Trường tiên tiến tại TPHCM: Cần tiêu chí cụ thể

GD&TĐ - TPHCM có 40 trường từ mầm non đến THPT đang triển khai Đề án xây dựng mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8,TPHCM) điểm danh bằng thẻ học đường thông minh. Trường THCS Lý Thánh Tông hoạt động theo mô hình trường tiên tiến.
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8,TPHCM) điểm danh bằng thẻ học đường thông minh. Trường THCS Lý Thánh Tông hoạt động theo mô hình trường tiên tiến.

UBND TPHCM vừa giao Sở GD&ĐT TPHCM và các sở ban ngành liên quan khẩn trương tham mưu xây dựng quyết định có tính quy phạm pháp luật trong tháng 9 về tiêu chí trường tiên tiến. 

Báo cáo kết quả trước ngày 30/9

Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình trường tiên tiến đối với 40 trường đã được phê duyệt đề án, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM trước ngày 30/9. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính ổn định, quyền và lợi ích của học sinh, TPHCM cho phép các trường đang thực hiện mô hình này tiếp tục hoạt động cho đến khi ban hành quyết định mới, trong đó chấp nhận tạm thời điều chỉnh sĩ số của các trường tiên tiến không quá 35 học sinh/lớp.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM có đề xuất với Thường trực UBND TPHCM cho 40 trường tiên tiến tiếp tục kéo dài thời gian triển khai xây dựng mô hình, nhằm đảm bảo tính ổn định, quyền và lợi ích của học sinh. Cụ thể, sở đề xuất cho phép điều chỉnh tạm thời sĩ số học sinh/lớp của các trường đang thực hiện mô hình này. Mức điều chỉnh sĩ số không quá 35 học sinh/lớp (theo quy định là không quá 30 học sinh/lớp).

Việc điều chỉnh này nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng (trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh), phần nào giải quyết áp lực sắp xếp chỗ học cho học sinh của các địa phương, giúp trường có thêm kinh phí tổ chức hoạt động, trên cơ sở không tăng mức thu trên mỗi học sinh.

Tháng 5/2021, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội thảo tổng kết, lấy ý kiến Dự thảo quyết định về mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Theo nhận định của Sở GD&ĐT TPHCM, mục tiêu của mô hình trường tiên tiến là giúp học sinh có thêm hứng thú học tập, chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập, phát huy tối đa năng khiếu, phẩm chất, trau dồi các kỹ năng thực hành xã hội, tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại, công nghệ tiên tiến, trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế.

Vào năm 2005, mô hình này triển khai thí điểm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM). 10 năm sau khi triển khai thí điểm, TPHCM ban hành tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, chính thức để chuẩn hóa mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TPHCM”. Tháng 8/2015, TPHCM phê duyệt đề án xây dựng mô hình trường này tại 3 trường THPT là Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.

Hiện mức thu của mô hình trường tiên tiến bao gồm 3 khoản thu: Học phí (theo quy định hiện hành), khoản thu thỏa thuận để thực hiện mô hình trường tiên tiến (không quá 1,5 triệu đồng mỗi học sinh/tháng), các khoản thu thỏa thuận khác (bán trú, xe đưa đón…) phải thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của liên ngành Giáo dục và Tài chính.

Thầy Huỳnh Thanh Phú và học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.
Thầy Huỳnh Thanh Phú và học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.

Thu không đủ bù chi?

Hiện thành phố có 40 trường học các cấp triển khai dạy và học theo mô hình này. Nói về hiệu quả sau hơn 5 năm triển khai tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận10, TPHCM), thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng cho rằng: Sĩ số HS ít, thầy cô sẽ quan tâm học sinh dễ hơn. Đồng thời, những môn nghệ thuật, môn bổ trợ như Tiếng Anh với người nước ngoài, Yoga, môn nhiếp ảnh, âm nhạc truyền thống… được đưa vào giảng dạy giúp môi trường học trở nên năng động hơn.

“Thành quả học tập của học sinh tăng lên rất rõ trong các kỳ thi học sinh giỏi và thi Olympic. Đồng thời, năm nào HS cũng đậu tốt nghiệp THPT và ĐH gần như 100% và trên 80% vào các trường ĐH lớn tại TPHCM”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Tuy nhiên để làm được điều này, thầy Phú cho biết nhà trường cần nhiều đổi mới, trong đó có đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá học sinh, áp dụng công nghệ vào giảng dạy, cũng như tổ chức nhiều hoạt động sự kiện. Chính việc tổ chức các sự kiện này giúp học sinh trưởng thành, thích nghi, đồng thời cũng là hình thức hướng nghiệp cho HS.

Về khó khăn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Do chuyển từ trường bình thường sang mô hình này nên trang thiết bị chưa đồng bộ, hằng năm đầu tư cuốn chiếu. Trong khi đó, sau 3 năm cuốn chiếu thì cơ sở vật chất lại hư, thành thử phải cuốn chiếu liên tục.

“Hiện nay cơ sở vật chất của trường không như mong muốn. Mặt khác, mô hình này thu kinh phí quá thấp, trong khi đó phần trang trải cho con người, việc học chiếm tới 70%, thành thử nguồn kinh phí để dành cho bộ phận gián tiếp không đủ. Mức thu kinh phí của mô hình không đáp ứng đủ cho điều kiện của cơ sở vật chất để đảm bảo được cho cái được gọi là sự tiên tiến, hiện đại. Cần phải nâng mức phí của mô hình này để sự chọn lựa của phụ huynh xứng tầm với hoạt động của nhà trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng: Các trường triển khai mô hình tiên tiến đang gặp khó trong vấn đề tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, cơ sở vật chất qua nhiều năm sử dụng bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được thay thế và cải tạo.

Sĩ số học sinh/lớp ở một số đơn vị còn cao, vượt chuẩn so với quy định chung của trường tiên tiến là không quá 30 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học. Đặc biệt do điều kiện sinh sống của người dân, học sinh chủ yếu là con em công nhân làm thuê, làm mướn theo thời vụ nên việc xã hội hóa khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc chăm lo của các ban ngành cũng gặp nhiều khó khăn khi mật độ dân số tăng cơ học ở khu vực ngoại thành rất phức tạp…

“Nhìn chung, việc xây dựng mô hình trường học tiên tiến là chiến lược 10 - 15 năm của nhà trường. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện mô hình cần cho hiệu trưởng các trường có quyền chủ động trong việc tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên; tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để đơn vị nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục”, thầy Phạm Trung Hữu nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ