5 nhát cuốc, đến nhát cuốc chuẩn bị bổ xuống, tôi nhìn thấy một trái lựu đạn phủ đất văng ra, vội nhảy vào giữ tay cậu cán bộ trẻ. Nếu nhát cuốc đó bập xuống, chắc tôi và cậu cán bộ trẻ đã ở trên thiên đường từ lâu rồi”, GS Hiển kể.

Phần thưởng sau mỗi lần đi diệt mối cũng khá thú vị. Thời đó chủ yếu diệt mối ở các kho của Bộ Nội thương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bao giờ nhóm cũng được mua, không có tặng, một vài mặt hàng như 2 - 3m vải may áo cho con, cho vợ hoặc một vài yến gạo cho cả đoàn.

GS Bùi Công Hiển là một trong những người tiên phong nghiên cứu về côn trùng, có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học này.

GS Bùi Công Hiển là một trong những người tiên phong nghiên cứu về côn trùng, có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học này.

Một lần, khi đi công tác ở Tây Nguyên, tình cờ dạt vào cửa hàng Bách hóa, thấy bán áo sơ mi trắng tự do, không phiếu. Thế là mỗi anh xin mua 2 chiếc về làm quà hoặc để diện. Thì ra, ở Tây Nguyên, đất đỏ Bazan rất tơi, nên bụi nhiều.

Do vậy, người dân ở đây ít mặc áo màu trắng, nên áo sơmi trắng bị ế, phải bán tự do. Khi xử lý mối cho các kho vũ khí đạn, lúc ra về, nhóm được tặng, mỗi người 1 catut (vỏ đạn) đại bác làm kỷ niệm. Kỷ niệm này GS Hiển còn giữ đến bây giờ, để Tết đến Xuân về cắm hoa đào.

“Đến bây giờ tôi đã ngoài 80 tuổi, vẫn còn nhớ những chuyện 40 năm về trước, về “những giọt mồ hôi mùa hè”. Sức khỏe này chắc có từ hợp chất: “chất xám + chất mồ hôi” tích lũy từ tuổi trẻ”, GS Hiển hài hước.

Làm khoa học không chết đói…

Chân dung GS.TS Bùi Công Hiển.

Chân dung GS.TS Bùi Công Hiển.

“Tôi nhớ lần đầu tiên trong đời, khi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bố tôi đã mua tặng và thưởng cho con trai đúng 1 cái áo may ô để làm sinh viên. Còn bây giờ, vợ tôi mua tặng cháu nội một chiếc áo may ô mới, rất đẹp, nhưng nó dứt khoát không mặc, với lý do “màu đỏ chứng tỏ nhà quê” - GS Bùi Công Hiển.

So sánh về niềm đam mê khoa học của thế hệ trẻ ngày nay so với ngày xưa, về thử thách giữa thu nhập và đam mê để theo đuổi, GS.TS Bùi Công Hiển đùa ví von: “Có thể nói người nghiên cứu khoa học ở Việt Nam không chết đói, nhưng đói cho đến lúc chết (từ đói ở đây theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thời chúng tôi sống trong chế độ bao cấp, nên luôn có chỉ tiêu phải phấn đấu theo.

Thế hệ hiện nay có hoàn cảnh khó khăn và thuận lợi khác. Do vậy không thể và không nên so sánh. Chỉ có điều làm khoa học là phải đánh đổi. Đam mê ngày nay trả giá bằng đời sống khó khăn, lương thấp. Rất ít người làm khoa học mà giàu có. Tôi hàng tháng trời không có bữa trưa, nhưng vẫn phải lên lớp, vẫn phải ngồi phân tích mẫu ở phòng thí nghiệm. Nhưng không thể bảo như vậy là “say sưa” hơn”.

Ở đoạn cuối của cuộc đời, ông bảo không còn nhiều năng lượng để làm việc nữa. Điều ông băn khoăn, thôi thúc ông là thế giới côn trùng đa dạng, phong phú lắm. Côn trùng đem lại rất nhiều giá trị cho con người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sao con người vẫn cứ say sưa “chiến đấu” với côn trùng bằng vũ khí “thuốc trừ sâu” của các hãng nước ngoài? Sao vẫn để một bộ phận người dân khai thác tận diệt những loài như sâu chít, sâu tre, ong khoái, kiến gai đen… mà không nhân nuôi thành các trang trại.

Sao không đưa côn trùng vào giáo dục và hoạt động văn hóa, du lịch như nhiều nước đã làm. Rồi có những loài côn trùng có giá trị vừa phải thôi, nhưng lại cứ bị thổi phồng lên với biết bao nhiêu công dụng thần kỳ. Để rồi người mua, vì thiếu hiểu biết, thậm chí có khi lại rước họa vào thân.

Khó khăn, muốn được làm theo đam mê thì phải tự khắc phục. “Thời chúng tôi là vào trong một đường ống, không có chuyện “tư nhân”… Bản thân tôi khi làm hợp đồng dịch vụ “chống mối, mọt” cho một đơn vị nào là hiệu trưởng ký, rồi ủy nhiệm cho thực hiện.

Tiền nong chi tiêu phải được thực hiện theo chế độ của tài vụ… Đoạn đường nuôi con, kiếm tiền và làm khoa học giống như bơi giữa biển. Lúc mỏi quá, thò chân xuống, vẫn chưa chạm đất; lại bơi tiếp. Rồi cuối cùng cũng đến bờ”, GS Bùi Công Hiển tâm tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.