ThS Phạm Duy Phúc: “Chương trình đào tạo báo chí luôn cập nhật để thích ứng” 

GD&TĐ - Đằng sau các tờ báo luôn có cộng tác viên là sinh viên ngành báo chí. Để phù hợp với xu thế phát triển, Chương trình đào tạo (CTĐT) chuyên ngành báo chí ở các trường ĐH hiện nay có sự thay đổi như thế nào?

Sinh viên Khoa BC&TT Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TPHCM tham gia một hoạt động tác nghiệp báo chí. Ảnh: IT.
Sinh viên Khoa BC&TT Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TPHCM tham gia một hoạt động tác nghiệp báo chí. Ảnh: IT.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với ThS Phạm Duy Phúc - Phó Trưởng Khoa Báo chí & Truyền thông (BC&TT), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM.

ThS Phạm Duy Phúc phát biểu tại một sự kiện về báo chí. Ảnh: IT.

ThS Phạm Duy Phúc phát biểu tại một sự kiện về báo chí. Ảnh: IT.

   - Những năm gần đây cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, mạng xã hội, lĩnh vực báo chí chịu không ít thách thức. Vậy CTĐT báo chí của nhà trường có những điều chỉnh thế nào để phù hợp với xu thế hiện đại?

   - Công nghệ truyền thông hiện nay đặt ra cho những người làm báo cả cơ hội để học hỏi, thử nghiệm, phát triển những năng lực mới mẻ lẫn những thách thức để tìm ra một phong cách tác nghiệp, một lối tường thuật tin tức mới chinh phục những công chúng mới.

Chương trình đào tạo (CTĐT) báo chí của Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TPHCM cũng liên tục được rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo định kỳ 2 năm/lần từ hơn mười năm qua để người học có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường nghề nghiệp vốn dĩ nhiều sáng tạo và thay đổi liên tục của báo chí truyền thông.

Quá trình rà soát, điều chỉnh đó luôn dựa trên yêu cầu phải duy trì, đảm bảo các nguyên tắc, giá trị cốt lõi cũng như khối kiến thức và kỹ năng nền tảng của nghề báo. Bên cạnh đó là việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng của những xu hướng mới theo hai hướng: cập nhật, bổ sung kiến thức trong nội dung các môn học căn bản, nền tảng bắt buộc của khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chyên ngành; hoặc tổ chức thành các môn học, chuyên đề mới hoàn toàn trong khối kiến thức, kỹ năng tự chọn mang tính bổ trợ, định hướng cho người học.

Chỉ cần đối sánh chương trình đào tạo của Khoa BC&TT trong 5-6 năm trở lại đây có thể thấy rõ sự khác biệt của quá trình cập nhật, thích ứng đó.

Nếu CTĐT từ năm 2016 trở về trước hướng đến tạo ra nguồn nhân lực cho môi trường báo chí đơn lập với tính phân hóa và chuyên môn hóa sâu sắc, người làm báo tư duy, tác nghiệp chuyên biệt phù hợp với từng loại hình báo chí cụ thể như báo in hay phát thanh, truyền hình với các tòa soạn riêng biệt thì từ năm 2017 đến nay, chương trình đào tạo đã khác.

Sinh viên chuyên ngành báo chí đang được đào tạo năng lực truyền thông đa phương tiện để có thể làm việc trong các tòa soạn, cơ quan báo chí tích hợp, hội tụ. Một sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí hiện tại không chỉ có năng lực hiểu sâu, viết và biên tập tốt về đối tượng mà còn có biết xử lý âm thanh, đồ họa, hình ảnh, viết kịch bản, đạo diễn và tự trình bày thể hiện sản phẩm của mình. Hay nói cách khác, chương trình đào tạo báo chí đang nhằm tạo ra những người làm báo có năng lực 4 trong 1: sản xuất tin bài cho cả báo in, báo trực tuyến hay phát thanh, truyền hình.

   -Kinh tế và chất lượng báo chí cũng luôn là 2 vấn đề song hành mà các tờ báo luôn phải đối diện và cân bằng. Sinh viên báo chí của trường được giảng dạy thế nào về đạo đức và kinh tế báo chí? 

   - Câu hỏi này có một số thuật ngữ cần làm rõ và thống nhất cách hiểu.

Nếu xem kinh tế là các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, thương mại… thì giữa kinh tế và báo chí luôn có mối quan hệ mật thiết và hiển nhiên.

Thông tin báo chí giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Hoạt động kinh tế sôi động lại càng thúc đẩy nhu cầu thông tin về việc kinh doanh, tài chính… kéo theo sự phát triển của báo chí để đáp ứng những đòi hỏi của phát triển kinh tế.

Đó là mối quan hệ tương hỗ, hai chiều chứ không phải là hai vấn đề độc lập, song hành mà báo chí phải đối diện, cân bằng gì cả.

Nhưng nếu vấn đề đặt ra ở đây theo nghĩa  xem hoạt động báo chí là hoạt động kinh tế, là một ngành sản xuất, kinh doanh đặc biệt và tin tức cũng là hàng hóa, có thể bị chi phối theo nhu cầu thị trường và nhắm tới lợi nhuận thì quả thật, việc duy trì báo chí với đúng sứ mệnh, giá trị xã hội cùng những tin tức chất lượng trong nền kinh tế thị trường luôn là vấn đề đau đầu của các cơ quan báo chí và thử thách bản lĩnh, phẩm chất những người làm báo.   

Sinh viên Khoa BC&TT Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: IT.

Sinh viên Khoa BC&TT Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: IT.

Khoa BC&TT quan niệm hoạt động báo chí không thể lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu tối hậu, nhưng cũng không đồng ý với hướng tiếp cận báo chí không quan tâm đến hiệu quả thương mại và chinh phục công chúng (khách hàng). Vấn đề cốt lõi là làm sao hoạt động báo chí đạt hiệu quả nguồn thu nhưng vẫn không xa rời hay đánh đổi các giá trị và vai trò nền tảng của mình đối với xã hội.

Vì vậy, CTĐT của Khoa không chỉ trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng chuyên môn tường thuật tin tức như viết, biên tập, kỹ thuật, công nghệ… mà còn cả các kỹ năng quản lý dự án và chiến lược.

Song song đó, các vấn đề về pháp luật và đạo đức của người làm báo luôn là một nội dung quan trọng không chỉ được giảng dạy trong một môn học riêng biệt (môn Pháp luật và Đạo đức nghề báo) mang tính bắt buộc trong chương trình đào tạo mà còn được chuyển tải gián tiếp trong phần lớn các môn học cơ bản của khối kiến thức lý luận và nghiệp vụ chuyên ngành (như Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông, Nhập môn báo chí và truyền thông, Nghiệp vụ phóng viên, Viết tin và tường thuật, Phỏng vấn, Phóng sự và Điều tra…).

  - Số lượng đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí và điểm trúng tuyển luôn hot so với một số CTĐT thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?

   - Hiện thực này cho thấy 3 điều.

Thứ nhất, nghề báo vẫn là nghề có thiên chức, có đạo đức nghề nghiệp và những đặc thù công việc trong nỗ lực khám phá, xác minh và chuyển tải các sự thật quan trọng, có ý nghĩa đến đông đảo công chúng luôn. Nghề này có  sức cuốn hút đối với xã hội, nhất là giới trẻ, những người bản chất có nhiệt huyết dấn thân, khát khao cống hiến và thích phiêu lưu.

Đặc thù công việc trong lĩnh vực báo chí nói riêng và các hoạt động truyền thông đại chúng nói chung luôn đề cao cái mới, sự sáng tạo, môi trường làm việc không đóng khung cố định trong không gian và thời gian luôn là một trải nghiệm mới mẻ và như vậy, luôn hấp dẫn giới trẻ.

Thứ hai, BC&TT đại chúng là một định chế phổ biến và là một ngành công nghiệp quan trọng của xã hội hiện đại, với phổ nghề nghiệp rộng và vị trí công việc hết sức đa dạng. Trong đó, những hiểu biết và năng lực thực hành có được từ CTĐT của ngành báo chí có thể giúp người học dễ dàng tìm thấy cơ hội và thích ứng nhanh chóng trong thị trường lao động vốn dĩ hết phong phú và đa dạng của ngành truyền thông. Những người trẻ, với sự nhanh nhạy và khôn ngoan của mình, đã chủ động tìm đến những ngành học phù hợp sở thích và giúp nâng cao cơ hội cạnh tranh là điều có thể hiểu được.

Và cuối cùng, số lượng đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí của Khoa BC&TT luôn đông đảo kéo theo điểm trúng tuyển luôn nằm trong top đầu các ngành tuyển sinh cho thấy được sự tin tưởng của các thí sinh và cộng đồng xã hội vào uy tín và năng lực đào tạo nhân lực ngành báo chí truyền thông, tin tưởng vào chất lượng chương trình đào tạo được xây dựng và vun đắp từ tâm huyết của đội ngũ sư phạm và các chuyên gia BC&TT hàng đầu trong gần 30 năm qua.

   Xin cám ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ