Trường tỉnh ồ ạt tuyển sinh tại TP.HCM: Cần giám sát và hậu kiểm nghiêm ngặt 

GD&TĐ - Tuyển sinh khó khăn, nguồn tuyển eo hẹp là lý do chính các trường CĐ ngoài địa phận TPHCM đưa ra khi mở phân hiệu, cơ sở đào tạo tại TP này.

Cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn (tỉnh Khánh Hòa) rất dễ khiến học sinh nhầm tưởng là một trường CĐ của TPHCM.
Cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn (tỉnh Khánh Hòa) rất dễ khiến học sinh nhầm tưởng là một trường CĐ của TPHCM.

Tuyển sinh không giới hạn

5 năm trở lại đây, trên địa bàn TPHCM có khoảng 10 cơ sở đào tạo thuộc các trường cao đẳng ngoại tỉnh được thành lập và hoạt động như: Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), Trường CĐ Dược Sài Gòn (tỉnh Khánh Hòa), Trường CĐ nghề Tây Sài Gòn (tỉnh Long An), Trường CĐ Y Dược Pasteur (tỉnh Yên Bái), Trường CĐ Công thương Việt Nam (tỉnh Thái Nguyên), Trường Cao đẳng Dược Hà Nội (tỉnh Hưng Yên), Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (tỉnh Hậu Giang)…

Chỉ tiêu từng nhóm ngành nghề, đào tạo mà Tổng cục GD nghề nghiệp giao cho các trường đều phải dựa trên ý kiến của UBND TP, Sở LĐ-TB&XH TPHCM (nhu cầu của địa phương) nên phần lớn số chỉ tiêu được giao hàng năm mỗi cơ sở rất nhỏ. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở này hiếm khi tương ứng với chỉ tiêu được giao. Đơn cử, Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur hay Trường CĐ Công thương Việt Nam, số sinh viên được tuyển sinh và đào tạo đông và cao hơn nhiều lần chỉ tiêu được phân bổ.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TPHCM cho rằng, chỉ tiêu được giao cho các trường rất ít. Bởi thực tế, số lượng trường cao đẳng TP đang có so với nhu cầu đào tạo nhân lực không đến nỗi quá thiếu hụt. 

“Hàng loạt trường cao đẳng tỉnh đổ bộ vào TPHCM mục đích là càn quét nguồn tuyển. Mục tiêu đào tạo nhu cầu nhân lực cho địa phương chỉ là cái vỏ. Thực tế nhìn vào chỉ tiêu khối ngành sức khỏe, y dược, chăm sóc sắc đẹp, kinh tế… có thể thấy số lượng học sinh một số đơn vị tuyển gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần chỉ tiêu được giao. 

Học phí rẻ, đào tạo nhanh chóng, dễ dãi là những điểm mạnh hút người học của những cơ sở này. Việc buông lỏng công tác hậu kiểm các cơ sở này gây nên sự hỗn loạn, khó khăn cho các trường tại địa phương, về lâu về dài là sự tổn hại vô cùng lớn cho xã hội khi cung vượt quá xa cầu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch của địa phương bị bung vỡ. Hậu quả người học sẽ là người gánh chịu, hệ thống an sinh xã hội, việc làm của TP phải căng mình giải quyết bài toán thất nghiệp gia tăng” - vị hiệu trưởng nói. 

Một cơ sở của trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam ở TPHCM tuyển sinh đợt 1 năm 2019 đến hơn 700 sinh viên.
Một cơ sở của trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam ở TPHCM tuyển sinh đợt 1 năm 2019 đến hơn 700 sinh viên.

Cần công cụ hậu kiểm và giám sát

Theo Nghị định 143 năm 2016 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ, để thành lập trường cao đẳng hay phân hiệu, phải có địa điểm xây dựng, cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu 50.000m2, vốn ít nhất 100 tỉ đồng. Trong lúc đó, một trường cao đẳng đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ cần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi mở điểm đào tạo mới với sự chấp thuận chủ trương từ UBND tỉnh, TP (Sở LĐ-TB&XH giữ vai trò giám sát), Tổng cục GD nghề nghiệp cấp phép là có thể tuyển sinh và đào tạo, mà không phải chuẩn bị vốn đầu tư, diện tích đất xây trường tối thiểu như việc thành lập phân hiệu. 

Mở trường ở TP khó bảo đảm yêu cầu về đất đai, vốn như mở ở tỉnh, nhưng TP lại là “thị trường” béo bở để đạt mục tiêu tuyển sinh, vì thế một số đơn vị đã “lách luật” bằng cách xin mở cơ sở đào tạo ở TP. Ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên Trưởng phòng GD nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng: Đây là kẽ hở cần phải sớm khắc phục. Bởi với cơ chế hậu kiểm yếu kém cùng sự đứt quãng trong quản lý như hiện nay, rất khó để kiểm soát được 100% hoạt động tuyển sinh và đào tạo của các trường tỉnh. 

“Để hạn chế những bất cập và hệ lụy, Tổng cục GD nghề nghiệp cần tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành Nghị định hay Thông tư về công tác này, giao quyền quản lý, kiểm soát chất lượng đào tạo, tuyển sinh, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cho UBND tỉnh, trực tiếp là Sở LĐ-TB&XH nơi cơ sở đào tạo trú đóng để bảo đảm chất lượng đào tạo” - ông Hiệp nói. 

Ông Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng nhìn nhận những bất cập trong việc cấp phép ồ ạt cho các cơ sở đào tạo ngoài địa phương đang dần hiện lộ. Nhưng xét một cách sòng phẳng, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về GD nghề nghiệp không phải là ngăn chặn mà chỉ đưa ra thể chế để có thể giám sát, kiểm tra. Vấn đề nằm ở địa phương, cụ thể là TPHCM. Nếu nhận thấy những bất hợp lý bắt đầu nảy sinh, UBND TPHCM, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cần có ý kiến đề xuất hướng xử lý lên cấp cao hơn nếu vượt thẩm quyền giải quyết
của mình. 

“Để siết và bảo đảm tính hiệu quả, chất lượng trong công tác đào tạo, TPHCM vẫn có thể làm được. Bởi có những vấn đề vượt thẩm quyền quản lý chuyên ngành nhưng lại có thể quản lý theo lãnh thổ. Những trường hợp khi thẩm định cảm thấy không ổn là kiên quyết không đồng ý. Điều này không chỉ giúp các cơ sở tại địa phương ổn định hoạt động, mà còn phần nào giám sát chất lượng đào tạo, bảo đảm quyền lợi người học”, ông Lâm Văn Quản nói.

Khu vực phía Nam có nguồn tuyển khá dồi dào. TPHCM hiện có khoảng 82.000 học sinh lớp 9, gần 75.000 học sinh lớp 12. Bà Rịa - Vũng Tàu có số học sinh lớp 9  hơn 14.000, lớp 12 là gần 11.500 em. Đồng Nai có học sinh lớp 12 khoảng 28.000, lớp 9 khoảng trên 23.000 em. Bình Dương có số học sinh lớp 9 là 16.000, học sinh lớp 12 là khoảng 11.500.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ