Lý giải ĐH Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng THE

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo TS Nghiêm Xuân Huy, theo nguyên tắc của các bảng xếp hạng là muốn được xếp hạng thì các trường ĐH phải gửi dữ liệu; nếu trường ĐH không gửi dữ liệu thì không xếp hạng. Có thể các trường sau khi phân tích, đối sánh, thấy sự chuẩn bị chưa sẵn sàng nên chưa tham gia.

Do đó, việc được xếp hạng hay không còn phụ thuộc vào việc trường ĐH có tham gia vào bảng xếp hạng đó hay không; không nên quy kết do mình yếu mà không được xếp hạng, hoặc đánh đồng việc không có trong bảng xếp hạng với không có chất lượng.

“Với xếp hạng ĐH Châu Á, đợt gửi dữ liệu khá sớm nên các trường chưa kịp chuẩn bị, vì năm tài chính của mình đến tận tháng 12” – TS Nghiêm Xuân Huy cho hay.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng, thực tế, việc tham gia vào bảng xếp hạng của THE sẽ khó hơn và sự phù hợp với các trường ĐH Việt Nam chưa như bảng xếp hạng QS.

Nguyên nhân chính là, trong các tiêu chí xếp hạng của THE, thì tiêu chí về mức độ thu nhập của trường ĐH chiếm tổng trọng số đến 17,5% thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu, từ chuyển giao công nghệ. Đây là một điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam hiện nay.

Nói cụ thể hơn điều này, theo TS Nghiêm Xuân Huy, việc thống kê tài chính tại các trường đại học của Việt Nam cần có thời gian và không dễ triển khai như các trường ĐH nước ngoài. Thêm nữa, hoạt động của các trường ĐH công lập của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước nên thu nhập từ doanh nghiệp, xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ là chưa cao. Vai trò của các GS, PGS trong việc thu hút đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp xã hội cho các hoạt động nghiên cứu của trường ĐH tại Việt Nam cũng rất thấp.

TS Nghiêm Xuân Huy cho rằng, hiện nay, chúng ta đang thực hiện nâng cao tự chủ của các trường ĐH. Nếu triển khai hiệu quả điều này; các trường chủ động huy động nguồn lực, định mức lao động trả thù lao cho các nhà khoa học hàng đầu; như vậy mới cạnh tranh được trong bảng xếp hạng THE.

Nhân chuyên này, TS Nghiêm Xuân Huy cũng cho rằng, các trường không nhất thiết phải tham gia các bảng xếp hạng, vì mỗi bảng xếp hạng có một yêu cầu và tiêu chí riêng, có luật chơi riêng. Nếu tham gia các bảng xếp hạng, chạy theo các tiêu chí sẽ có thể dẫn tới mất định hướng phát triển. Do đó, việc nên lựa chọn tham gia bảng xếp hạng nào cũng cần lưu ý.

Trước đó, năm 2018, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường ĐH hàng đầu Châu Á. Theo đó, Việt Nam có thêm 1 trường ĐH lọt vào top 500 Châu Á, nâng số lượng trường của Việt Nam lọt top này lên 7 trường.

7 trường ĐH Việt Nam lọt top 505 ĐH hàng đầu Châu Á theo xếp hạng QS gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

Cũng năm 2018, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM là 2 cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của Việt Nam lọt top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ