Tổng LĐLĐ Việt Nam phủ nhận yêu cầu Trường ĐH Tôn Đức Thắng trích nộp 30%

Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam
Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam

Nhầm lẫn kiến nghị của đoàn kiểm tra với quyết định của Tổng Liên đoàn

- Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói Tổng LĐLĐ yêu cầu nhà trường phải trích nộp 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường, nhưng Tổng Liên đoàn lại phủ nhận. Vậy thực hư việc này thế nào, mong ông nói rõ?

Đến bây giờ, tôi khẳng định là Tổng liên đoàn không có bất cứ yêu cầu hoặc văn bản nào buộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải trích 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường.

Hiện nay, một số báo nói Tổng Liên đoàn đã có 3 văn bản buộc nhà trường phải nộp. Điều này không đúng. Chỉ có trước đây, khi đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường thì trường không đồng ý cho đoàn vào kiểm tra. Nhà trường cho rằng, thực hiện cơ chế tự chủ, trường chỉ báo cáo kết quả hoạt động cũng như hoạt động tài chính về Tổng Liên đoàn, chứ Tổng Liên đoàn không có thẩm quyền kiểm tra.

Trong khi đó, chúng tôi có văn bản trích dẫn, cụ thể như theo quy định tại Luật Công đoàn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng trực thuộc Tổng Liên đoàn thì Tổng Liên đoàn có thể kiểm tra. Bên cạnh đó, quy chế của nhà trường cũng đều ghi Tổng Liên đoàn có quyền kiểm tra, kiểm soát tài chính tài sản.

Trước những trích dẫn cụ thể như vậy, Trường ĐH Tôn Đức Thắng mới đồng ý cho Tổng Liên đoàn kiểm tra tài chính tài sản.

Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra có kiến nghị: “Theo quy định số 1684/QĐ-TLĐ ngày 17/11/2006 của Tổng Liên đoàn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn thì: “Đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”. Tuy nhiên, năm 2015 và 2016, nhà trường không gửi dự toán để Tổng Liên đoàn phê duyệt, vì vậy, Tổng Liên đoàn chưa giao tỷ lệ trích nộp và thực tế nhà trường chưa thực hiện nộp nghĩa vụ với Tổng Liên đoàn”.

Năm 2017, Tổng Liên đoàn đã phê duyệt báo cáo quyết toán năm 2016 và dự toán thu, chi năm 2017 cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng, trong dự toán được duyệt chưa thể hiện phần nghĩa vụ của trường phải nộp cho Tổng Liên đoàn.

Sau khi đoàn kiểm tra xin ý kiến thì Thường trực Đoàn Chủ tịch và Đoàn Chủ tịch chưa đồng ý vì cho rằng: ngoài quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trường còn hoạt động theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, có thể khẳng định đến giờ phút này Tổng Liên đoàn chưa có bất cứ văn bản yêu cầu Trường ĐH Tôn Đức Thắng nộp một đồng nào.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Trường ĐH Tôn Đức Thắng 

Tổng Liên đoàn đóng góp thế nào với sự phát triển của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

- Ngoài chuyện trích nộp 30%, ông nghĩ sao về việc Tổng Liên đoàn bị phủ nhận vai trò, đóng góp của mình đối với sự phát triển của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tiền thân là trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh sáng lập, được thành lập theo Quyết định số 787/TTg ngày 24/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 18/2003/QĐ-TTg ngày 28/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục được chuyển thành trường ĐH công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và của Thành phố trong những năm đầu đổi mới. Khi thành lập là trường là loại hình dân lập, sau đổi sang loại hình bán công và hiện nay chuyển thành trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3000 tỉ đồng và trên 100 ha đất và bộ máy và nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức Công đoàn.

Trong những năm qua, nhất là sau khi Trường chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, phát huy tính sáng tạo, tự chủ của Nhà trường để Trường ngày càng phát triển. Cụ thể, ngay từ khi mới tiếp nhận Trường, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã cùng trao đổi thống nhất với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường cho phép trường được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, phân cấp triệt để, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Trường trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, từ năm 2015 Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Theo đó, Nhà trường được thí điểm cơ chế tự chủ một cách toàn diện. Cụ thể là:

Về tổ chức bộ máy Trường được quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc thông qua quy chế tổ chức và hoạt động; quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc Trường nhằm phát huy hiệu quả của bộ máy.

Về nhân sự Trường được tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài tuổi lao động (còn năng lực làm việc) căn cứ vào đề án vị trí việc làm, sau khi được Hội đồng trường thông qua; quyết định tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, bố trí công tác, thuyên chuyển công tác, cho thôi và thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Bộ luật Lao động và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để đảm bảo đủ nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng của trường.

Về đầu tư, Trường được chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển; được sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của trường để liên doanh, liên kết, góp vốn thực hiện các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ….

Về công tác quản lý cán bộ, theo phân cấp của Trung ương, các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường thuộc diện Đảng đoàn Tổng Liên đoàn quản lý và do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ nhiệm.

Có thể nói, về quan điểm của Tổng Liên đoàn cũng như cá nhân tôi vẫn đánh giá nỗ lực của các thế hệ thầy trò Trường ĐH Tôn Đức Thắng; trong đó có cả đóng góp của đội ngũ lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng như Tổng Liên đoàn. Từ khi trường trực thuộc Liên đoàn Lao động TP HCM thì Chủ tịch Hội đồng trường luôn là Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM; khi về trực thuộc Tổng Liên đoàn thì Chủ tịch Hội đồng trường là Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Từ đó đã góp phần tạo uy tín, vị thế cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong xã hội. Ngoài ra, với tổ chức công đoàn, khi người đứng đầu của tổ chức công đoàn là Chủ chủ tịch Hội đồng trường thì các chỉ đạo, tham gia, đóng góp của tổ chức công đoàn cho trường rất lớn.

Nói cụ thể thêm, nếu Trường ĐH Tôn Đức Thắng không thuộc Tổng Liên đoàn thì liệu UBND TP.HCM có cấp đất cũng như tài sản trên đất cho nhà trường ở 2 cơ sở ban đầu là 198 Ngô Tất Tố và cơ sở tại phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM - thời điểm đó, nguyên giá tài sản là 81 tỷ đồng - số tiền rất lớn?

Tổng Liên đoàn cũng kiến nghị Chính phủ cấp khoảng 62 tỷ đồng cho nhà trường xây khối nhà ở cho sinh viên; Nhà nước cũng cho trường vay gói kích cầu hơn 120 tỷ đồng; tổ chức công đoàn cho vay không lãi trên 180 tỷ đồng. Rõ ràng, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của tổ chức công đoàn với Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Có thể nói, Tổng Liên đoàn luôn tạo điều kiện và tiếp tục tạo điều kiện để Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo ĐH để phát huy tự chủ theo đúng đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.

Trước nhu cầu bức xúc về đời sống vật chất, tinh thần, nhất là nhà ở, văn hóa, nơi giữ trẻ cho công nhân ở khu chế xuất, khu công nghiệp, Thủ tướng đã phê duyệt thiết chế công đoàn. Thiết chế công đoàn thực hiện 2 năm vừa rồi là tiết kiệm của cả hệ thống tổ chức công đoàn từ cơ sở đến Tổng Liên đoàn 10% chi hành chính, chi phong trào để xây dựng. Hoàn toàn không có chuyện Tổng Liên đoàn đòi Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải nộp 30% này để cho xây dựng thiết chế công đoàn. Đây chỉ là những suy diễn từ phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Ông Phan Văn Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.