100% giáo viên lớp 1 sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - 100% đội ngũ giáo viên đã hoàn thành bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên hệ thống trực tuyến LMS của Bộ GD&ĐT.

Giáo viên cốt cán tỉnh Phú Yên tham gia khoá bồi dưỡng giáo viên cốt cán nhằm thực hiện Chương trình GDPT mới. Ảnh: IT
Giáo viên cốt cán tỉnh Phú Yên tham gia khoá bồi dưỡng giáo viên cốt cán nhằm thực hiện Chương trình GDPT mới. Ảnh: IT

Nhiều ưu thế 

Không mất thời gian, công sức đi lại, có thể học mọi lúc mọi nơi, được tiếp cận với các nguồn học liệu mở phong phú để bổ sung kiến thức thường xuyên, liên tục và tại chỗ…, đó là một số trong nhiều lợi ích của hoạt động bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Hoạt động này triển khai trên hệ thống LMS, được ứng dụng trong Khuôn khổ Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (ETEP).

Từng trải nghiệm các hình thức bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến, cô Đoàn Thị Minh Lài, Trường Tiểu học Thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) nhận định: Việc tự học, bồi dưỡng qua mạng có rất nhiều ưu thế. Giáo chủ động thời gian nên có thể tự học ở nhà mà không phải đi lại, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa bảo đảm an toàn nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp. Người học có thể học bất kỳ thời gian nào. Học liệu khá đa dạng với tài liệu đọc, infographic, video, nêu được đầy đủ vấn đề cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hệ thống câu hỏi và cách kiểm tra đánh giá đều rất tốt.

“Chúng tôi có thể học đi học lại nhiều lần để vận dụng thuần thục trong giảng dạy. Trong quá trình tự học, nếu có vướng mắc, chúng tôi cùng trao đổi qua mạng, qua nhóm zalo, viber, gửi cho nhau những thắc mắc để người biết rồi giải đáp cho người chưa biết. Ở thời đại 4.0, tôi cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào bồi dưỡng trực tuyến trên Hệ thống LMS của Bộ GD&ĐT là một hình thức rất ưu việt. Tất nhiên, sau khi học trực tuyến, qua mạng, chúng tôi có buổi sinh hoạt chuyên môn trực tiếp để trao đổi, giải đáp thắc mắc. Kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trong bồi dưỡng giáo viên là mô hình phù hợp  với chúng tôi” – cô Đoàn Thị Minh Lài chia sẻ.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP, mọi hoạt động học trên hệ thống đều được ghi nhận lại: Biết  mỗi giáo viên vào hệ thống mỗi ngày trung bình bao nhiêu phút và bao nhiêu lượt vào; đọc bao nhiêu trang tài liệu; tương tác với đội ngũ cốt cán tại địa phương và giảng viên các trường đại học sư phạm ra sao; thực hiện  bài tập và bài kiểm tra chất lượng như thế nào… Từ đó, có thể quản lý thông tin về quá trình học tập một cách  chặt chẽ, khoa học, minh bạch.

“Khi học các mô đun trên Hệ thống LMS, thầy cô sẽ được bồi dưỡng theo nhu cầu cá nhân để phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và các chuẩn nghề nghiệp. Mọi thắc mắc, khó khăn gặp phải, thầy cô đều được tương tác để nhận giải đáp từ đội ngũ cốt cán tại địa phương và giảng viên các trường đại học sư phạm. Chưa kể, khi học trên hệ thống, thầy cô đồng thời tham gia vào cộng đồng học tập của các nhà giáo, để cùng chia sẻ kiến thức, phương pháp và những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn… Đây là điều mà các chương trình tập huấn khác không có được” - PGS Đặng Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Giáo viên có nhiều cách để tiếp cận các chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên có nhiều cách để tiếp cận các chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT.

100% giáo viên dạy lớp 1  được bồi dưỡng

Mô hình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT của Bộ GD&ĐT thông qua Chương trình ETEP được thiết kế kết hợp giữa hình thức học trực tuyến và trực tiếp. Theo công thức 5 – 3 - 7, với mỗi mô đun học, các giáo viên, cán bộ quản lý có tối thiểu có 5 ngày tự học, nghiên cứu tài liệu trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, hoàn thành bài kiểm tra, đánh giá. Sau đó, thầy cô sẽ được các giáo viên phổ thông cốt cán hỗ trợ thông qua sinh hoạt chuyên môn trực tiếp tại nhà trường hoặc cụm trường. Trong thời gian này, các giảng viên sư phạm chủ chốt của 7 trường đại học sư phạm sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục sẽ hỗ trợ thầy cô qua mạng. Sau khi hoàn thành  nhiệm vụ học tập, thầy cô sẽ được công nhận hoàn thành mô đun. 

TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Đây là mô hình bồi dưỡng mới, lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT áp dụng trong bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Đến nay, có hơn 500.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được cấp tài khoản; 130.000 thầy cô đã hoàn thành mô đun 1 về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên hệ thống trực tuyến LMS của Bộ GD&ĐT. Riêng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021, hầu hết đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1. 

Không chỉ thể hiện ở con số, tinh thần tự học, nâng cao trình độ của các giáo viên, cán bộ quản lý cũng thể hiện rõ trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. “Có ngày, dù nửa đêm vẫn ghi nhận hơn 500 thầy cô đang học trên hệ thống LMS. Hoặc chỉ trong ngày 6/8, hệ thống ghi nhận thêm 7.000 người đăng ký học mới. Một số địa phương, trong đó có vùng khó khăn đã cán đích 100% giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng mô-đun đầu tiên. Điều này thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ với mô hình bồi dưỡng mới” – TS Đặng Văn Huấn chia sẻ.

Mặc dù, kết quả đạt được đáng khích lệ, nhưng Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cũng cho biết: Một số tỉnh/thành gặp khó khăn trong triển khai, trong đó có vấn đề bổ sung kinh phí cho hoạt động dưỡng đại trà năm 2020.

“Chúng tôi đã trình Bộ GD&ĐT kế hoạch bồi dưỡng năm 2021 để các sở GD&ĐT kịp trình UBND tỉnh kế hoạch và dự kiến ngân sách năm 2021 cho hoạt động bồi dưỡng đại trà. Chúng tôi sẽ nỗ lực để năm 2021, 100% giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT của 63 tỉnh thành có thể tham gia học trên hệ thống LMS của chương trình” – TS Đặng Văn Huấn thông tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ