Sức trẻ giáo dục xã Ch’ơm

GD&TĐ - “Ai cũng nghĩ rằng, tuổi xuân là giai đoạn cực kỳ quan trọng nhưng thật ngắn ngủi, vậy thì không nên để lãng phí tuổi xuân. Là những thế hệ giáo viên mới chập chững bước vào nghề, chúng tôi lựa chọn mảnh đất nơi miền biên viễn xa xôi này của Tổ quốc để thể hiện ý chí, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cho sự phát triển chung của đất nước…”.

Sức trẻ giáo dục xã Ch’ơm

Đó là lời tâm sự thật lòng của những người giáo viên trẻ mà chúng tôi đã được gặp khi đến với Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Ch’ơm (huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm sát vùng biên giới Việt – Lào.

Khát vọng cống hiến

Những ngày cuối năm 2015, trên hành trình đến với vùng biên giới Việt – Lào, chúng tôi gặp cô giáo trẻ Đỗ Thị Trang (sinh năm 1991, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) – giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ơm (PTDT bán trú TH&THCS) cũng đang trên đường từ trung tâm huyện Tây Giang lên xã biên giới Ch’ơm.

Có đi với các cô mới thấy hết được nỗi vất vả của những giáo viên trẻ ở miền biên giới xa xôi này. Từ trung tâm huyện Tây Giang lên đến Ch’ơm chỉ cách khoảng hơn 50km, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 4 giờ đồng hồ đánh vật với những cung đường hiểm trở vượt núi, vực sâu, lẫn đường đất nhầy nhụa, sình lầy. Chỉ tính riêng đoạn đường từ xã Axan lên xã Ch’ơm chỉ khoảng 10km, song phải mất 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được nơi.

Chúng tôi ghé lại ngôi trường ở sát biên giới Việt – Lào, Trường PTDT bán trú TH&THCS xã Ch’ơm, khi cô giáo Trần Thị Thảo đang dạy bài trong lớp học. Thảo là giáo viên mới lên nhận công tác từ đầu năm học này. Cô giáo sinh năm 1994 này chia sẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, gia đình định sẽ tìm cho Thảo một suất dạy dưới đồng bằng. Trong khi gia đình đang tìm kiếm việc làm, thì Thảo nghe một người bạn kể về những khó khăn, vất vả của những em học sinh tại xã biên giới Ch’ơm.

Vậy là không một chút do dự, Thảo nộp hồ sơ và được cử lên dạy tại trường từ đầu năm học này. Sau những ngày dạy đầu đầy bỡ ngỡ với cô giáo trẻ vừa bước qua tuổi đôi mươi, đến nay Thảo đã quen với cuộc sống của những đồng nghiệp, quen với những tình cảm thân thương đầy dung dị của các em học sinh nơi đây. Từ ngày lên nhận nhiệm vụ ở trường, đến nay Thảo chỉ mới về nhà được 1 lần, do điều kiện đi lại xa xôi, đường sá khó khăn, đặc biệt sau những trận mưa rừng thì con đường độc đạo nối Ch’ơm với trung tâm huyện nát tương như cháo.

Ươm mầm sự học

Lên Trường PTDT bán trú TH&THCS xã Ch’ơm dạy học trước Thảo 4 năm, nhưng cô giáo Trần Thị Ái (sinh năm 1992, quê ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn chưa thể nào quên những cảm xúc khi vừa lên đây công tác.

Lúc đó, khi gia đình nghe Ái có kế hoạch lên dạy ở miền biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, ba mẹ đã quyết liệt khuyên Ái tìm làm bất cứ việc ở thành phố, chứ nhất định không đồng ý cho Ái chịu khổ. Song trước sự quyết tâm của Ái, gia đình cũng bị thuyết phục.

Sau một thời gian tận tâm, tận lực cống hiến với nghề, đến nay, khi đã vào biên chế của ngành Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND và Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang đồng ý đưa Ái về giảng dạy tại trường ngay trung tâm huyện, nhưng cô giáo trẻ này đã từ chối với lý do: “Em đã quen với cuộc sống trên này rồi, giờ xuống dưới trung tâm huyện sẽ rất nhớ các đồng nghiệp, các em học sinh nơi đây”.

Bởi vậy khi trò chuyện với chúng tôi, cô thành thật chia sẻ: “Ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh này, dù cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn, song tập thể cán bộ, giáo viên trong trường đều thương yêu, chia sẻ với nhau những khó khăn.

Các em học sinh thì chất phác, rất quý mến các thầy cô giáo. Bà con dân bản thì luôn đùm bọc, chở che, giúp đỡ giáo viên. Đã 4 năm rồi, cứ mỗi lần đến Ngày Hiến chương Nhà giáo, các em học sinh đều đi hái hoa rừng về tặng em. Và đó là tình cảm thiêng liêng nhất, khiến em gắn bó với mảnh đất này”.

Theo thầy giáo Phạm Công Đức – Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS xã Ch’ơm, năm học này nhà trường có 14 lớp học bậc tiểu học với 172 học sinh; 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh. 100% học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Trong đó, ngoài học sinh của xã Ch’ơm còn có hơn 80 học sinh THCS là con em xã Gari đến học vì tại xã Gari không có trường cấp II.

Thầy Đức cho biết: “Toàn trường có 5 giáo viên tiểu học và 11 giáo viên THCS là người miền xuôi lên đây dạy học. Đa phần trong số họ đều có tuổi đời còn rất trẻ. Đó thực sự là thế mạnh của nhà trường, bởi giáo viên trẻ luôn nhiệt tình, hăng say trong công tác, không ngại gian khổ. Tất cả đều một lòng chung sức vì sự nghiệp trồng người. Minh chứng cho những điều ấy là phong trào, chất lượng dạy học học tập ở xã Chơm ngày càng phát triển, nâng cao”.

Cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy lớn lao đến nhường nào, có lẽ chỉ có người dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mới thấu hiểu được. Bởi vậy, khi nói về những công lao của những người giáo viên nơi đây, ông Hồ Đắc Vinh - Chủ tịch UBND xã Ch’ơm (huyện Tây Giang, Quảng Nam) tỏ ra hết sức phấn khởi: “Con đường phát triển giáo dục của xã biên giới Ch’ơm là con đường tập thể cán bộ, giáo viên vận động bà con dân bản đến trường, đến lớp.

Đó là quá trình bền bỉ tập cho con em dân bản từ bỏ thói quen sống tự do như con chim trên rừng, con cá dưới suối, từ bỏ cuộc sống chỉ biết bắt ốc, săn thú đến với ánh sáng văn hóa. Để con em dân bản được đến trường như hôm nay, thầy cô giáo đã không chỉ biết dạy chữ, mà còn đi xuống từng ngõ ngách thôn bản vận động học sinh ra lớp, kiên trì tuyên truyền, vận động giúp bà con dân bản có được nhận thức sâu sắc về lợi ích của giáo dục”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ