Vùng thi đua số VII: Phấn đấu tiếp tục giữ vững tốp dẫn đầu của giáo dục cả nước

Vùng thi đua số VII: Phấn đấu tiếp tục giữ vững tốp dẫn đầu của giáo dục cả nước

(GD&TĐ) - Đó là giao ước thi đua năm học 2010-2011 của Vùng thi đua số VII gồm Sở giáo dục và đào tạo 5 thành phố trực thuộc T.Ư là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng trong hội nghị giao ban lần thứ nhất được tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng nay (17.12) với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm học đến nay của 5 Sở GD&ĐT thuộc vùng thi đua số 7, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, 5 thành phố trên vốn có vị trí chiến lược, đi đầu trong cả nước về tất cả các lĩnh vực, trong đó, giáo dục của vùng này có tính chất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục toàn quốc. Ngoài thực hiện nhiệm vụ năm học chung của toàn ngành, GD 5 thành phố trực thuộc TW đã có những giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt trong việc giải quyết những vấn đề có tính đặc thù của vùng.

Theo ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Trưởng vùng thi đua số VII - thì ngành GD&ĐT 5 thành phố đã thực hiện tốt việc tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND các thành phố và phối hợp với các ban ngành triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển giáo dục địa phương và thực hiện các nhiệm vụ năm học 2010 – 2011. Các Sở GD&ĐT tham mưu với các UBND thành phố bố trí xây dựng mới nhiều trường học, mở rộng quỹ đất để xây dựng trường, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư xây dựng, cải tạo CSVC trường, lớp học; các công trình đa năng, giáo dục thể chất; phòng giáo dục nghệ thuật, thư viện, phòng bộ môn, thực hành, các công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ cho HS. Cần Thơ đã đầu tư 367 tỷ đồng; Hà Nội: 1.000 tỷ, TP Hồ Chí Minh: 815 tỷ, Đà Nẵng: 105 tỷ, Hải Phòng 33 tỷ về xây dựng cải tạo, sửa chữa CSVC trường, lớp và bố trí ngân sách mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục tình trạng dạy học chủ yếu qua “đọc – chép”, gắn đổi mới phương pháp dạy học với đổi mới công tác kiểm tra thi cử, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần khắc phục tình trạng HS không đạt chuẩn lên lớp, hạn chế học sinh bỏ học, giảm tỉ lệ HS yếu kém, nâng cao chất lượng GD hai mặt hạnh kiểm, học lực cho HS. So với cùng kỳ năm học trước, số lượng HS bỏ học trên địa bàn các Sở GD&ĐT đã giảm nhiều: Năm học 2009 – 2010, Hải Phòng có 1.165 HS bỏ học, đầu năm học 2010 có 130 HS, giảm 1.035 em; Đà Nẵng có 257 em bỏ học ở năm học 2009-2010, sang đến đầu năm học 2010 – 2011 có 154 HS bỏ học, giảm 103 HS. Ngoài việc thực hiện bồi dưỡng, phụ đạo cho HS có học lực yếu kém; thành lập nhóm bạn học tập trong các lớp, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình và các tổ chức đoàn thể để vận động, hỗ trợ những HS bỏ học do điều kiện kinh tế… việc thành lập tổ tư vấn tâm lý giáo dục tại các trường học, hàng tháng tổ chức gặp mặt HS yếu kém, HS thuộc diện gia đình khó khăn có nguy cơ bỏ học để lắng nghe các em nói về tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc… để có hướng giúp đỡ kịp thời cũng là một cách làm có hiệu quả mà nhiều trường học của 5 thành phố đang thực hiện.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chung năm học 2010 – 20110 của toàn ngành, 5 TP lớn đã chọn cho mình một số điểm nhấn riêng trong quá trình thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD. Sở GD&ĐT Hà Nội trong năm học này đã hoàn chỉnh bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội để sớm đưa vào giảng dạy đại trà. Sở GD&ĐH Hải Phòng tập trung vào việc xây dựng tổ chuyên môn với các nội dung như: chọn tổ trưởng tổ chuyên môn như thế nào, kỹ năng của tổ trưởng tổ chuyên môn, việc bồi dưỡng giáo viên ở tổ chuyên môn, chất lượng sinh hoạt ở tổ chuyên môn… Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chọn việc nhân rộng mô hình nhà trường tiên tiến chất lượng cao ở các bậc học là một trong những việc làm trọng tâm của năm học. Đây là năm học đầu tiên, Sở GD&ĐT Cần Thơ tham mưu cho địa phương để thực hiện cơ cấu chi phí học phí, trong đó đảm bảo đủ 20% chi cho các hoạt động tối thiểu. Cần Thơ cũng đang triển khai các công tác chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng 2012 sẽ được tổ chức tại địa phương. Riêng Sở GD&ĐT Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, HS bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP” và thực hiện mục tiêu “Không có HS bỏ học đến năm 2015”.

Đại diện Sở GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương ký kết giao ước thi đua năm học 2010 - 2011 trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đại diện Công đoàn, các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT
Đại diện Sở GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương ký kết giao ước thi đua năm học 2010 - 2011 trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đại diện Công đoàn, các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT

Tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn các thành phố đã được chỉ đạo, quản lý và thực hiện một cách nghiêm túc. Các Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND các thành phố ban hành quyết định quản lý công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn, trong đó quy định cụ thể đối tượng dạy thêm, học thêm, số lượng HS học thêm/lớp, thời lượng học thêm, môn học, nội dung dạy thêm, mức học phí, điều kiện CSVC. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định trên địa bàn, nhất là đối với các cơ sở luyện thi, dạy thêm ngoài ngành ở một số nơi vẫn chưa được khắc phục. Vẫn còn hiệu trưởng một số nơi chưa quan tâm đến công tác này, có hiện tượng buông lỏng, thiếu quản lý, không thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với những GV có sai phạm trong dạy thêm. Chấn chỉnh tình trạng này, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh về quy định dạy thêm, học thêm, trong đó, có việc giao cho hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm cấp giấy phép và quản lý trực tiếp việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Giải đáp một số kiến nghị của vùng thi đua số 7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành các văn bản pháp quy về hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài và quản lý dịch vụ tổ chức du học tại địa phương để các Sở GD&ĐT có cơ sở tham mưu với UBND thành phố ban hành các quy định quản lý lĩnh vực này. Trước mắt, Bộ GD&ĐT đã công bố trên website các chương trình đào tạo đã được cấp phép, được kiểm định để phụ huynh và HS tham khảo. Riêng về tiêu chí trường chất lượng cao và mức thu học phí đối với loại hình này, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, sẽ không có tiêu chí chung cho tất cả các địa phương, văn bản của Bộ sẽ mang tính chất hướng dẫn, các Sở GD&ĐT phải dựa trên mặt bằng chung của địa phương mình để xây dựng cho phù hợp. Riêng về kiến nghị của Sở GD&ĐT Hà Nội về hạng trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng sẽ xem xét lại các quy định, không cần phải có thêm hạng trường nhưng cũng đừng cứng nhắc quá, chỉ nên xây dựng khung, tất nhiên sẽ có ngoại lệ, rồi UBND các tỉnh, thành phố sẽ tự quyết định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2011 sẽ không có thay đổi lớn. Quan điểm của ngành GD&ĐT là tạo sự ổn định trong ngành và sự đồng thuận của xã hội.

Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ