Những văn bản, hướng dẫn quan trọng triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

GD&TĐ - Nhiều văn bản, hướng dẫn quan trọng của Bộ GD&ĐT được ban hành kịp thời để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Sáng 21/9, tại Hội nghị giao ban báo chí Trung ương, Bộ GD&ĐT đã tham gia trình bày chuyên đề về một số hoạt động của ngành đầu năm học mới.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cung cấp tại Hội nghị cho biết, năm học 2021-2022, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch Covid -19, bảo đảm chương trình, mục tiêu chất lượng giáo dục.

Cụ thể, ngày 4/8/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành phố quyết định kế hoạch thời gian năm học của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ngày 17/8/2021, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện tiếp nhận, tạo điều kiện học tập cần thiết cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19 năm học 2021-2022; cấp giấy xác nhận kết quả rèn luyện và học tập cho học sinh khi học sinh quay lại trường cũ bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.

Ngày 24/8/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trong nội dung của Chỉ thị, Bộ GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid -19 tại địa phương; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.

Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học. Ảnh minh họa.
Tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học. Ảnh minh họa.

Để hướng dẫn công tác dạy và học trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Theo đó yêu cầu các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục.

Ngày 30/8/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố về việc tăng cường chỉ đạo tổ chức khai giảng và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới.

Trong đó, đối với các địa phương tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời chỉ đạo các Sở GD&ĐT sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học, tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát việc cung cấp sách giáo khoa kịp thời đến các đối tượng học sinh tại địa phương, hỗ trợ học sinh khó khăn thiếu phương tiện học tập.

Trẻ vùng cao học trực tiếp tại trường. Ảnh minh họa
Trẻ vùng cao học trực tiếp tại trường. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid -19. Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, chung tay cùng ngành Giáo dục ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực của dịch Covid -19.

Ngày 13/9/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, trong đó nêu rõ đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ưu tiên tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này đối với lớp 1 và lớp 2, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.

Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tận dụng thời gian dạy học trực tiếp, học thực hành, ôn tập lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình. Tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ.

Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng, có phương án để phát sóng, tiếp sóng trên truyền hình; huy động các nguồn lực trang thiết bị tốt để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Tổ chức triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Khai giảng năm học mới tại Hà Nội năm 2021. Ảnh minh họa
Khai giảng năm học mới tại Hà Nội năm 2021. Ảnh minh họa

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục; ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới; sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; bố trí thời gian thực hiện chương trình phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh.

Đồng thời, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương.

Đối với các lớp từ lớp 3, 4, 5 và từ 7 đến lớp 12, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện tinh giản nội dung để học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương. Đồng thời, làm việc với các đài truyền hình ở trung ương để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến.

Hoàn thiện cẩm nang hướng dẫn dạy học trực tuyến và tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên phổ thông và tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non. Xây dựng kho video, audio, cẩm nang hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động phong trào “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, cá nhân chung tay ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, thiết bị, dịch vụ, giải pháp cho hoạt động dạy học trực tuyến, miễn giảm giá cước,… nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được với công nghệ tốt nhất, an toàn nhất, dễ dàng nhất, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.
Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.
Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.