Truyền thông - giải pháp hữu hiệu ngăn chặn ma túy trong trường học

GD&TĐ - Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ, TB&XH), trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý, 50% trong số đó là trẻ em, học sinh dưới 16 tuổi. Số liệu này là sự cảnh báo đối với học sinh trong việc sử dụng ma túy hiện nay.

Tuyên truyền về tác hại ma túy trong trường học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: INT
Tuyên truyền về tác hại ma túy trong trường học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: INT

Nhiều học sinh chưa hiểu rõ về ma túy

Theo nghiên cứu “Thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy: Nguyên nhân và giải pháp” của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD): Chỉ có 4,5% số học sinh được khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất ma túy; trong khi đó có tới 42,2% số người cho biết không có kiến thức về nội dung này.

Về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy, có tới 44% học sinh cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn HSSV đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: Thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8%) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, nhiều người lại không biết về những loại ma túy mới xuất hiện như methaphetamine (ma túy đá), chỉ có 56,4% người được hỏi cho rằng chất đó có khả năng gây nghiện.

Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng rất ít học sinh biết đến. Nhận thức chưa đầy đủ cùng với tâm lý chủ quan khi cho rằng những loại ma túy trá hình này không có khả năng gây nghiện và không nguy hại đến sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở học sinh hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu, có 65% học sinh tham gia trả lời rằng bản thân không biết đến ma túy và tác hại của ma túy nên tò mò và muốn dùng thử; 27% học sinh sử dụng do bạn bè rủ, mời và lôi kéo sử dụng; 8% học sinh sử dụng là do bị lừa sử dụng mà không hay biết đến lúc lệ thuộc vào chất gây nghiện đó mới biết là mình nghiện.

Có tới 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên khi được hỏi trả lời không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Có 29,5% phụ huynh và giáo viên cho biết có một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Chỉ có 13% biết rõ, 25% biết khá rõ về ma túy. Tuy nhiên, kỹ năng để nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em, học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy ở phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát cũng rất thấp...

Ông Lê Trung Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy - cho biết: Trước thực trạng này, để ngăn chặn tệ nạn ma túy trong học sinh, cần đẩy mạnh công tác truyền thông trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông.

Chiến sĩ công an phổ biến kiến thức phòng chống ma túy trong nhà trường. Ảnh minh họa/ Internet
 Chiến sĩ công an phổ biến kiến thức phòng chống ma túy trong nhà trường.           Ảnh minh họa/ Internet

Tạo môi trường học tập lành mạnh

Ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đã có hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh để ngăn cản ma túy xâm nhập vào trường học, có thể kể đến Đề án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học đến năm 2020”; Kế hoạch phối hợp số 1018 giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT về công tác dự phòng cai nghiên ma túy đối với HSSV đến năm 2020.

Tuy nhiên, trước tình hình sử dụng ma túy diễn ra rất phức tạp trong thời gian gần đây, các nhà trường, cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của HSSV về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy.

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019 vừa qua, các trường học đã lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tổ chức cho HSSV, và các tập thể, đơn vị ký cam kết không tham gia tệ nạn ma tuý.

Các nhà trường đã tích cực vận động HSSV, cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma tuý và tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma tuý trái phép trong HSSV; tiếp nhận, xử lý thông tin của HSSV, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và nhân dân có liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý của nhà trường.

Để việc phòng, chống ma túy hiệu quả, các nhà trường cần tiếp tục triển khai Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Tạo điều kiện để HSSV, cán bộ, nhà giáo tham gia các hoạt động câu lạc bộ, văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa tệ nạn ma túy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ