Tủa Chùa - Điện Biên: Trẻ đến trường trong cơn khát nước

GD&TĐ - Những ngày gần đây, Tủa Chùa – Điện Biên được “giải nhiệt” bằng một vài cơn mưa rải rác. Nhưng nhiều nơi trên địa bàn, những đứa trẻ vẫn phải đến trường cùng cơn khát.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường Mầm non Sính Phình (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) gạn từng gáo nước dưới đáy mó cạn kiệt cách xa trường hơn 1km.
Cô giáo Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường Mầm non Sính Phình (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) gạn từng gáo nước dưới đáy mó cạn kiệt cách xa trường hơn 1km.

Bể nước chỉ để… ngắm

Đã gần 10 năm gắn bó với Trường Mầm non Sính Phình, cô giáo Nguyễn Thị Thương thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn vì thiếu nước nơi đây. Ngay cạnh trường có bể nước đó nhưng cũng chỉ để “ngắm” bởi không có nguồn nước nào dẫn tới được bể.

Cô Thương cho biết, mó nước cách trường khoảng hơn 1km. Hàng ngày, các cô phải tranh thủ nghỉ trưa hoặc tan giờ thay nhau dùng can đi lấy nước. Nhiều thì không chở được, mà muốn lấy nhiều cũng khó vì mó nước đến lượt mình múc cũng đã gần cạn rồi. Nước lấy về cũng chẳng đủ để tắm rửa, nấu cơm, mọi thứ sinh hoạt mà thiếu nước cực kỳ vất vả.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sính Phình, khó khăn nhân lên khi nhà trường bắt đầu nấu ăn cho học sinh bán trú. Bởi không biết là nước có đảm bảo hay không. Cứ nhìn rồi nghĩ là sạch thì cô và trò cùng dùng để nấu ăn. Nhà trường cũng mong muốn được đầu tư xây dựng bể nước ngầm chứa - hứng nước mưa để dùng.

Không chỉ riêng Sính Phình. Chuyện thiếu nước vào mùa khô xảy ra ở hầu hết các xã vùng cao của huyện Tủa Chùa như: Lao Xả Phình, Trung Thu, Tả Sìn Thàng, Tủa Thàng… Thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề gây khó khăn, trở ngại cho việc duy trì chất lượng dạy và học của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn xã Trung Thu.

Hai cấp tiểu học và THCS trên địa bàn hiện có gần 550 em đang sinh hoạt tập trung theo hình thức bán trú. Việc cung cấp nước sinh hoạt tại các đơn vị trường học vào các tháng mùa khô này chủ yếu ưu tiên dành cho các bữa ăn và nhu cầu sử dụng khác ở mức tối thiểu. Các nhu cầu sinh hoạt khác như tắm, giặt… học sinh phải tự đi lấy nước từ các nguồn khác nhau ở các khe suối, mó nước xa trường học.

Tuy nhiên, trường lo lắng tình trạng khô hanh kéo dài thì việc thiếu nước sinh hoạt sẽ trầm trọng hơn. Bởi mùa khô ở các xã vùng cao của huyện Tủa Chùa thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giáo viên và học sinh phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trong nhiều tháng.

Cô Hoàng Thị Ngọc, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (THCS) Trung Thu (Tủa Chùa - Điện Biên) cho biết, hai mẹ con cô mỗi năm mất chừng 8 tháng chống chọi với “cơn khát” nước sinh hoạt. Vào mùa khô, cô phải vượt trên 1km mới đến được “mó nước”.

Những hôm may mắn, đi sớm, cô Ngọc gánh về được chừng 2 can đầy. Thế là cả ngày hôm đó mấy mẹ con vui lắm vì có thể “xúng xính” nước sài. Nhưng cũng có những hôm lại trở về tay không vì đã đến giờ lên lớp mà vẫn chưa đến lượt.

Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt còn hiện hữu ở hầu hết các bản trong xã, nhiều khu dân cư bắt đầu khốn khó do thiếu nước sinh hoạt. Hệ thống nước tự chảy qua nhiều năm bị hư hại, chưa kể nguồn nước cũng suy giảm, người dân buộc phải dè sẻn, tích trữ nước để dùng.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Thu đi gánh nước sau giờ học.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Trung Thu đi gánh nước sau giờ học.

Để giáo viên không là phu cõng nước

Trước những áp lực, hàng loạt giải pháp mang tính cấp bách đã được vận dụng. Chính quyền các địa phương vận động người dân nạo vét nguồn nước, sửa chữa đường ống dẫn. Kêu gọi người dân có ý thức tiết kiệm nước. Cô Hoàng Thị Ngọc cho biết rằng, lâu nay, bà con ở đây dùng nước tự chảy không phải trả tiền. Mùa có nước bà con thường có thói quen xả nước chảy cả ngày lẫn đêm. Học sinh cũng theo thói quen cố hữu đó, chưa biết tiết kiệm.

“Đến việc nhỏ nhất như rửa tay xong thì khóa vòi nước, thầy cô cũng phải nhắc nhở từng em. Nhà trường vận động, dặn dò các em, đồng thời tuyên truyền phụ huynh các em chung tay tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước”, cô Ngọc tâm sự.

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, đã chuẩn bị một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, giáo viên và học sinh. Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác công trình sau đầu tư và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Thành lập, kiện toàn các tổ, đội quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn. Kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định hỗ trợ nguồn kinh phí để vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Huy động các nguồn vốn, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung. Tính toán hợp lý quy mô công trình xây mới để vừa có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu bền vững. Đầu tư gắn liền với quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền vận động bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo nguồn nước thường xuyên, bền vững cho các công trình.

Đối với những bản không có nguồn nước chủ động, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu để kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư trong thời gian tới. Chỉ đạo các xã lồng ghép với chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc để hỗ trợ bình chứa nước, tích nước. Khuyến khích cho người dân xây dựng các bể chứa tích nước vào mùa mưa.

Trong khi chờ các dự án cấp nước được phê duyệt, sửa chữa, khởi công, thì hàng ngày hàng nghìn học sinh và giáo viên các xã vùng cao huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn phải mang can đi nhiều cây số tìm nguồn nước. Hơn bao giờ hết, giáo viên, học sinh và người dân nơi đây mong sớm có một dự án cấp nước sinh hoạt mang tính lâu dài và bền vững để xoá đi cảnh “khát nước” đã kéo dài nhiều năm, để cuộc sống sinh hoạt, giảng dạy và học tập ổn định hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ