Xây dựng trường học hạnh phúc: Cần thay đổi từ cán bộ quản lý

GD&TĐ - Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ giáo dục; Nhà giáo thay đổi vì một trường học hạnh phúc... đó là những đòi hỏi cấp bách của toàn ngành Giáo dục đặt ra. Để thực hiện tốt vấn đề thì vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) cần được thể hiện và phát triển trước tiên. Bởi chỉ khi nào bản thân CBQLGD có ý thức, mong muốn và tự chuyển động… thì khi đó mới tạo ra được một ngôi trường đổi mới, hạnh phúc như mong muốn của xã hội, ngành GD và người học.

HS được hạnh phúc trong trường học là trách nhiệm của đội ngũ CBQL và GV. Ảnh: Đức Trí
HS được hạnh phúc trong trường học là trách nhiệm của đội ngũ CBQL và GV. Ảnh: Đức Trí

Đội ngũ CBQL không chỉ nhìn một chiều

Thực tế cho thấy, mọi thành công hay thất bại của một tổ chức thì yếu tố mang tính quyết định lớn là vai trò của người lãnh đạo, hiệu quả quản lý do CBQL lãnh đạo chi phối.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Học viện Quản lý Giáo dục: Nguyên nhân gây hạn chế chất lượng giáo dục các cấp và cản trở sự phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay đều được các CBQLGD nhìn nhận, phân tích nguyên nhân từ phía khách quan bên ngoài, từ thực trạng yếu kém về cơ sở vật chất, từ nguồn tài chính hạn hẹp, từ năng lực của đội ngũ GV, từ cơ chế chính sách quản lý bất cập… Chỉ có khoảng 5% ý kiến trên tổng số hàng nghìn CBQLGD tham gia bồi dưỡng và nâng cao năng lực quản lý đề cập đến năng lực yếu kém của đội ngũ CBQLGD hiện nay. Mặt khác, ý kiến nêu ra còn chung chung chứ chưa chỉ ra được những yếu kém cụ thể đó là hạn chế gì.

Khi đưa ra các ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục thì đa số CBQLGD tập trung giải quyết vấn đề về cơ chế, chính sách, tài chính và nguồn nhân lực, cơ sở vật chất… rất ít ý kiến nói đến giải pháp về nâng cao năng lực quản lý trong đó có năng lực tự đánh giá cho đội ngũ CBQLGD. Điều đó cũng có nghĩa đa số CBQLGD cho rằng năng lực của bản thân đã đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD hiện nay. Như vậy, việc tự đánh giá, tự nhìn nhận về bản thân của một bộ phận không nhỏ đội ngũ CBQL còn bất cập, họ tự đánh giá cao bản thân.

Từ thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng cho rằng: Đội ngũ CBQLGD đã quen với công việc đánh giá người khác (CB, GV dưới quyền). Việc người khác đánh giá họ chủ yếu theo xu hướng tán đồng, luôn đúng và tốt. Vì vậy gây cho CBQL tâm lý thỏa mãn với bản thân, tự cho mình đã hoàn thiện về phẩm chất và năng lực thực hiện tốt công việc quản lý… Với những CBQL như vậy khó có thể phát triển, hoàn thiện năng lực bản thân theo quan điểm của tự đánh giá. Họ sẽ không nhận được mức độ thực tiễn của năng lực với những mặt mạnh hoặc mặt yếu của bản thân để có thể phát huy hoặc hạn chế, từ đó hoàn thiện nhân cách của người CBQL. Chưa kể đến một số CBQLGD tự đánh giá đúng bản thân, nhưng vì lười, không chịu học hỏi vươn lên nên không thể phát triển được năng lực của bản thân. Vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

Để nâng cao năng lực tự đánh giá cho CBQLGD, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng đã chỉ ra những yêu cầu cơ bản như: Không tự thỏa mãn với bản thân mà luôn có ý thức tự học tập nâng cao trình độ tri thức và kĩ năng nghiệp vụ trong quản lý các cơ sở GD. Khiêm tốn học hỏi, không tự cao tự đại về bản thân; Phân tích các kĩ năng cần có của người CBQLGD để thấy được bản thân còn thiếu những kĩ năng gì, học tập kĩ năng đó như thế nào; Rèn luyện kĩ năng nghe ý kiến của người xung quanh đánh giá về mình, kể cả những ý kiến trái ngược; Trước khi yêu cầu người khác thực hiện công việc thì bản thân phải gương mẫu thực hiện. Khi ra quyết định quản lý cần cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu trong giao việc để công việc hoàn thành tốt; Biết xin lỗi và xin lỗi một cách chân tình, thẳng thắn trước tập thể, không đổ lỗi cho người khác, sau khi nhận lỗi phải sửa chữa với thái độ cầu thị…

Năng lực CBQLGD phải đáp ứng được đổi mới GD

Trước những yêu cầu của đổi mới giáo dục đòi hỏi đội ngũ CBQLGD cần có những năng lực mới về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm; năng lực quản lý - Đó là quan điểm của ThS. Lê Đình Bình – Trường ĐH Thủ Dầu Một.

Cụ thể, CBQLGD cần hiểu biết chương trình GD. Có trình độ chuyên môn vững về bộ môn đang đảm nhận giảng dạy. Có kiến thức liên môn và tối thiểu đạt chuẩn trình độ theo cấp học. Có năng lực sư phạm và khả năng tổ chức đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục nhằm tác động tích cực tới sự phát triển trí tuệ và nhân cách HS, tự học, tự phát triển, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Năng lực tổ chức quản lý cũng cần được phát triển và phát huy phù hợp. CBQLGD phải phân tích và dự báo tầm nhìn chiến lược, thiết kế và triển khai, quyết đoán. Có bản lĩnh đổi mới, năng lực tập hợp lực lượng. Có năng lực quản lý nhà trường như lập kế hoạch hoạt động, tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục, tài chính và tài sản nhà trường, xây dựng môi trường GD…

Ngoài ra, ThS. Lê Đình Bình cũng cho rằng để đáp ứng đổi mới GD hiện nay, CBQLGD cần có tầm nhìn và khả năng giao dịch ở tầm quốc tế. Sử dụng thành thạo tiếng Anh và các thiết bị tin học. Không những có trách nhiệm cao với xã hội, tầm nhìn chiến lược, phong cách linh hoạt mà CBQLGD cần biết phát huy nhân tố con người, quan tâm đến phát triển con người, coi con người là tài nguyên của tổ chức.

Rõ ràng, với những đòi hỏi của đổi mới giáo dục, của một trường học hạnh phúc thì CBQLGD cần được chuẩn bị chu đáo và thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ quản lý chủ yếu thông qua đào tạo, bồi dưỡng. CBQLGD phải được trang bị những kiến thức về lý luận quản lý hiện đại, nghiệp vụ quản lý thiết thực mang tính chuyên nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ