Triển khai Chương trình GDPT mới với… lớp ghép

GD&TĐ - Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, các địa phương đang gấp rút tập huấn, bồi dưỡng GV, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng nhà trường. Riêng với tỉnh Sơn La, việc chuẩn bị này còn thêm cả những nội dung rất bất ngờ, như: Triển khai chương trình mới với… lớp ghép; hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS vùng sâu, vùng xa…

Triển khai Chương trình GDPT mới với… lớp ghép

Dạy chương trình mới với… lớp ghép

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt với cấp tiểu học, khó khăn lớn nhất khi triển khai Chương trình GDPT mới là điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm yêu cầu tối thiểu cho dạy học. Đáng mừng là đội ngũ GV Sơn La đã sẵn sàng tâm thế. Trước mắt, các GV được chỉ đạo phải khắc phục bằng được tâm lý tự ti, rụt rè của HS dân tộc, giúp các em tham gia nhiều hoạt động trong Chương trình GDPT mới.

Sở GD&ĐT Sơn La đang tăng cường dạy tiếng Việt cho HS mẫu giáo 5 tuổi. Khi các cháu vào lớp 1, các thầy cô chú trọng dạy cho HS nói thạo, viết giỏi tiếng Việt, từ đó mới có thể học tốt các môn học khác. Hiện, tiếng Việt giống như một ngoại ngữ của các cháu. Một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT kể: “Có hôm tôi đến Trường Mầm non xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên), nơi 100% đồng bào dân tộc Mông, vừa vào trường, một số cháu khoanh tay chào rất to. Hỏi con bao nhiêu tuổi, học lớp nào… các cháu đều mạnh dạn trả lời. Nhưng vẫn có những cháu khi vừa chớm hỏi là bỏ chạy luôn. Có những cháu hỏi gì cũng làm thinh, coi như không nghe thấy… Để thấy cần phải nỗ lực hơn nữa dạy các cháu nói tiếng Việt, và công việc này không thể ngày một, ngày hai được, đòi hỏi cả một quá trình”.

Điểm trường lẻ ở Sơn La cũng gây khó khăn khi triển khai Chương trình GDPT mới. Địa hình đồi núi, giữa bản này với bản kia bà con “đo” cách nhau một con dao quăng thôi mà đi cả buổi không đến, cha mẹ còn làm nương, làm ruộng nên không phải ngày nào cũng đưa con đi học được.

Chính vì vậy, lãnh đạo ngành GD Sơn La đã chuẩn bị tinh thần cho các GV dạy lớp ghép theo chương trình mới. Nhưng để hạn chế tối đa các lớp học kiểu này, ngành GD Sơn La lên kế hoạch vận động HS ở lớp ghép sĩ số ít ra điểm trường trung tâm, có các thầy cô chăm nom, nuôi dưỡng hàng ngày. Theo lãnh đạo Sở, nếu để điểm trường lẻ, lớp ghép, việc triển khai Chương trình GDPT mới sẽ khó thành công.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Trải nghiệm sáng tạo ở vùng sâu, vùng xa

Chương trình GDPT mới nhấn mạnh đến hoạt động trải nghiệm sáng tạo của HS. Với các thành phố lớn, việc tổ chức hoạt động này có nhiều thuận lợi: Địa điểm phong phú, đủ điều kiện cơ sở vật chất, từ việc đơn giản như đo sân trường rộng bao nhiêu m2, trồng cây hoa…

Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa lại cần tính toán việc tổ chức cho hợp lý với điều kiện thực tiễn của địa phương. Sở GD&ĐT Sơn La đã có những “kịch bản” cụ thể cho việc này. Ví dụ, ở xã A bà con trồng cây ăn quả theo chủ trương chung của tỉnh. Vậy, hoạt động trải nghiệm của các cháu sẽ theo hướng trồng cây ăn quả trên đất dốc là những việc gì, sản phẩm như thế nào, cách làm như thế nào để có sản phẩm tốt.

Hay ở địa phương làm nương và còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc trải nghiệm sáng tạo sẽ giúp cho HS hiểu được dùng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách có hại như thế nào, cách sử dụng an toàn, từ đó HS tuyên truyền với gia đình, người thân để đảm bảo sức khỏe của gia đình, đảm bảo an toàn cho môi trường, bảo vệ cuộc sống của cộng đồng… Đây là những hoạt động trải nghiệm sáng tạo thiết thực, gần gũi với đời sống HS, đưa các kiến thức vào bài học một cách tự nhiên, dễ hiểu.

Biên soạn tài liệu địa phương

Một nhiệm vụ đang được Sơn La thực hiện là phối hợp để triển khai biên soạn tài liệu địa phương – nội dung chiếm thời lượng 30% trong Chương trình mới. Việc biên soạn nhận được sự hỗ trợ từ Dự án THCS vùng khó khăn nhất của Bộ GD&ĐT. Cũng giống như các địa phương khác, GD địa phương Sơn La sẽ là lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội, để làm sao HS Sơn La biết được tỉnh mình có những huyện nào, thế mạnh của mỗi huyện ra sao…

Ngành GD Sơn La đặt nhiệm vụ phải xác định được mục tiêu của GD địa phương trong mục tiêu chung tổng thể của GD quốc gia. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình GDPT mới, thành lập Ban Chỉ đạo. Nội dung này sẽ được báo cáo với Bộ GD&ĐT trong tháng 6/2019. Trước mắt, Sở tập trung xây dựng đội ngũ cốt cán cho khối lớp 1 để chuẩn bị cho tập huấn năm học 2010 – 2021. Dần dần như vậy sẽ “cuốn chiếu” theo lộ trình đổi mới.

Hiện, việc quan trọng nhất với ngành GD Sơn La chính là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ CBQL, GV, những cán bộ, GV nào không thể đổi mới được thì phải tự rút lui. Sở sẽ tổ chức, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp trên cơ sở bảo đảm số lượng HS/lớp; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho HS trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới, bởi vì hoạt động sáng tạo của HS trong Chương trình mới là rất lớn. “Nếu không tổ chức dược hoạt động này, việc dạy – học theo Chương trình, SGK mới sẽ thất bại. Chúng tôi xác định phải làm tốt ngay từ năm đầu tiên với lớp 1, tạo tiền đề cho các lớp học tiếp theo”, vị lãnh đạo ngành GD Sơn La nhấn mạnh.

Sở GD&ĐT Sơn La đã rà soát báo cáo thống kê về cán bộ, GV trên cơ sở thực hiện đề án tinh giản và sắp xếp lại. Thời gian tới, Sơn La sẽ sắp xếp lại đội ngũ theo hướng giảm số CBQL, giảm điểm trường lẻ, giảm số GV đứng lớp ở các điểm trường lẻ… Theo quy luật, số HS tăng thì GV phải tăng theo tỷ lệ thuận, ngành GD Sơn La vẫn tiếp tục đề nghị Trung ương bổ sung thêm GV cho GD vùng đặc biệt khó khăn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ