Phát huy truyền thống từ mô hình trường học đa văn hóa

GD&TĐ - Mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng được xem như giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường có học sinh dân tộc thiểu số.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) mặc trang phục dân tộc 2 buổi/tuần để bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Đức Trí
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) mặc trang phục dân tộc 2 buổi/tuần để bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Đức Trí

Nâng cao chất lượng

Tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lào Cai, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh đã tự làm, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của dân tộc mình ngay trong phòng trưng bày nhà trường.

Đặc biệt, học tập dưới mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị và hấp dẫn: Sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn học, thêu, thể thao vào chiều thứ 7 hàng tuần. 

Đáng chú ý, việc giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lào Cai không chỉ thông qua hoạt động ngoại khóa, mà còn được lồng ghép vào chương trình học chính khóa của nhà trường. 

Ban giám hiệu đã chỉ đạo các bộ môn trên cơ sở rà soát lại nội dung chương trình, kế hoạch xây dựng, điều chỉnh bổ sung các nội dung giảng dạy gắn với việc xây dựng mô hình trường học đa văn hóa. 

Mặt khác, thông qua các phong trào thi đua của công đoàn như: “Dạy tốt, học tốt”; cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đã gắn nhiệm vụ xây dựng trường học đa văn hóa với chuyên môn. Vì vậy, các giờ học trở nên linh hoạt và hấp dẫn hơn, tạo hứng thú, say mê học tập cho học trò.

Cô Phạm Tường Linh - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc THCS Kim Sơn (huyện Bảo Yên - Lào Cai) cho biết: Xây dựng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, học sinh được tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn trong các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc sinh sống ở địa phương như: Múa gậy sinh tiền, hát then, tìm hiểu văn hóa người Dao....

Việc thành lập các câu lạc bộ không chỉ đơn thuần giúp học sinh giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng, mà hơn thế, thông qua tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, học sinh có cơ hội giới thiệu đến bạn bè những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình với niềm tự hào, kiêu hãnh. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường gắn kết giữa học sinh các dân tộc với nhau.

Để thực hiện thành công mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, Trường phổ thông dân tộc THCS Kim Sơn đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương, phụ huynh tuyên truyền; thành lập hội đồng tư vấn biên soạn tài liệu văn hóa truyền thống để lồng ghép, tích hợp vào một số tiết dạy môn Âm nhạc, Lịch sử, Địa lý...

Mặt khác, trường xây dựng được phòng trưng bày các nét văn hóa độc đáo của dân tộc trên địa bàn xã Kim Sơn; tổ chức ngoại khóa (dưới hình thức hội thi tìm hiểu); tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp học sinh được tiếp xúc, làm quen với các điệu hát múa truyền thống (hát then dân tộc Tày, múa gậy sinh tiền người Mông). Hoạt động tìm hiểu lễ, hội của các dân tộc như: Lễ hội Lồng Tồng (Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày), Lễ cấp sắc của dân tộc Dao… cũng được nhà trường tổ chức.

Nhà trường còn khuyến khích học sinh dân tộc mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hàng tuần; tổ chức các trò chơi dân gian trong các buổi sinh hoạt tập thể; mời phụ huynh tham gia dạy cho học sinh trong câu lạc bộ về các điệu múa, hát truyền thống...

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) có học sinh 3 dân tộc cùng học chung (trên 80% học sinh dân tộc Mông, gần 20% học sinh dân tộc Nùng, còn lại dân tộc Kinh), nhà trường cũng tổ chức hàng loạt các hoạt động phù hợp khi xây dựng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng. 

Cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường đã tổ chức các hoạt động tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc dưới hình thức như hỏi đáp có thưởng trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; Tổ chức cho các lớp thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc học tại trường bằng thi viết, trắc nghiệm; Thi trang phục dân tộc cấp trường, các nhóm thi phải thuyết trình về trang phục mình dự thi. 

Tới nay, trường nằm trong số không nhiều các trường tại Lào Cai tổ chức mặc trang phục dân tộc vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần. Áp dụng đối với cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. 

Trường cũng tổ chức múa khèn ô, múa gậy sinh tiền đồng diễn toàn trường. Các hoạt động trải nghiệm bản sắc cho học sinh theo khối, lớp như: Nấu xôi bảy màu của người Nùng, làm bánh trôi người Mông, gói bánh chưng người Nùng..., học sinh tham gia đầy hào hứng.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) thuần thục trong điệu múa sinh tiền. Ảnh: Đức Trí
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) thuần thục trong điệu múa sinh tiền. Ảnh: Đức Trí

“Trái ngọt” từ trường học đa văn hóa

Cô Phạm Tường Linh khẳng định: Xây dựng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng trong nhà trường đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Mô hình trên đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng tình đoàn kết, gắn bó trong học sinh với cộng đồng, địa phương. 

Mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng cũng tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp các em gắn bó với trường, lớp, luôn tự hào về nguồn cội. Đặc biệt, góp phần giúp các thầy cô giáo hiểu rõ hơn về văn hóa các vùng miền, làm phong phú hơn sự hiểu biết, giàu tình yêu quê hương đất nước trên hành trang giáo dục. 

Dưới góc độ giáo viên dạy học tại trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, cô Hoàng Thị Thùy – Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) nhận thấy: Giáo dục tri thức văn hóa địa phương trong nhà trường giúp học sinh biết gìn giữ bản sắc văn hóa, tự hào dân tộc, tự tin mạnh dạn hơn. Khả năng tiếng Việt của các em tốt hơn, chất lượng giáo dục tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, học sinh vui vẻ, thích đến trường, đoàn kết nhau và không còn tình trạng kỳ thị dân tộc giữa các học sinh trong trường...

Mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng đã “kéo” cộng đồng vùng cao lại gần nhà trường hơn, dần xây dựng phong trào giáo dục cho người dân tộc thiểu số. Đồng thời, giúp cộng đồng thấu hiểu nhà trường hơn và thấy rõ trách nhiệm của mỗi người dân đối với giáo dục địa phương. - Cô Bùi Thị Hường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.
HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.