Tận dụng tối đa "thời gian vàng" để dạy - học trực tiếp

GD&TĐ - Năm học 2021- 2022, các địa phương chủ động phương án dạy – học trực tuyến, đồng thời tận dụng tối đa "thời gian vàng" để học sinh được đến trường học trực tiếp.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Không bị động, bất ngờ

Năm học này, Trường THCS Tân Việt (Thanh An) có 550 học sinh, trong đó có 126 em lớp 6. Thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Long cho biết, nhà trường đã chủ động phương án dạy – học trực tuyến, đồng thời tận dụng tối đa thời gian thầy – trò được đến trường để dạy – học trực tiếp.

Theo thầy Long, đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. Để hoàn thành nhiệm vụ năm học và tổ chức dạy học thành công chương trình lớp 6, nhà trường đã tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; đồng thời bố trí phòng học, thiết bị dạy - học cho thầy – trò, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, nhưng Trường THCS Tam Thanh (Phú Quý, Bình Thuận) cũng xây dựng phương án dạy – học dạy trực tuyến theo phương châm: Chủ động, tích cực.

Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Chi cho hay: Trước khi vào năm học mới, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2020 - 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép. Đây cũng là mục tiêu của năm học 2021 – 2022.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho biết, Sở đã chủ động xây dựng các kịch bản năm học 2021 - 2022 trong điều kiện dịch bệnh, tương ứng với 4 mức độ nguy cơ: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để triển khai dạy học trực tiếp đối với "vùng xanh"; dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp theo phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học". Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm kế hoạch năm học, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

Tranh thủ tối đa “thời gian vàng”

Ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương nhấn mạnh, chúng ta phải đi trước dịch bệnh một bước. Phải tận dụng tối đa "thời gian vàng" có được. Đây là khoảng thời gian học sinh được đến trường học trực tiếp.

Vào thời điểm này, Hải Dương đang kiểm soát tốt dịch bệnh, cơ hội để học sinh được đến trường rất lớn. Lãnh đạo các trường cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, từng giáo viên tranh thủ tối đa khoảng “thời gian vàng” để hướng dẫn học sinh những kiến thức trọng tâm, cốt lõi của từng môn học.

Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục linh hoạt triển khai, áp dụng các hình thức dạy – học. Mỗi cán bộ, giáo viên phải thay đổi để thích ứng, không để bị động, bất ngờ.

Sở GD&ĐT Hải Dương quán triệt phương châm “phòng dịch là số 1, tính mạng con người là trên hết” đến tất cả các cơ sở giáo dục. Do đó, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới phải gắn chặt với việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, các trường rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư như: bình phun thuốc sát khuẩn, dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn, máy đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống có thể xảy ra do dịch bệnh.

Ngành Giáo dục Hải Dương tận dụng tối đa "thời gian vàng" để thầy - trò được đến trường dạy - học trực tiếp. Ảnh minh hoạ: TG.
Ngành Giáo dục Hải Dương tận dụng tối đa "thời gian vàng" để thầy - trò được đến trường dạy - học trực tiếp. Ảnh minh hoạ: TG.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đã có những bước chuẩn bị và hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục nhiều biện pháp để dạy - học. Trong điều kiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục cần khai thác trên các phương tiện khác nhau để tổ chức dạy - học; trong đó có học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy học từ xa…

Thứ trưởng nhấn mạnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức dạy tốt, học tốt và tận dụng mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học. Nơi nào đủ điều kiện học trực tiếp thì tổ chức cho học sinh đến trường an toàn. Nơi nào chưa đủ điều kiện thì dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình.

Thứ trưởng gợi ý, các địa phương, cơ sở giáo dục có thể vận dụng bài giảng điện tử. Bộ đã chuẩn bị kho học liệu lớn, kết nối trên YouTube và Hệ tri thức Việt số hoá. Với học liệu đó, nơi nào không có điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua mail, Zalo… kèm theo hướng dẫn.

Ở những nơi không có điều kiện nữa thì Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh học từ xa, thông qua các tài liệu và hỗ trợ các em học tập tốt nhất.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số. Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho những đứa trẻ hướng nội, những bạn nhỏ rụt rè.

Trong lớp học trực tuyến, học sinh thường tích cực tham gia vào bài học hơn. Học trực tuyến cũng giúp các em không phải đương đầu với sự tẩy chay hoặc bắt nạt, bêu xấu bởi những học sinh lớn ở trường.  

“Với tình hình hiện nay, nhà trường đặt mục tiêu chất lượng giáo dục theo hướng: Vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, vừa hoàn thành chương trình và đảm bảo chất lượng dạy – học. Hiện, đội ngũ giáo viên của trường đã sẵn sàng thay đổi, đổi mới phương pháp dạy – học để đạt mục tiêu chất lượng đã đề ra” – cô Đặng Thị Chi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ