Nghịch lý trong đầu tư tài chính - xây dựng trường học

GD&TĐ - Vùng sâu, vùng xa khó khăn hay vùng thuận lợi đều đối mặt với vướng mắc trong đầu tư xây mới trường, lớp học. Nghịch lý từ cơ chế… đến những bất cập về bài toán tiền - đất cho lĩnh vực trên diễn ra mọi nơi.

HS Trường THPT Lục Ngạn số 1 (Bắc Giang) trong một hoạt động ngoại khóa. 	Ảnh: IT
HS Trường THPT Lục Ngạn số 1 (Bắc Giang) trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: IT

Còn lắm nhiêu khê

Theo ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội), có một thực tế về chi tài chính trong xây dựng trường học ở Hà Nội: “Quận có tiền để chi cho GD nhưng không biết chi vào đâu, đất không còn để xây dựng trường học. Có huyện còn đất lại không có tiền để xây. Trong khi nguyên tắc tài chính không đem được tiền từ quận này sang cho huyện kia xây dựng trường”. 

Chính cơ chế chi cho GD trong xây dựng cơ sở vật chất trường lớp khiến nhiều nỗ lực mở rộng, xây mới trường học ở ngay địa bàn Hà Nội gặp khó. Ông Quang lấy ví dụ: “Để hỗ trợ quận Hoàn Kiếm xây một trường mầm non phải qua nhiều thủ tục, trình tự, phải ra bao nhiêu quyết định mới triển khai được”.

Ông Quang cho biết, vấn đề phức tạp nhất hiện nay là chi ngân sách ở cấp tiểu học: Cả nước có 80% HS cấp học này học 2 buổi/ngày. Hà Nội có gần 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Thực tế và triển khai học 2 buổi/ngày với tiểu học như “pháp lệnh” bắt buộc, đặc biệt khi triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, “pháp lệnh” này dường như chỉ dành cho ngành GD, khi yêu cầu  các cấp quản lý GD, nhà trường và thầy cô thực hiện; chứ liệu đã là “pháp lệnh” cho ngành liên quan như tài chính, nội vụ? Vậy tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng vấn đề tài chính, con người ở đâu để thực hiện?

Tình trạng ngành GD thực hiện chương trình, mục tiêu GD, nhưng tài chính và con người (GV) để thực hiện lại do ngành khác phân bổ, quyết định là bất hợp lý tồn tại đã lâu nhưng chưa được nhìn nhận, giải quyết thấu đáo. Điều này không chỉ làm khó trường công lập, không khuyến khích hệ thống trường công- tư phát triển. Bằng chứng, những nơi không có đủ, thiếu trường lớp công lập, tư nhân tham gia vào đầu tư xây trường, ông Quang cho rằng, phải có chính sách hỗ trợ trường tư, nhất là với bậc tiểu học?

“Nếu hỗ trợ tài chính cho trường tư tối thiểu bằng định mức theo tỷ lệ HS trường công sẽ khuyến khích được tư nhân xây trường. Muốn vậy cần có chính sách đầu tư tài chính cho GD cụ thể hơn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng trường, lớp, giảm tải sĩ số HS quá đông trong các trường công lập ở các thành phố lớn”, ông Quang nhận định.

Chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp thực hiện Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới, ông Phí Hữu Quynh (Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Ninh) thông tin: Năm 2019, Bắc Ninh thực hiện rà soát điều kiện cơ sở vật chất trường lớp theo Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT. Từ thực tiễn của các nhà trường, sở xây dựng phương án để trình UBND tỉnh. 

Theo ông Quynh, Bắc Ninh làm “cuốn chiếu”, dồn điều kiện cơ sở vật chất cho lớp 1 sau đó làm tiếp các lớp trên và làm theo từng địa bàn, trường học… Năm 2019, Bắc Ninh thiếu 22 phòng học chức năng ở cấp tiểu học thì trước thềm năm học 2020 - 2021 đã đầu tư đủ. Ông Quynh nhận thấy việc UBND tỉnh quan tâm, có chính sách đầu tư trước mắt và lâu dài cho GD có tính chất quyết định, để đạt được  yêu cầu về trường lớp học phục vụ đổi mới GD phổ thông.

Bài toán đầu tư và chi

HS Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội. Ảnh: IT
HS Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội.    Ảnh: IT

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (Viện Khoa học GD Việt Nam), sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề tài chính trong GD, thấy rằng: Nhiều trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa có đồng nào thì chi (ghi vào sổ, hết tiền không ghi sổ nữa). Điều này phản ánh vấn đề tài chính tại trường học vùng sâu, vùng xa phập phù, bập bõm. Vấn đề ở đây là bài toán minh bạch. Chúng ta không biết địa phương chi bao nhiêu tiền cho GD cho dù ngân sách Nhà nước dành cho các tỉnh, thành ở mức 20%. Tuy nhiên, về đến địa phương, mỗi nơi chi một kiểu dẫn đến tình trạng tiền chi cho GD… lạc sang giao thông hay giảm xuống còn 8 - 10% thay vì 20%...

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho GD ở Việt Nam được PGS.TS Nguyễn Vũ Việt (Phó Giám đốc Học viện Tài chính) đề cập: Xây dựng tiêu chí ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành GD ở các địa phương. 

“Để cải thiện hiệu quả chi đầu tư cho GD-ĐT, việc lựa chọn dự án đầu tư ở địa phương phải phù hợp với mục tiêu của ngành GD-ĐT. Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng tiêu chí phân bổ vốn cụ thể. Việc phân bổ vốn cần căn cứ vào một số tiêu chí: Kết quả thực hiện và khả năng cân đối vốn của từng địa phương. Cần lượng hóa các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT, tránh việc đưa ra các tiêu chí chung chung, dễ dẫn tới sự không minh bạch trong phân bổ” - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, địa phương cần chủ trì xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nói chung và phân bổ vốn đầu tư phát triển cho GD công lập nói riêng. 
“Sở GD&ĐT cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng các tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư cho GD, để bảo đảm nguồn vốn đầu tư được phân bổ theo mức độ ưu tiên,  bảo đảm hiệu quả đầu tư ngay từ khâu phê duyệt chủ trương và đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn” - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt đưa ra giải pháp. 

“Với vai trò cơ quan điều tiết chương trình, mục tiêu quốc gia về GD, Bộ GD&ĐT cần và phải nắm tình hình chi tài chính trong GD ở các địa phương, để xây dựng chương trình, mục tiêu GD phù hợp”.
TS Lê Đông Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ