Ươm “mầm” nơi biên cương

GD&TĐ - Gần 2 tháng nay, đồn Biên phòng Trịnh Tường, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) như rộn ràng, ấm áp hơn khi nhận nuôi 2 học sinh người dân tộc hoàn cảnh khó khăn. Các em được “cha nuôi” là những người lính biên phòng trực tiếp chăm sóc, dạy bảo. Có thể thấy, cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường”, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” ra đời đã chắp cánh ước mơ cho biết bao trẻ em vùng biên cương Tổ quốc.

Quan tâm, chỉ bảo từng buổi học. Ảnh: NVCC
Quan tâm, chỉ bảo từng buổi học. Ảnh: NVCC

Ươm “mầm” hy vọng

Theo thiếu tá Nguyễn Văn Thắng – Chính trị viên đồn Trịnh Tường, 2 học sinh (HS) được đồn nhận làm “con nuôi” đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sùng A Tủ, dân tộc Mông năm nay học lớp 8 nhưng gầy gò như đứa trẻ lớp 5. Em sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Cốc Mì huyện Bát Xát – Lào Cai. Bố mẹ quanh năm quần quật nương rẫy mà nuôi 3 con nhỏ ăn học vẫn chật vật. Bữa no bữa đói, không được quan tâm khiến những đứa trẻ thiếu chất, còi cọc. Việc học tập của Sùng A Tủ cũng đứng trước nguy cơ bỏ dở vì phải ở nhà phụ giúp bố mẹ lao động, kiếm sống.

Tương tự, Tẩn Trí Dũng, người dân tộc Dao, năm học nay vào lớp 1, nhà tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Bố của Dũng không may mất trong một tai nạn năm 2018, để lại vợ và 2 con thơ dại. Dũng không chỉ thiếu chỗ dựa tinh thần vững chắc mà còn sớm đối mặt với bữa đói bữa no do một mình mẹ lo kinh tế và nuôi dạy 2 con nhỏ.

Khi mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được triển khai, lãnh đạo đồn Trịnh Tường cùng UBND xã dựa vào các tiêu chí đã nhận nuôi Sùng A Tủ và Tẩn Trí Dũng. Cả 2 gia đình Tủ và Dũng đều mừng vui và đồng ý bởi lâu nay người dân xã Trịnh Tường đã đặt trọn niềm tin vào những người lính Biên phòng (BP) đóng quân trên địa bàn.

Hàng loạt công việc đã được những người “cha nuôi” áo lính chuẩn bị. Để ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt cho 2 đứa trẻ, khu phòng khách của Đồn Trịnh Tường được gấp rút dọn dẹp, lát nền, quét vôi lại. Phòng cho cán bộ đồn đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp quản lý, chăm sóc 2 HS hàng ngày cũng được bố trí liền kề để thuận tiện và học sát sao nhất có thể.

Thiếu tá Bùi Ngọc Bài, đội Phòng chống ma túy & tội phạm đồn Trịnh Tường - người được phân công trực tiếp chăm sóc 2 HS hằng ngày chia sẻ: Dù còn nhỏ nhưng nền nếp sinh hoạt, giờ ăn, ngủ, giải trí, học tập của 2 cháu vẫn thực hiện nghiêm túc theo thời gian, thời khóa biểu của những người lính để rèn luyện tác phong, thói quen sinh hoạt.

Với sự quan tâm sát sao của các cha nuôi, Sùng A Tủ và Tẩn Trí Dũng có sự biến chuyển rõ rệt về sức khỏe, chiều cao cân nặng và cả trong học tập. Các cháu nhanh chóng hòa nhập, gắn bó với môi trường sống mới, coi các chiến sĩ như người thân quen trong gia đình. Nhiều khi bố mẹ vì nhớ con muốn đón về nhà 1 - 2 ngày cuối tuần nhưng chúng đều xin ở lại đồn….

Mặt khác, để các cháu không thiếu hụt kĩ năng sống, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hằng ngày thiếu tá Bùi Ngọc Bài phải gần gũi, quan sát từ đó hướng dẫn, trang bị lại từ những kĩ năng đơn giản nhất (đánh răng, rửa mặt, tắm gội, gấp chăn màn…). Mặt khác, với khoảng đất trống cạnh phòng ở, anh thường xuyên hướng dẫn các cháu trồng rau, hoa… để chỉ bảo thêm kiến thức, kĩ thuật trồng trọt.

Thiếu tá Bùi Ngọc Bài cũng cho biết: “Chế độ ăn uống của 2 cháu được bảo đảm như cán bộ chiến sĩ trong đồn. Trong học tập, các kiến thức cơ bản được GV giảng dạy ngay tại lớp, cán bộ chiến sĩ sẽ hỗ trợ thêm trong thời gian HS ôn bài buổi tối tại đồn. Với những kiến thức khó, các chiến sĩ sẽ nhờ GV tăng cường phụ đạo thêm trong khoảng thời gian rảnh tại trường”.

Đồng hành cùng ngành Giáo dục

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Trước khi thực hiện Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, các đồn Biên phòng tỉnh Lào Cai đã chủ động đón 11 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới về nuôi dưỡng tại đơn vị.

Các cháu được bố trí nơi ăn, ngủ, góc học tập, mua sắm quần áo, chăn, màn, sách vở, đồ dùng học tập và cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ trong học tập. Nhiều cán bộ, chiến sĩ vừa góp tiền hỗ trợ, vừa thực hiện chức năng của người cha, người mẹ khi đưa đón các cháu đi học, họp phụ huynh và chỉ dạy các cháu từ văn hóa ứng xử, giao tiếp hằng ngày đến nền nếp thực hiện nội quy quy định của đơn vị - những phẩm chất, yếu tố đó không chỉ giúp HS nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập mà còn là hành trang cần thiết cho cuộc sống mai sau.

Được biết, đến nay mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” đã chính thức triển khai đồng bộ trong 11 đồn BP tỉnh Lào Cai. Các đồn phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà trường trên địa bàn biên giới lựa chọn và đón 22 cháu về các đồn nuôi dưỡng.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cũng đã giao chỉ tiêu cho 11 đồn BP, mỗi đơn vị nhận nuôi ít nhất 2 cháu độ tuổi từ 6 đến hết 15 tuổi. Trường hợp đặc biệt có thể nhận nuôi các cháu có độ tuổi nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo được việc chăm sóc. Đồng thời phát động sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng nhận đỡ đầu các cháu bằng cách ủng hộ kinh phí 200.000đồng/cháu/tháng...

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ khẳng định: Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã giúp đỡ được nhiều HS hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới, con em đồng bào các dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, con em thương binh liệt sỹ. Từ đây các em có thêm điều kiện học tập, rèn luyện; được đảm bảo nơi ăn, chốn ở, sức khỏe, có điều kiện sinh hoạt, học tập phát triển toàn diện để sau này trở thành công dân tốt của xã hội, có ích cho gia đình…

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”  thể hiện tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sỹ biên phòng Lào Cai với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Đặc biệt, qua đó góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...