Trường học trong nước sẵn sàng đón du học sinh trở về học tập

Trường học trong nước sẵn sàng đón du học sinh trở về học tập

Tuần qua, các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ dẫn đầu đã tiếp tục làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT lưu ý chỉ đạo các trường phổ thông, ĐH sẵn sàng đón du học sinh về nước học tập.

Tạo điều kiện để du học sinh về nước học tập

Diễn biến của dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn rất phức tạp, nhiều gia đình có con em đang là du học sinh có nguyện vọng đang lo lắng thủ tục chuyển các em về nước tiếp tục học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, các trường đại học trong nước cần nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới.

Đối với học sinh phổ thông, PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT: Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh trong độ tuổi THCS, THPT ở nước ngoài về nước; con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều được học ở trường nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

"Thủ tục để chuyển trường từ nước ngoài về Việt Nam gồm đơn đề nghị của cha mẹ hoặc người đỡ đầu; hiệu trường nhà trường nơi tiếp nhận tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.", PGS. Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Thủ tục tiếp nhận học sinh từ nước ngoài về, phụ huynh có thể tham khảo tại chương 3, Quyết định số 51/2002 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường THCS và THPT.

Nếu gặp khó khăn khi làm thủ tục, phụ huynh cần liên hệ với Sở GD&ĐT sở tại đối với cấp THPT, các phòng GD&ĐT đối với cấp THCS theo phân cấp quản lý để được giải quyết.

Trường học trong nước sẵn sàng đón du học sinh trở về học tập ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Lương và phụ cấp của nhà giáo chưa có bất cứ thay đổi nào

Trước thông tin nhiều địa phương đã điều chỉnh thay đổi mức lương và phụ cấp của giáo viên từ 1/7/2010, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), khẳng định: Tại thời điểm này, lương và phụ cấp của nhà giáo chưa có bất cứ thay đổi nào.

Theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), chính sách tiền lương của giáo viên (GV) sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất, mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo. Theo chính sách mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định mới về chính sách tiền lương của nhà giáo thì cần có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các địa phương vẫn đang thực hiện theo quy định hiện hành trong khi chờ có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể. Trong đó, có các bảng lương mới theo vị trí việc làm (không còn sử dụng lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay).

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), khẳng định: "Tại thời điểm này, lương và phụ cấp của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chưa có bất cứ thay đổi nào. Vì vậy, các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà GV đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới".

Cụ trưởng Hoàng Đức Minh cũng cho biết: Đối với GV đang công tác, khi chuyển xếp vào bảng lương mới, hệ số lương vẫn được giữ nguyên theo nguyên tắc chuyển ngang bằng hoặc xếp vào bậc lương cao hơn liền kề (trong bảng lương mới) so với bậc lương nhà giáo đang hưởng; đồng thời sẽ được hưởng mức trần của hệ số lương cao hơn, phù hợp với trình độ đào tạo của GV.

Trường học trong nước sẵn sàng đón du học sinh trở về học tập ảnh 2
Ảnh minh hoạ.

Dự thảo về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận quy định mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong dự thảo lần 2 về Thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra có 5 biện pháp kỉ luật tích cực học sinh.

Theo dự thảo Thông tư, giáo viên thu thập các thông tin khách quan để xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm; để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm.

Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng 5  biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp với từng học sinh. Cụ thể:

- Khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm;

- Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm.

- Tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.

- Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện, theo nội quy của nhà trường như:  Hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa.

Tìm hiểu tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh. Từ đó, các em trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và rút ra bài học cho bản thân.

Tự khắc phục hậu quả do vi phạm của học sinh gây ra hoặc khắc phục hậu quả với sự giúp đỡ của bạn bè, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh.

- Các biện pháp giáo dục khác phù hợp với mục đích, nguyên tắc kỉ luật học sinh.

Bộ GD&ĐT tiếp tục đón nhận các ý kiến góp ý bổ sung từ các cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên gia và đông đảo dư luận xã hội về các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh sao cho phù hợp nhất, đáp ứng yêu cầu của công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.