Giao lưu trực tuyến “Ôn thi mùa dịch: An toàn, hiệu quả”

Các khách mời sẽ trao đổi, giải đáp và tư vấn những thông tin hữu ích về công tác ôn thi cho học sinh trong thời điểm phòng dịch tới phụ huynh, học sinh trong giao lưu trực tuyến được Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức từ 9h30 đến 11h ngày 7/5.

Giao lưu trực tuyến “Ôn thi mùa dịch: An toàn, hiệu quả”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Lê Châu Vân – Trưởng Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Kon Tum;

- Thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng;

- Cô Nguyễn Thanh Thủy, GV Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời điểm này, nhiều nhà trường vừa gấp rút ôn thi cho học sinh, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “kép”.

Bên cạnh đó, dù đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho học sinh bước vào các kỳ  vượt vũ môn, nhưng nhiều tỉnh, thành đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh.

Giáo viên và học sinh lại đồng hành cùng nhau qua hình thức học và ôn luyện trực tuyến.

Điều này khiến không ít nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh băn khoăn lo lắng khi các kỳ thi đang đến rất gần.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến “Ôn thi mùa dịch: An toàn, hiệu quả” ảnh 1
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

GV Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng

Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Trưởng Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Kon Tum

Bạn đọc

Bạn Vuongha6@...:

Ưu điểm của việc học và ôn thi trực tuyến là an toàn cho giáo viên và học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Sở có lưu ý gì cho giáo viên của các trường để đảm bảo hiệu quả trong quá trình ôn tập cho học sinh?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Để ôn thi cho các em học sinh một cách an toàn và hiệu quả nhất, giáo viên các trường cần chắt lọc nội dung khi ôn tập trực tuyến. Bởi việc ôn thi trực tuyến hạn chế thời gian và tương tác giữa giáo viên và học sinh. Do đó, giáo viên cần đảm bảo đường truyền mạng một cách ổn định. Từ đó, hướng dẫn, ôn tập cho học sinh một cách cụ thể, chi tiết. Đồng thời, giáo viên cần đến trường để tổ chức lớp học trực tuyến đảm bảo quy định.

Bạn đọc

Bạn Huonganhtb@...:

Tâm lý đóng vai trò quan trọng với thí sinh khi bước vào những kỳ thi cam go. Vậy ông có lời khuyên gì cho sĩ tử trước khi tham dự kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh trong điều kiện dịch bệnh?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Do nhu cầu và kỳ vọng xã hội ngày càng cao, việc học tập trở thành yêu cầu bắt buộc để con người có thể đạt được những thành tựu nhất định. Cùng với đó là các kỳ thi, tình hình dịch bệnh phức tạp, hơn thế nữa, xuất phát từ gia đình, bạn bè hay thầy cô đặt kỳ vọng lên các em quá nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của học sinh.

Để giảm căng thẳng khi thi các em lại cần phải nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh và tự chủ. Khi các em làm bài thi trong trạng thái căng thẳng sẽ đều ảnh hưởng lớn tới kết quả bài làm. Do đó các sĩ tử cần xây dựng thời gian biểu hợp lý, hài hòa để có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và đủ thời gian ôn tập, đảm bảo được sức khỏe bản thân.

Bên cạnh đó, khi bước vào kỳ thi các sĩ tử nên giữ vững tinh thần thoải mái, tự tin để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.

Bạn đọc

Bạn Mylehoang@...:

Để rèn cho học sinh về kỹ năng làm bài và tập làm quen với các dạng của bộ đề thi tham khảo, Sở khuyến khích các trường triển khai những phương án gì?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Sở đã chỉ đạo các trường cho tổ chuyên môn tổ chức đánh giá đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, báo cáo kết quả đánh giá đề thi minh họa, đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất về Sở GD&ĐT trước ngày 30/4/2021.

Trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, đề thi THPT quốc gia năm 2020 và đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo - chỉ đạo tổ bộ môn, giáo viên xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập từng môn.

Bên cạnh đó, hằng năm, Sở GD&ĐT tổ chức biên tập các bộ đề thi minh họa theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, các đơn vị sử dụng các bộ đề minh họa này để giảng dạy và giúp các em học sinh ôn tập để làm quen dạng đề.

Bạn đọc

Bạn Quybinhtq@...:

Đối với giáo viên, học sinh đi, đến từ vùng dịch, hoặc là trường hợp F1, F2…, quá trình ôn thi có khác gì so với những học sinh bình thường không?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Đối với những học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong giai đoạn thực hiện cách ly y tế, các trường cần xây dựng phương án ôn tập riêng.

Hiện nay, tất cả các em đã được cấp tài khoản cá nhân trên office 365 và cũng đã triển khai học trực tuyến trong đợt dịch lần 3. Do đó, các trường chủ động phối hợp với các cơ sở cách ly y tế tập trung, cha mẹ học sinh để hỗ trợ các em ôn thi trực tuyến hoặc cử cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương chuyển nội dung ôn tập cần thiết. Cụ thể, gửi các đề thi tổng hợp phù hợp với đối tượng học sinh, bằng hình thức email, zalo, hoặc phô tô ra giấy…

Bạn đọc

Bạn Binhminh@...:

Xin cô cho biết, để ôn tập trực tuyến hiệu quả, em cần tuân thủ những nguyên tắc nào? Cô có lưu ý gì đặc biệt giúp chúng em ôn thi hiệu quả không?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự tìm hiểu kiến thức qua văn hóa đọc. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự tìm hiểu kiến thức qua văn hóa đọc. Ảnh: NTCC

 

Thời gian ôn tập không còn nhiều. Trước tiên, em cần tự lên kế hoạch ôn tập riêng cho mình theo quĩ thời gian của bản thân. Kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Có thể chia các nội dung ôn tập của các bộ môn theo từng tuần, thậm chí theo từng ngày.

Em cũng cần quyết tâm thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. (Ví dụ với môn Văn cần học thuộc các văn bản thơ, tóm tắt các văn bản truyện, nắm được hoàn cảnh sáng tác, thể loại các văn bản...). Thời gian biểu phải hợp lí để tránh việc học bị chồng chéo. Cũng cần phân bổ thời gian học, chơi, giải trí phù hợp để giữ gìn sức khỏe, ổn định tâm lý.

Các em cũng cần tuân thủ nguyên tắc không học tủ, học vẹt, học đối phó. Khối lượng kiến thức các em học, ôn được không chỉ là hành trang để bước vào các kỳ vượt vũ môn mà còn phục vụ cho quá trình học tập và cuộc sống sau này.

Trước ngày thi, nếu còn băn khoăn, lo lắng về kỳ thi, các em có thể trao đổi, chia sẻ với thầy cô, cha mẹ để vững vàng tâm lý và kiến thức, tự tin chinh phục các bài thi, đạt được kết quả như nguyện vọng. 

Chúc các em ôn luyện hiệu quả và vững tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới!

Bạn đọc

Bạn Tuấn Trần – Kon Tum:

Con tôi đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, Vậy, thầy có thể tư vấn cách sắp xếp thời gian ôn thi đối với các môn học như thế nào cho hợp lý?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đạt kết quả tốt nhất, việc lập thời gian biểu ôn thi là một công việc khá quen thuộc nhưng không hề dễ dàng đối với các sĩ tử.

Đứng trước một kỳ thi quan trọng chắc hẳn em học sinh nào cũng lo lắng làm sao có thể “nhồi nhét” một khối lượng lớn kiến thức của ba năm học mà vẫn đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt trong suốt mùa thi.

Nếu như bình thường, thời gian một ngày của học sinh cân bằng giữa việc học, chơi và ngủ nghỉ thì trong thời gian ôn thi hãy cố gắng hạn chế tối đa thời gian dành cho việc giải trí, thay vào đó, ưu tiên cho thời gian học.

Việc học cần chiếm nhiều hơn trong quỹ thời gian, nhưng tuyệt đối không nên làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của các em. Nếu các em học sinh học ráng, học quên ngủ, lo lắng rằng mình chưa học đủ gây trằn trọc mất ngủ… đều rất có hại cho sức khỏe. Bởi lẽ thời gian ngủ là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, nạp năng lượng, phục hồi chức năng của các cơ quan, bộ phận. Nếu không có những giấc ngủ ngon, các sĩ tử sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, học nhanh quên… trong suốt mùa thi.

Ngoài ra, trong thời gian học, để tránh việc gây hại cho sức khỏe vì ngồi học quá lâu, các em học sinh nên nghỉ giải lao 5-10 phút sau 45 phút tập trung học ôn. Trong thời gian nghỉ ngơi sĩ tử có thể nạp năng lượng bằng việc ăn nhẹ hoặc thư giãn bằng các bài hát, điệu nhạc.

Tôi có lời khuyên đến các em học sinh nên tránh việc vì lo lắng quá mức dẫn đến thiếu ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bạn đọc

Bạn Lethihuong@...:

Theo thầy, ôn thi giữa mùa dịch, HS cần lưu ý những gì?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Đợt dịch Covid 19 vừa qua thành phố đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 trong điều kiện toàn thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, dựa trên tinh thần đó các em cần phải lưu ý thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch, nếu không thực sự cần thiết thì hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt, học sinh cần phải đảm bảo sức khỏe thật tốt từ đây đến khi thi. Ngoài ra, cần thường xuyên trao đổi tương tác với các bạn theo nhóm học tập và giáo viên để có những bài giải hay và bài toán hay.

Bạn đọc

Bạn Ngankim@...:

Con tôi chuẩn bị tốt nghiệp lớp 9. Cháu khá hiếu động và chưa thực sự biết tập trung, lo lắng cho việc học. Vợ chồng tôi phải cắt cử nhau để ngồi học trực tuyến cùng cháu. Theo cô giáo, việc này có nên không và cô có lời khuyên gì cho chúng tôi?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Như tôi đã chia sẻ, để đồng hành cùng nhà trường trong việc ôn thi mùa dịch cho học sinh, phụ huynh học sinh, trước tiên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con để việc học trực tuyến có hiệu quả về phương tiện, đồ dùng, thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, chất lượng mạng...), về không gian (phòng học ...), về thời gian...

Cùng với đó, các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ con bằng hình thức giảng bài, truy bài, bày cho con phương pháp học... (nếu có thể). Đồng thời phải có phương án quản lí các con về thời gian, về việc sử dụng mạng đúng mục đích học tập nhất là đối với những học sinh còn ngại học, chưa tự giác học tập.

Tuy nhiên, cần động viên và trao đổi để học sinh thấy được tầm quan trọng của kỳ vượt vũ môn sắp tới, tạo ý thức, nền nếp ôn bài cho con theo hướng dẫn của thầy cô giáo, để các em có những khoảng không gian tập trung cho việc ôn tập cũng như thư giãn, nghỉ ngơi.

Các vị phụ huynh không nhất thiết phải túc trực bên con để giám sát việc học trực tuyến, vì như thế có thể làm cho con thấy tự ti, không có được sự tin tưởng của cha mẹ sẽ rơi vào học, ôn đối phó. Nếu các con chưa thực sự tự giác, phụ huynh có thể thi thoảng qua phòng hỏi han, động viên đồng thời kiểm tra việc ôn luyện của con. 

Bạn đọc

Bạn Lamha.vina9..@gmail.comn:

Theo cô giáo, phụ huynh có vai trò thế nào khi học sinh ôn luyện trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch bệnh?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Theo tôi, phụ huynh học sinh giữ vai trò quan trọng và không thể thay thế. Phụ huynh học sinh góp phần đảm bảo cho học sinh có được sự an toàn và sức khỏe khi ôn thi trong mùa dịch.

Các bậc cha mẹ cũng là người giúp học sinh có đầy đủ các phương tiện, đồ dùng, thiết bị để thuận lợi khi tham gia học trực tuyến.

Phụ huynh học sinh đảm bảo cho các con một không gian học tập yên tĩnh và đầy đủ thời gian theo thời khóa biểu, thời gian biểu của nhà trường; có thể hỗ trợ việc học ôn cho các con bằng nhiều hình thức như kiểm tra truy bài, giảng bài, hướng dẫn phương pháp học tập…

Thời điểm này, phụ huynh học sinh còn phải đặc biệt quan tâm quản lí việc học của các con qua việc phối kết hợp với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để từ đó kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho con em mình. Nhất là với những học sinh còn thiếu ý thức tự giác khi học và ôn tập kiến thức cho kỳ thi. 

Có thể nói, phụ huynh học sinh là động lực, là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để học sinh thấy được trách nhiệm của mình mà cố gắng học tập và vững tâm bước vào kỳ thi.

Bạn đọc

Bạn Hương Giang – Quảng Ngãi:

Nhà trường có kế hoạch gỡ rối, tư vấn tâm lý cho HS lớp 12 khi ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến như thế nào, thưa thầy?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh thực hiện giãn cách khi nộp hồ sơ ĐKDT tốt nghiệp THPT tại trường. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh thực hiện giãn cách khi nộp hồ sơ ĐKDT tốt nghiệp THPT tại trường. Ảnh: NTCC

 

Những thắc mắc của HS trong quá trình học tập bộ môn sẽ được các GV hướng dẫn hoặc thông qua nhóm chat, email hoặc GV trao đổi với HS qua điện thoại. Kênh liên lạc giữa GV và HS, phụ huynh sẽ vẫn duy trì cho đến khi các em hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như rút hồ sơ, học bạ sau đó.

Thời gian này, các em rất cần chỗ dựa về tinh thần cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô giáo nên các kênh liên lạc giữa GV và HS vẫn được duy trì. Đây vừa là vấn đề trách nhiệm nhưng cũng là tình cảm, sự quan tâm giữa GV và HS của mình.

Bạn đọc

Bạn Minhtuan@...:

Con tôi có học lực trung bình, gia đình lo lắng khi cháu chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Đối với những học sinh thuộc nhóm nguy cơ, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường triển khai ôn tập riêng hoặc hỗ trợ cho các em như thế nào?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Học sinh ở Kon Tum đeo khẩu trang khi đến trường. Ảnh: NTCC
Học sinh ở Kon Tum đeo khẩu trang khi đến trường. Ảnh: NTCC

 

Đối với những học sinh có học lực yếu, trung bình, Sở đã chỉ đạo các trường phân loại từng nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp. Nội dung ôn tập cho học sinh chủ yếu là chương trình lớp 12, những dạng câu hỏi, bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu và được rèn luyện nhiều lần.

Bên cạnh đó, với những trường hợp này, vận động mỗi giáo viên hỗ trợ ít nhất 1 học sinh nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ các em hoàn thành tốt Kỳ thi. Bên cạnh đó, các thầy cô phân công học sinh có học lực khá, giỏi trong lớp để hỗ trợ thêm cho các em trong quá trình ôn tập.

Bạn đọc

Bạn huongthuy@...:

Ngoài củng cố, hệ thống lại kiến thức thì kỹ năng làm bài thi cũng rất quan trọng. Trong thời gian còn lại, thầy cô có phương pháp gì để rèn luyện kỹ năng này cho HS nếu vẫn ôn tập theo hình thức trực tuyến?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Cung cấp thêm các đề thi tham khảo cho HS cũng là một cách để các em rèn kỹ năng làm bài thi phù hợp với các hình thức thi. Trong quá trình học, HS cũng đã được GV hướng dẫn và tập làm quen kỹ thuật làm bài trắc nghiệm, bài thi tự luận qua các bài kiểm tra định kỳ, bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ và những đợt thi thử do trường tổ chức.

Khi làm các đề thi, HS cần tạo tâm lý như mình đang tham gia dự thi thật, tránh chủ quan. Thực tế những kỳ thi trước, vẫn có một số em không thực hiện không đúng quy trình như quên tô mã đề, tô mã đề không đúng, làm nháp nháp trên đề, không dò bài đã giải….

Bạn đọc

Bạn Bình Anh – Cao Bằng:

Bên cạnh hướng dẫn ôn thi của giáo viên, theo ông việc tự học quan trọng như thế nào đối với mỗi sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Học sinh ở Kon Tum được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và đeo khẩu trang khi đến trường.
Học sinh ở Kon Tum được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và đeo khẩu trang khi đến trường.

 

Bên cạnh những hướng dẫn ôn tập của giáo viên, việc tự học của học sinh là hết sức quan trọng bởi lẽ, thời gian trên lớp không thể giúp các em hiểu hết, hiểu sâu tất cả các nội dung kiến thức mà thầy cô truyền đạt.

Việc tự học sẽ giúp các em tiếp tục hoàn thiện những kiến thức mà thầy cô đã được truyền đạt, từ đó học sinh hệ thống lại những kiến thức đã được học, giúp các em nhớ lâu hơn. Qua đó, áp dụng những kiến thức đã học, ôn tập để hoàn thành kỳ thi một cách hiệu quả nhất.

Bạn đọc

Bạn Vingaymai@...:

Có một bộ phận HS đã cầm chắc kết quả trúng tuyển ĐH, chỉ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét điều kiện tốt nghiệp, thầy có lời khuyên gì đối với những HS thuộc diện này?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Đúng là có một số lượng thí sinh dù chưa dự thi tốt nghiệp THPT đã gần như cầm chắc trong tay một suất vào ĐH do tham gia xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. Tuy nhiên, các em không nên vì vậy mà có tâm lý chủ quan, lơ là. Điều cần nhất là vẫn phải tập trung ôn tập những kiến thức căn bản, bám sát chuẩn kiến thức – kỹ năng và hoàn thành bài thi ở mức tốt nhất có thể. Bên cạnh đó nếu kết quả thi tốt nghiệp tốt thì các em có nhiều cơ hội hơn về chương trình đào tạo ở bậc đại học như học bổng, du học…

Bạn đọc

Bạn Duykhuong@...:

Khi tổ chức ôn tập theo hình thức trực tuyến, việc phân hóa theo nhóm đối tượng, bám sát vào năng lực và mục đích thi của HS sẽ được nhà trường thực hiện như thế nào?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Ban giám hiệu Trường THPT Phan Châu Trinh đã họp với các tổ trưởng tổ chuyên môn để xây dựng kế hoạch ôn tập cho thời gian còn lại trong trường hợp không thể tổ chức ôn tập trực tiếp tại trường.

Trước đó, từ đầu học kỳ II, nhà trường đã tổ chức ôn tập các môn học dưới dạng chuyên đề. Trong đó, ngoài ôn tập dựa trên tổ hợp môn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và mục đích thi, nhà trường cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn ôn tập theo hướng phân hóa đối tượng. Dựa trên kết quả học tập của HS để lựa chọn phương pháp và xây dựng hệ thống bài tập phù hợp. Thời gian còn lại này, GV sẽ hỗ trợ HS làm quen với các dạng đề thi nên mức độ HS đáp ứng đến đâu là phụ thuộc vào khả năng của các em. GV sẽ hướng dẫn, giải đáp dựa trên những thắc mắc của HS là chủ yếu.

Bạn đọc

Bạn Bích Vân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội:

Theo dõi con học trực tuyến, tôi thấy các thầy cô giáo ôn tập cho các con khá kỹ lưỡng, ngoài ra còn giao nhiều phiếu bài tập để các con thực hành. Xin cô giáo cho biết, các con có cần làm thêm bài tập trong các sách tham khảo nữa không?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Trước hết, các con cần theo sự hướng dẫn của các thầy cô giáo dạy trực tiếp trên lớp. Các con cần ôn và luyện kĩ, làm đi làm lại cho thành thạo từng kiểu bài. Nên đặt tiêu chí nắm vững kiến thức, kĩ năng cơ bản và làm tốt các bài ôn luyện hơn là chạy theo số lượng giải quyết nhiều bài tập nhưng qua loa, đại khái.

Nếu còn thời gian, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe, các con nên tìm, đọc và làm thêm bài tập ở các tài liệu tham khảo với điều kiện có lựa chọn tác giả, nhà xuất bản có uy tín và phù hợp với đối tượng thi. Tránh những tài liệu tham khảo chưa rõ nguồn gốc, nội dung lại không được kiểm định vì có thể sẽ làm con mất thời gian, mất công sức, không phù hợp với mô-tuyp đề của kì thi đó hoặc của địa phương đó (Ví dụ: dạng đề thi chuyên sẽ khác đề thi điều kiện...)

Bạn đọc

Bạn mylinh2k1@...:

Đây là khoảng thời gian nước rút để ôn thi tốt nghiệp THPT, theo thầy, HS cần lưu ý gì trong quá trình ôn tập trực tuyến?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Do chưa thể duy trì lớp học trực tiếp nên HS cố gắng theo dõi, cập nhật những thông tin mới trên các group học tập do GV thành lập. Đối với các bài tập, đề thi thử được giao, HS cố gắng hoàn thành theo đúng thời gian yêu cầu của GV. Tùy theo môn học, một số GV có thể quy định một thời gian cụ thể nào đó để cả lớp tương tác trực tuyến nhằm giải đáp thắc mắc, hỗ trợ HS ôn tập. Các em nên chấp hành như đang tham gia lớp học trực tiếp để có thêm cơ hội củng cố, hệ thống lại kiến thức và kinh nghiệm, kỹ thuật làm bài thi phù hợp với hình thức thi.

Theo như kế hoạch, nhà trường còn tổ chức 1 đợt thi thử để rút thêm nhiều kinh nghiệm nên trong thời gian này các em duy trì việc ôn tập của mình nhất là rèn luyện các bài ở mức 3 và 4 để đạt kết quả cao. Năm học 2019-2020 nhà trường có 2 HS thủ khoa.

Bạn đọc

Bạn Thuyphuc198..@gmail.com:

Tôi thấy nhiều học sinh vẫn có tâm lý học tủ khi ôn luyện mấy môn thi xã hội. Điều này ảnh hưởng thế nào đến kết quả thi, thầy cô lưu ý gì khi các con có hiện tượng này?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự tham gia hoạt động chuyên đề.
Học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự tham gia hoạt động chuyên đề.

 

Các con thường nghe nhau hoặc nghe các anh chị các khóa trước trao đổi cái tưởng là “kinh nghiệm” nhưng rất nguy hiểm. Ví dụ như: Năm trước đã thi bài nào rồi, năm nay không thi nữa, đề thi học sinh giỏi đã thi bài nào rồi thì loại trừ bài đó trong kì thi 10, hoặc đoán đề để học tủ dựa vào các vấn đề chính trị, văn hóa lớn trong năm...

Nhận thức này dẫn đến việc học tủ, ôn tủ vào một số bài, một số dạng, không bao quát được toàn bộ chương trình, việc học không cốt để lấy thực chất trở thành đối phó và không thể hi vọng có được kết quả cao trong kì thi. Hơn thế nữa, việc học tủ sẽ không thể đem đến sự tự tin khi đi thi, dẫn tới tâm lí hoang mang, mất bình tĩnh khi bước vào dự thi; thậm chí có thể dẫn tới việc vi phạm qui chế thi nếu đề không “trúng tủ”.

Để tránh tâm lí chủ quan, học đối phó, học tủ trong học sinh - giáo viên vẫn cần giúp học sinh nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thấy được tác hại nghiêm trọng của việc học tủ để học sinh tự tránh không mắc phải.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tránh việc ôn tập chỉ chú trọng vào dạy một số bài được cho là trọng tâm mà cần có sự khái quát tổng thể nội dung chương trình, ôn luyện cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản và quan trọng hơn cần tránh dạy để học sinh chỉ học thuộc theo kiểu học vẹt... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh các kĩ năng, các phương pháp làm bài ở các dạng để học sinh có thể linh hoạt vận dụng trong việc giải quyết các bài tập.

Bạn đọc

Bạn Tuonglinh5@...:

Thầy có thể cho biết vai trò của việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong hỗ trợ HS ôn tập trực tuyến trong giai đoạn này được tiến hành như thế nào?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Về cơ bản, HS đã hoàn thành chương trình học, chỉ còn một số tiết ôn tập, củng cố kiến thức. Chính vì vậy, thời gian này, chủ yếu HS tự ôn tập nhằm hệ thống lại các kiến thức đã học, làm quen với một số định dạng đề…

Bên cạnh sự hỗ trợ của thầy cô giáo thì học sinh phải nỗ lực tự học. Phụ huynh phải thường xuyên động viên, nhắc nhở con em mình. Đối với những HS chưa có ý thức cao trong việc tự học thì rất cần sự phối hợp nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Trong khi HS tạm dừng đến trường thì giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 là cầu nối thông tin giữa nhà trường với HS và phụ huynh, nhất là những thông tin có liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh CĐ, ĐH.

Bạn đọc

Bạn Vũ Văn Hải, quận Ba Đình, Hà Nội:

Không chỉ ôn luyện ở lớp, con tôi còn đi học thêm ở một số nơi để chắc chắn kiến thức 4 môn thi theo qui định của ngành Giáo dục Hà Nội. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, cháu phải nghỉ học thêm khiến tâm trạng rất lo lắng. Xin cô cho gia đình tôi một lời khuyên để cùng vững tâm bước vào kỳ thi sắp tới?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Theo tôi, việc đi học thêm ngoài học chương trình chính khóa ở trường không phải là yếu tố quyết định của việc con sẽ thi đỗ hay không thi đỗ. Yếu tố quyết định là ở sự tự giác, khả năng học tập và đặc biệt trong thời gian dịch bệnh hiện nay, khả năng tự học của các con mới là quyết định.

Bởi phạm vi kiến thức không nằm ngoài chương trình học, nội dung kiến thức cơ bản theo đúng chuẩn kiến thức và chuẩn kĩ năng đã đề ra. Đề thi không đánh đố, không nâng cao mà đảm bảo phân loại học sinh.

Vì thế, các bậc cha mẹ học sinh cần lưu ý các con nắm vững các kiến thức cơ bản, làm các dạng bài tập để rèn luyện kĩ năng. Và đăng kí nguyện vọng dự thi phù hợp với khả năng học tập của con, điều kiện của gia đình.

Bạn đọc

Bạn quytanlai@...:

Để đạt kết quả cao, học sinh chúng em cần chuẩn bị những gì trong quá trình ôn tập và tham gia kỳ thi, thưa thầy?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, các em cần hệ thống lại kiến thức một cách hợp lý, cẩn thận và khoa học.

Bên cạnh đó, học sinh cần ôn tập kĩ những kiến thức từ dễ đến khó, kiến thức mở rộng (không chủ quan với những kiến thức dễ mà bỏ qua). Đồng thời, dành đủ thời gian ôn tập lại những kiến thức được thầy cô trang bị, hệ thống.

Ngoài ra, phát huy tối đa tính tự học, tự lực của bản thân. Làm quen các dạng đề thi hằng năm, đề minh họa của Bộ và Sở để chuẩn bị hành trang về kiến thức tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi cam go.

Bạn đọc

Bạn Bonglam20…@gmail.com:

Là học sinh, em hiểu rằng ở thời điểm “đặc biệt” này cần phát huy tinh thần tự học, quyết tâm để đạt kết quả thi theo nguyện vọng. Xin cô cho biết, chúng em nên áp dụng những cách thức nào để việc tự học đạt hiệu quả?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Thời gian nước rút này, các em cần tự mình rà soát các đơn vị kiến thức của bộ môn, biết được những đơn vị kiến thức nào đã nắm vững, chưa nắm vững.... để bổ sung hoặc tìm hiểu kĩ thêm cho chắc chắn.

Tập trung làm các dạng bài luyện tập để củng cố kiến thức và rèn các kĩ năng. Với những dạng bài tập chưa thành thạo, còn để mất điểm trong các lần kiểm tra cần làm đi làm lại cho vững.

Các em có thể cập nhật trên hệ thống của Sở SD&ĐT Hà Nội để ôn luyện, thi thử môn Lịch sử và Tiếng Anh trên hệ thống Elearning Hocbaionha.com; đồng thời nghiêm túc thực hiện các yêu cầu và hướng dẫn của các thầy cô giáo trong việc ôn tập.

Bạn đọc

Bạn Vương Thu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội:

Thời điểm này, học sinh lớp 9 vừa ôn luyện kiến thức, vừa hoàn thành phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Nhà trường và giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ các em thực hiện thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo qui định của kỳ thi?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy (bên phải) chia sẻ thông tin trong buổi giao lưu trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội
Cô Nguyễn Thanh Thủy (bên phải) chia sẻ thông tin trong buổi giao lưu trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội

 

Trước hết là đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Trong những ngày học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn luôn cập nhật kịp thời những văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 và thường xuyên gửi thông tin về tình hình dịch bệnh tới cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng học sinh và phụ huynh học sinh để không chủ quan trước diễn biến dịch. Ban giám hiệu, Y tế nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng gửi văn bản của Bộ Y tế hướng dẫn và nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện việc theo dõi và báo cáo hàng ngày sĩ số, diễn biến tình hình sức khỏe cũng như việc đi đến những vùng dịch, hoặc từ vùng dịch trở về hay việc tiếp xúc với người nước ngoài, những người trở về từ vùng dịch thuộc các dạng F1, F2, F3... của cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như học sinh, phụ huynh và gia đình học sinh nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh dịch để kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng cách li có hiệu quả.

Để việc nghỉ phòng dịch vừa an toàn về sức khỏe cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo việc ôn tập kiến thức, Ban giám hiệu cũng đã triển khai tới các tổ chuyên môn kế hoạch hướng dẫn học sinh các khối lớp ôn tập kiến thức văn hóa. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn xây dựng nội dung ôn tập và hướng dẫn học trực tuyến dưới hình thức củng cố kiến thức, giao bài tập luyện tập có gia hạn về thời gian. Học sinh gửi bài, giáo viên chữa bài, chấm bài và gửi kết quả tới phụ huynh.

Ngoài ra, Ban giám hiệu đã triển khai tới giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 9 cập nhật Hướng dẫn ôn tập online dưới hình thức trắc nghiệm môn Sử, Tiếng Anh của Sở GD&ĐT Hà Nội để hướng dẫn học sinh tham gia ôn tập. Học sinh có thể làm đi làm lại nhiều lần để bài ôn tập sau đạt kết quả cao hơn. Cũng nhờ hình thức này, nhiều học sinh đã rèn được ý thức tự giác trong học tập, xây dựng nếp tự học vừa phù hợp với hoàn cảnh khách quan vừa để có khả năng học tập lâu dài.  

Song song với việc ôn tập, nhà trường tiến hành làm hồ sơ xét tốt nghiệp THCS cũng như hồ sơ thi vào lớp 10 của HS khối 9. Sau khi tổ chức kiểm tra cuối kì II, nhà trường đã lên kế hoạch làm điểm tổng kết cho học sinh khối 9. Văn phòng và giáo viên chủ nhiệm kiểm tra toàn bộ dữ liệu của học sinh trên hệ thống, hồ sơ sổ sách. Ban giám hiệu phân công kiểm tra hồ sơ xét tốt nghiệp của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh học sinh trực tuyến để thông báo về kế hoạch thi vào lớp 10 THPT và hướng dẫn đăng kí nguyện vọng. Đồng thời, theo kế hoạch của phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, nhà trường dự kiểm tra chéo hồ sơ tốt nghiệp THCS và hồ sơ dự thi vào lớp 10 để đảm bảo đúng các qui định của kì thi.

Bạn đọc

Bạn Havyle6@...:

Trường THPT Phan Châu Trinh đã xây dựng phương án ôn thi tốt nghiệp THPT thế nào cho những tình huống cụ thể?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Học sinh lớp 12 trường Phan Châu Trinh ôn tập theo nhóm. Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 12 trường Phan Châu Trinh ôn tập theo nhóm. Ảnh: NTCC

 

Chúng tôi đang xây dựng nhiều phương án phù hợp với từng tình huống cụ thể. Theo như công văn ngày 4/5 của Sở GD&ĐT Đà Nẵng về hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức dạy học trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid - 19 theo hướng đảm bảo kế hoạch năm học, chuẩn bị tốt cho kiểm tra cuối kì 2 của khối 10 và 11 sắp đến khi có công văn chỉ đạo của Sở. Dự kiến, các khối sẽ bắt đầu kiểm tra cuối kỳ II từ 10/5.

Trong thời gian chưa thể ôn tập trực tiếp thì GV bộ môn lớp 12 vẫn tổ chức ôn tập trực tuyến cho HS dưới nhiều hình thức hỗ trợ: cung cấp thêm đề tham khảo cho HS và hướng dẫn các em làm bài thông qua các group, email… GV dạy bộ môn ở lớp nào thì phụ trách hỗ trợ HS ôn tập trực tuyến ở lớp đó. GV sẽ chuyển bài tập qua email cho HS ôn tập, HS sẽ trả bài để GV sửa.

Sau khi khối 10 và 11 hoàn thành kiểm tra cuối kỳ, nhà trường sẽ tiến hành ôn tập trực tiếp cho HS khối 12 cho đến ngày bế giảng. Trường hợp nếu việc tổ chức kiểm tra học kỳ đối với lớp 10, lớp 11 diễn ra muộn hơn, nhà trường vẫn duy trì hỗ trợ HS ôn tập trực tuyến nếu không thể tổ chức ôn thi tập trung được. Đặc biệt, đối với các lớp tiếng Pháp và tiếng Nhật, do đầu vào thấp nên các GV sẽ có sự hỗ trợ nhiều hơn, bám sát theo tổ hợp môn các em đăng ký dự thi để ôn tập thêm cho HS.

Bạn đọc

Bạn vuongkhang@...:

Việc ôn tập trực tuyến cho HS khối 12 đã được nhà trường kích hoạt ngay sau khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng có quyết định cho HS tạm dừng đến trường. Nhà trường có gặp khó khăn gì khi chuyển đổi hình thức ôn tập không, thưa thầy?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Trong quá trình phòng chống dịch của những đợt dịch trước đây, nhà trường đã xây dựng được hệ thống dạy – học trực tuyến. Theo đó, các GV đã đăng ký đường link để trong trường hợp nếu tổ chức dạy học trực tuyến thì sẽ có đường dẫn tạo nhóm dạy để học trò kết nối. Mỗi GV, tùy theo từng điều kiện của mình, sẽ dùng các ứng dụng như google meet, zoom... để giảng dạy. Chính vì vậy, chỉ cần kích hoạt là hệ thống dạy – học trực tuyến của nhà trường sẽ được khởi động.

Bạn đọc

Bạn Cẩm Vân – Quảng Nam:

Xin thầy cho biết, nếu HS toàn TP Đà Nẵng không phải tạm dừng đến trường từ ngày 4/5 thì kế hoạch ôn tập cho HS khối 12 sẽ được nhà trường tổ chức như thế nào?
Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình

Thầy Lê Phước Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THTP Phan Châu Trinh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Đà Nẵng
Thầy Lê Phước Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THTP Phan Châu Trinh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Đà Nẵng

 

Theo kế hoạch, sau kiểm tra cuối kỳ 2 lớp 12 là tiếp tục kiểm tra cuối kỳ 2 lớp 10, 11. Thời gian đó HS lớp 12 sẽ tự ôn tập ở nhà theo ngân hàng đề (được biên soạn dựa trên đề tham khảo của Bộ) được đăng trên website nhà trường. Tùy theo bộ môn, giáo viên có thể cho thêm bài tập riêng. Điều này sẽ giúp HS làm quen với nhiều đề thi vừa là để các em có cơ hội tổng hợp lại các kiến thức, chuẩn bị cho tâm lý thi cử…

Bạn đọc

Bạn Mai Vy, huyện Ba Vì, Hà Nội:

Với những học sinh học lực còn yếu lại chưa chăm chỉ, nhà trường và giáo viên có kế hoạch ôn tập thế nào cho các em. Trường THCS Ngô Gia Tự có phân loại học sinh khi dạy và ôn tập không?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Những đối tượng học sinh học lực còn yếu lại chưa chăm chỉ quả là nỗi lo lắng lớn cho mỗi nhà trường.

Ngay từ đầu năm, nhà trường chúng tôi đã phân loại đối tượng học sinh theo học lực để thuận lợi trong việc bồi dưỡng cho các em học sinh có học lực khá- giỏi và phụ đạo cho các em học sinh học lực trung bình -yếu.

Tổ nhóm chuyên môn đã xây dựng nội dung ôn tập riêng cho từng đối tượng. Với học sinh yếu lại chưa chăm học, nội dung ôn tập chủ yếu là củng cố ôn tập những kiến thức cơ bản với yêu cầu cần đạt ở mức độ trung bình để các em không nản, không buông xuôi. Học sinh được giảng lại bài nhiều lần để nắm vững lí thuyết và được giáo viên hướng dẫn làm những dạng bài chủ yếu ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp.

Thời lượng học tập của nhóm học sinh ở trình độ này cũng được tăng cường. Ngoài việc học với giáo viên được phân công dạy trên lớp, các con được học tập trung theo với các bạn trong khối. Mỗi lớp, mỗi tuần sẽ lựa chọn từ 3 đến 5 bạn kém nhất tham gia nhóm học này. Giáo viên trong nhóm 9 sẽ thay phiên nhau lần lượt truy bài, ôn tập cho học sinh.

Ngoài ra, tổ chuyên môn còn phân công giáo viên trong tổ hỗ trợ dạy kèm các học sinh thuộc diện yếu kém trong khối. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh để gia đình nắm bắt khả năng thực tế của con.

Việc động viên kịp thời với đối tượng học sinh này cũng rất quan trọng. Chỉ một tiến bộ của các em được thầy cô ghi nhận cũng giúp các em có động lực để cố gắng.

Bạn đọc

Bạn huonganh@...:

Gia đình em ở xã vùng sâu, vùng xa nên điều kiện tiếp cận Internet để tìm hiểu kiến thức, ôn thi trực tuyến còn nhiều khó khăn, vậy có phương án nào để chúng em cũng được ôn tập như các bạn ở vùng thuận lợi?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Hiện nay, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch ôn tập đến ngày 3/7/2021 theo hình thức tập trung. Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp kịp thời tham mưu UBND các huyện, thành phố hỗ trợ về vật chất cho học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, không để các em học sinh lớp 12 bỏ học, bỏ thi vì khó khăn về vật chất.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, đối với những học sinh không tham gia học được bằng hình thức trực tuyến, các nhà trường thực hiện khoanh vùng đối tượng, không để học sinh các khu nội trú của nhà trường tiếp xúc bên ngoài. Đồng thời, không để các em học sinh về nhà, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để học sinh yên tâm ở lại trường ôn tập.

Trường hợp không tập trung được các học sinh vào khu nội trú của trường, nhà trường sẽ cử cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương chuyển nội dung ôn tập cần thiết, các đề thi tổng hợp phù hợp với đối tượng học sinh. Sau đó, giáo viên sẽ tiến hành thu bài và hướng dẫn các em ôn tập một cách phù hợp, nhằm đạt kết quả cao.

Bạn đọc

Bạn lanhathcs09@gmail.com:

Là giáo viên, bản thân em thấy việc ôn luyện trực tuyến cho học sinh khá vất vả, giáo viên lại không sát sao được hết kết quả ôn tập của học sinh. Có cách nào để kiểm soát việc ôn tập qua máy tính của học sinh không?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Giáo viên cần chuẩn bị hệ thống bài tập bao quát toàn bộ chương trình để giúp học sinh vừa ôn tập, củng cố lí thuyết, vừa luyện tập các dạng bài; xác định những bài tập học sinh tự luyện ở nhà, những bài tập sẽ làm trên lớp để có sự định hướng của giáo viên.

Để đảm bảo việc học sinh làm bài tập ở nhà đầy đủ, giáo viên có phân công cán bộ lớp theo dõi, kiểm tra số lượng bài tập đã giao báo cáo lại cho giáo viên. Thầy cô cũng cần tham gia vào việc kiểm tra bài tập bằng cách yêu cầu nộp bài trên group lớp hoặc trên hệ thống. Kết quả này cũng được cập nhật hàng ngày báo về cho phụ huynh học sinh để kịp thời nhắc nhở các con.

Cũng để việc ôn luyện trực tuyến có hiệu quả, giáo viên cần tăng cường tương tác với học sinh. Yêu cầu học sinh làm việc cá nhân hoặc làm việc theo nhóm, trình bày sản phẩm trước lớp, học sinh và giáo viên sẽ trao đổi để đi đến ý kiến thống nhất.

Ngoài ra, giáo viên cho học sinh luyện đề với nhiều dạng khác nhau để các con rèn kĩ năng trình bày bài, khả năng diễn đạt... Sau đó, thường xuyên chấm bài, chữa trên bài cụ thể để các em thấy được điểm mạnh cũng như hạn chế trong bài và điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Để tạo không khí học tập sôi nổi, giáo viên cần tổ chức nhiều hình thức học tập để thi đua giữa các tổ nhóm: đua tài, game, đố vui... Theo dõi cả quá trình học tập, nắm rõ điểm mạnh, điểm hạn chế của từng học sinh trong việc học bộ môn để thấy được sự tiến bộ hay giảm sút về kết quả học tập, từ đó tư vấn kịp thời và xác đáng cho học sinh, phụ huynh học sinh.

Bạn đọc

Bạn Mydong678@...:

Tôi có con đang học ở trường nội trú, muốn hỏi sau khi kết thúc chương trình học kì II học sinh ở lại trường ôn thi thì Sở đã triển khai phương án gì đối với những trường nội trú nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân, Trưởng Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Kon Tum giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Kon Tum
Ông Lê Châu Vân, Trưởng Phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Kon Tum giao lưu cùng độc giả Báo GD&TĐ tại điểm cầu Kon Tum

 

Đối với các trường tổ chức nội trú cho học sinh, Sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường quán triệt để học sinh ở lại trường ôn tập tập trung trong thời gian trước khi diễn ra kỳ thi. Qua đó, giáo viên và học sinh phải đảm bảo thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, đảm bảo các điều kiện để tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Đồng thời, các trường không để học sinh ra ngoài các khu dân cư, hạn chế việc các em về nhà nhằm đảm bảo công tác ôn tập. Đối với những học sinh thuộc diện được nhà trường tổ chức ở nội trú tại trường nhưng học sinh không thực hiện ở nội trú thì phải có sự cam kết của cha mẹ học sinh với nhà trường. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ giáo viên dạy ôn tập, đặc biệt việc quản lý nề nếp học tập ban đêm của học sinh ở nội trú.

Bạn đọc

Bạn phamhoaian1982@gmail.com:

Cô giáo triển khai việc ôn luyện trực tuyến cho học sinh thế nào để đảm bảo các em nghiêm túc ôn tập mà không bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh khi ngồi học ở nhà?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Bản thân tôi thường trao đổi, trò chuyện để giúp học sinh nhận thức đúng khó khăn của các em khi vừa nghỉ ở nhà để phòng chống dịch, vừa ôn thi; coi đây không phải là khó khăn riêng của ai mà là của tất cả các bạn học sinh khối 9 năm nay, giúp các em ổn định tâm lý, quyết tâm khắc phục khó khăn.

Đồng thời, tôi xác định với các em đây cũng là cơ hội để rèn luyện có được các kĩ năng, năng lực, phẩm chất như tự học, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác... từ đó hình thành động lực trong việc học tập.

Các em cũng phải nhận thấy rằng, để đạt kết quả cho kì thi vào lớp 10 sắp tới, việc ôn thi không thể là việc làm đối phó, qua loa. Học sinh và phụ huynh học sinh phải biết rõ thực chất khả năng mới có thể đăng kí nguyện vọng phù hợp.

Khi tổ chức dạy trực tuyến, giáo viên cùng học sinh thống nhất kế hoạch ôn tập về thời gian, nội dung, cách thức tiến hành để học sinh hiểu mình phải làm gì, học gì, ôn luyện thế nào. Từ đó học sinh sẽ chủ động cùng hợp tác với các bạn trong lớp và giáo viên trong quá trình ôn tập.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thị Phượng, huyện Mê Linh, Hà Nội:

Là phụ huynh học sinh có con chuẩn bị thi vào lớp 10, chúng tôi rất lo lắng khi đúng thời điểm nước rút để ôn luyện kiến thức cho kỳ thi thì lại phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Xin cô giáo chia sẻ, làm thế nào để cha mẹ đồng hành cùng con vượt qua được giai đoạn khó khăn này, ôn thi đạt chất lượng, hiệu quả?
Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy

Cô Nguyễn Thanh Thủy - GV Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cô Nguyễn Thanh Thủy - GV Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

Tại thời điểm này, phòng chống dịch là vấn đề chung của toàn xã hội, của nhiều quốc gia. Tâm trạng của chị là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10.

Trước hết, phụ huynh học sinh cần đảm bảo an toàn và giữ gìn sức khỏe cho cả gia đình và đặc biệt cho con; nhận thức đúng khó khăn này không phải chỉ của gia đình mình hay của riêng con mình mà là vấn đề chung của toàn xã hội để không làm cho việc thi cử của con quá căng thẳng, trầm trọng, sẽ làm ảnh hưởng đến chính tâm lí của con và phụ huynh.

Cha mẹ cũng cần xác định với các con thời điểm tuy khó khăn nhưng cũng là cơ hội để giúp con rèn luyện để có được các kĩ năng, năng lực, phẩm chất như khả năng tự học, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác... để con có động lực trong việc học tập.

Phụ huynh cũng lưu ý thường xuyên liên hệ với nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của con, từ đó kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho con khi hệ thống lại kiến thức.

Thời điểm này, bên cạnh theo dõi, nhắc nhở con học tập, gia đình cũng nên tạo cho con có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; thể hiện tình yêu thương, sự tin tưởng với các con để các con hiểu được sự quan tâm của gia đình, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trước mùa thi.

Bạn đọc

Bạn Minh Hà – Điện Biên:

Kon Tum là một trong những tỉnh khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vậy đối với các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, có phương án gì cho các trường hướng dẫn ôn thi cho các em một cách hiệu quả?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Để các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phân loại nhóm đối tượng để tổ chức ôn tập phù hợp, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Bên cạnh đó, rà soát các đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số từ đó vận động mỗi giáo viên hỗ trợ ít nhất 1 học sinh nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ các em hoàn thành tốt Kỳ thi.

Đối với những học sinh này, nội dung ôn tập chủ yếu chương trình lớp 12, những dạng câu hỏi, bài tập ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và được rèn luyện nhiều lần.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp kịp thời, tham mưu UBND các huyện, thành phố hỗ trợ về vật chất cho học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, không để các em học sinh lớp 12 bỏ học, bỏ thi vì khó khăn về vật chất.

Bạn đọc

Bạn Levietcuong8@...:

Thưa ông, hiện nay dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mặc dù tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính, tuy nhiên, là phụ huynh có con học lớp 12 nên gia đình vô cùng lo lắng. Vậy Phòng đã triển khai những phương án gì đến các trường để ôn thi cho học sinh một cách an toàn và hiệu quả?
Ông Lê Châu Vân

Ông Lê Châu Vân

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở GD&ĐT Kon Tum đã ban hành Công văn hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021. Bên cạnh đó, ngày 5/5/2021, Sở đã ban hành Công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo đó, Sở chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các phương án ôn tập như ôn tập tập trung (nếu trường hợp không có dịch bệnh xảy ra), sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học ôn tập trực tuyến trên office 365 và các hình thức ôn tập khác.

Cụ thể, cử cán bộ, giáo viên, nhân viên phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương chuyển nội dung ôn tập cần thiết, các đề thi tổng hợp phù hợp với đối tượng học sinh, qua email, zalo, hoặc phô tô ra giấy… ở các môn học thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.