Tránh thế "việt vị" từ xét tuyển sớm

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022. Tuy nhiên, trước đó nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT.

Lựa chọn nguyện vọng và cân nhắc khi quyết định hình thực xét tuyển là điều thí sinh cần được tư vấn kỹ thông tin. Ảnh minh họa
Lựa chọn nguyện vọng và cân nhắc khi quyết định hình thực xét tuyển là điều thí sinh cần được tư vấn kỹ thông tin. Ảnh minh họa

Thực tế này khiến nhiều người đặt vấn đề: Liệu các trường có “việt vị”?

Vừa làm, vừa nghe ngóng

Theo thông báo, từ ngày 1/1 - 1/5 Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận hồ sơ học bạ THPT của thí sinh để xét tuyển. Dự kiến ban đầu, ngày 20/5 trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển của thí sinh. Tuy nhiên, do chưa có Quy chế tuyển sinh đại học nên nhà trường gia hạn nhận hồ sơ đến ngày 30/5. Do đó, nhà trường chưa tiến hành xét, công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển như những năm trước.

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho biết: Năm nay, Học viện tuyển sinh 11 ngành đào tạo với 1.200 chỉ tiêu. Thời gian xét tuyển được chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ 15/4 - 20/5. Đợt 2 xét tuyển từ tháng 6 và đợt 3 xét tuyển theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển nên Học viện chưa thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu tiên. “Để không rơi vào thế “việt vị”, chúng tôi vừa làm, vừa nghe ngóng và chờ Quy chế tuyển sinh chính thức của Bộ ban hành” - PGS.TS Trần Quang Tiến trao đổi.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - cho hay, đây là năm đầu tiên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, việc xác định mức điểm sàn để nhận hồ sơ vẫn chưa chính xác. Có thể nhà trường sẽ giảm mức điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội khi nhận hồ sơ (mức công bố trong đề án tuyển sinh là 100 điểm) do thực tế mức điểm trong các đợt thi của thí sinh không cao như dự đoán.

Thực tế cho thấy, thời điểm này công tác tuyển sinh của các trường đại học đã nhộn nhịp. Có trường thu nhận hơn 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Nhiều em nộp hồ sơ học bạ THPT để xét tuyển và mong sớm có được “tấm vé” vào đại học. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa hiểu tường minh về xét tuyển sớm và cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022 do Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức, em Nguyễn Hồng Minh, học sinh lớp 12, băn khoăn: Giả sử em đăng ký vào Học viện Tài chính bằng phương thức tuyển sinh riêng. Nếu em được thông báo trúng tuyển thì có được nhập học sớm không. Hồng Minh lo sợ, khi hệ thống chạy lọc ảo sẽ cho ra kết quả trúng tuyển vào ngành khác của trường khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: Nếu thí sinh đã xác định được ngành mình yêu thích nhất và đặt nó ở vị trí số 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thì khi đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng này, chắc chắn thí sinh được tuyển vào ngành yêu thích và không có chuyện trúng tuyển sang ngành học khác.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Có được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm?

Liên quan đến xét tuyển sớm và nhập học sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi: Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được Bộ GD&ĐT công bố và xin ý kiến rộng rãi trước khi chính thức ban hành. Theo dự thảo Quy chế, các trường được phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh và được tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm.

Theo đó, cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Các trường thực hiện quy trình xét tuyển cho thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với những thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Theo đó, với những trường hợp đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (ùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

TS Nguyễn Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - trao đổi: Luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến “việt vị” trong tuyển sinh, bởi nhiều trường nôn nóng sớm có thí sinh “trong tay”.

Để không rơi vào thế “việt vị”, TS Nguyễn Viết Khuyến khuyến nghị: Điều kiện tiên quyết là các trường cần thực hiện đúng quy định, bám sát Quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến một số điều chỉnh trong công tác tuyển sinh; trong đó có thực hiện lọc ảo chung các phương thức xét tuyển. Vì thế, dù nhà trường có thông báo sớm danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thì vẫn phải tải danh sách này lên hệ thống của Bộ để tiến hành lọc ảo. Ngoài ra, yếu tố có tính chất quyết định vẫn là, thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trường hợp thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, các em có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...