Nâng chuẩn giáo viên - yêu cầu tất yếu của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục… việc nâng cao trình độ chuyên môn năng lực sư phạm của đội ngũ GV tại mỗi địa phương là vô cùng cần thiết.

Nâng cao trình độ chuyên môn năng lực sư phạm của đội ngũ GV tại mỗi địa phương là vô cùng cần thiết.
Nâng cao trình độ chuyên môn năng lực sư phạm của đội ngũ GV tại mỗi địa phương là vô cùng cần thiết.

Nỗ lực từ địa phương

Tới nay các địa phương đang khẩn trương, tích cực trong việc nâng cao trình độ chuẩn cho GV nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Tại Hải Dương, UBND tỉnh đã ra kế hoạch nâng trình độ GV phấn đấu cán mốc vào năm 2025. Theo đó, hết 31/12/2025, 100% GV mầm non đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp CĐSP mầm non trở lên;

100% GV tiểu học đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV tiểu học hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp vị trí việc làm; 100% GV THCS đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp vị trí việc làm.

Phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Toàn huyện hiện có 1.795 biến chế. Trong đó, UBND huyện quản lý 1.652 biên chế (3 cấp học); trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên đạt 78%. Cấp tiểu học 720 biên chế, trình độ chuyên môn đạt chuẩn 41%. Cấp THCS có 428 biên chế, trình độ chuyên môn đạt chuẩn 85%.

Hiện nay, Phòng GD& ĐT thực hiện hợp đồng ngắn hạn đối với 20 biên chế GV. Trực thuộc Sở GD&ĐT có 143 biên chế. 100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó có 10,2% GV có trình độ trên chuẩn.

Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn đội ngũ luôn được UBND huyện, Phòng GD&ĐT Bắc Hà quan tâm thực hiện; Phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% GV có trình độ đạt chuẩn.

Năng lực, trình độ đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Ảnh: Đức Trí
Năng lực, trình độ đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Ảnh: Đức Trí

Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, ông Cao Xuân Hùng cho biết: UBND tỉnh đưa chỉ tiêu: Đến 31/12/2025, ít nhất 70% GV mầm non thuộc diện đào tạo nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp CĐSP; 80% GV tiểu học, 70% GV THCS thuộc diện đào tạo nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

100% CBQL giáo dục đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp đáp ứng trình độ chuẩn của cấp học theo quy định của Luật Giáo dục 2019…

Bảp đảm lộ trình phù hợp

Để vừa thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo GV vừa bảo đảm sắp xếp không thiếu GV giảng dạy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, tiêu chí để cử GV đi nâng trình độ chuẩn; bố trí, sắp xếp phù hợp.

Với ngành GD&ĐT Nam Định, UBND tỉnh đã yêu cầu bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho CBQL, GV phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho GV tham gia đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học.

Mặt khác, phát triển năng lực tự học, bồi dưỡng của GV, kết hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ/nhóm chuyên môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường.

CBQL, GV tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được hưởng 100% lương, các chế độ phụ cấp theo quy định; được bảo đảm các quyền và thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 71…

Việc nâng chuẩn GV tại các địa phương cần lộ trình phù hợp. Ảnh: Đức Trí
Việc nâng chuẩn GV tại các địa phương cần lộ trình phù hợp. Ảnh: Đức Trí

Theo văn bản trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020 – 2025, ngành GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh: Lựa chọn GV phải phù hợp với thực trạng hiện có của cơ sở giáo dục, không để thiếu GV giảng dạy trong thời gian cử GV tham gia đào tạo…

Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV mầm non, tiểu học và THCS được quy định từ 1/7/2020 đến ngày 31/12/2030.

Do đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, tiêu chí cử GV đi đào tạo nâng trình độ chuẩn; bố trí, sắp xếp để bảo đảm không thiếu GV giảng dạy.

Cùng đó, chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, các vấn đề liên quan đến giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo để thực hiện lộ trình nâng chuẩn GV.

Với lộ trình cụ thể và những hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan, việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, tạo động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm thực hiện CTGDPT mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.