Vì sao chưa nên giao toàn quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương?

GD&TĐ - Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, ở cả góc độ pháp lý để chứng minh cho quan điểm chưa nên giao toàn quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Ông Trịnh Văn Ngoãn cho rằng, trong những năm qua Bộ GD&ĐT đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ liên quan đến quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT được Quốc hội và Chính phủ giao cụ thể như:

Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Khoản 2 Điều 105 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên.

Điểm b Khoản 8 Điều 2 của Nghị định số 69/2017/NĐ-CP quy định Bộ GD&ĐT có chức năng, nhiệm vụ: Ban hành quy chế thi, tuyển sinh; quy định về kiểm tra và đánh giá người học.

Khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định một trong những trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT là: Ban hành quy chế thi cử; quy định việc kiểm tra và đánh giá người học; quy định văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân và việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Chủ trì xây dựng hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế.

"Nhìn chung, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thực hiện rất tốt các quy định trên của Quốc hội và Chính phủ" - ông Trịnh Văn Ngoãn nhận định và cho biết:

Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành đã huy động sự tham gia các Bộ ngành (đặc biệt là ngành Công an và Y tế); sự tham gia hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để bảo đảm kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực. Kết quả thi có độ tin cậy cao dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học có thể làm căn cứ để tuyển sinh.

“Kỳ thi năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của các bộ ngành và chính quyền địa phương, kỳ thi được tổ chức rất an toàn và nghiêm túc. Với kinh nghiệm tổ chức kỳ thi qua, tôi tin tưởng vào thành công tương tự ở kỳ thi năm 2021” ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Vì sao chưa nên giao toàn quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương? ảnh 1
Click ảnh để xem chi tiết

Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Ngoãn bày tỏ đồng tình và ủng hộ quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay bởi những ưu việt của nó.

Yếu tố công bằng, nghiêm túc, khách quan, trung thực được bảo đảm, vì tất cả học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT điều được dự một kỳ thi công bằng, khách quan, trung thực như nhau. Cụ thể: cả nước sử dụng chung quy chế thi nên các điều kiện về đăng kí dự thi, tổ chức thi, đề thi, quy trình chấm, xử lý điểm, xét công nhận tốt nghiệp ở các địa phương khác nhau đều phải giống nhau. Đây là cơ sở để xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.

Kết quả thi rất đáng tin cậy được sử dụng cho nhiều mục đích như xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh cao đẳng/đại học, đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh thành trong cả nước,… Đây cũng là thông tin, dữ liệu và cơ sở quan trọng để Chính phủ và trung ương đầu tư phát triển giáo dục ở các địa phương, nhất là các địa phương có kết quả chưa cao để tránh mất công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục và thụ hưởng giáo dục. Đồng thời là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.

Giảm áp lực cho thí sinh (do thí sinh không phải thi tốt nghiệp riêng và thi tuyển sinh riêng như trước đây) và đặc biệt là giảm chi tiêu công lẫn chi phí xã hội do phải tổ chức thi nhiều lần, nhiều đợt.

Vì sao chưa nên giao toàn quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương? ảnh 2
Click ảnh để xem chi tiết

“Hiện tại, một số thành phố có tiềm lực mạnh (cả về năng lực lẫn tiềm lực tài chính) có nguyện vọng được giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Muốn làm được điều này, trước tiên Quốc hội, Chính phủ cần phải xây dựng hành lang pháp lý để các địa phương mới có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên.

Bởi vì hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục chưa giao nhiệm vụ này cho UBND cấp tỉnh.

Mặt khác, khi giao địa phương tự chủ trong khâu tổ chức thi (kể cả khâu ra đề thi) thì cần có những giải pháp để bảo đảm chất lượng của kỳ thi, ngăn chặn bệnh thành tích và tình trạng chuẩn đầu ra của THPT của các địa phương khác nhau là khác nhau.

Thiết nghĩ việc giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng có những ưu điểm có nó, nhưng việc áp dụng vào thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.

Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần cân nhắc, nghiên cứu và xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, có thể xây dựng và giao quyền tổ chức thi cho các trung tâm kiểm định/trung tâm đánh giá độc lập theo mô hình của các quốc gia phát triển” – ông Trịnh Văn Ngoãn nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.