Thừa Thiên Huế: Trên 26.000 HS thiệt hại sách vở, đồ dùng học tập vì mưa lũ

GD&TĐ - Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế thông tin, toàn tỉnh có 26.051 học sinh bị ướt, hư hỏng sách vở, đồ dùng học tập do mưa lũ, ước thiệt hại là trên 8,8 tỷ đồng.

Thầy cô Thừa Thiên Huế phơi sách vở sau mưa lũ.
Thầy cô Thừa Thiên Huế phơi sách vở sau mưa lũ.

Ngoài ra, qua đợt mua lũ vừa qua, thiệt hại lũ lụt ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế lê tới trên 72 tỷ đồng.

Qua thực tế nắm tình hình thiệt hại tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo sở GD&ĐT đề nghị trên cơ sở các nguồn cứu trợ (từ Sở GD&ĐT giới thiệu, hoặc từ chính quyền địa phương), tập trung trang bị các thiết bị thiết yếu: chăn, gối, áo quần, tư trang vệ sinh cá nhân, sách vở, vệ sinh nước uống, bảo đảm an toàn sức khỏe khi tổ chức bán trú cũng như học tập cho học sinh tại trường.

Lưu ý, đề xuất các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội chủ yếu tập trung hỗ trợ thiết thực các điều kiện thiết yếu nhất để đủ sách, vở, áo quần và dụng cụ học tập cho học sinh (không phân biệt loại hình trường trong phân bổ hỗ trợ và tiếp nhận). Những hạng mục sửa chữa chưa mang tính cấp thiết thì có kế hoạch đưa vào kế hoạch sửa chữa trong năm để tránh phân tán nguồn lực.

Đồng thời, với việc tổng hợp thống kê thiệt hại theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT chủ động khẩn trương tham mưu lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, soát xét bố trí kinh phí từ các nguồn cứu trợ lũ lụt và nguồn địa phương để mua sắm những vận dụng, dụng cụ học tập thiết yếu, cấp bách như sách vở học sinh,… do bị hư hỏng để kịp thời hỗ trợ học sinh.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT phân bổ và chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm phân bổ cũng như mua sắm thiết thực, đúng mục đích và phát huy tốt hiệu quả sử dụng.

Trước đó, sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cũng có văn bản triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9; theo đó, học sinh toàn tỉnh được nghỉ học chiều 27/10/2020 và ngày 28/10/2020.

Các nhà trường cần duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo, lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức trực 24/24 giờ tại đơn vị, trường học để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong bão lũ. Tiến hành triển khai ngay việc chằng chống các công trình trường lớp; khẩn trương di chuyển tài liệu, sách vở, máy móc, thiết bị dạy học... đến vị trí cao ráo an toàn; đặc biệt, các công trình, cơ sở giáo dục thuộc các vùng đã bị ảnh hưởng do bão lũ trong thời gian qua và các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Không rời vị trí trực và ra khỏi nhà trong lúc bão. Hoãn tất cả các cuộc họp, hội nghị không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão lũ cho đến khi bão tan...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ