Nâng chuẩn giáo viên tiểu học: Đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học (TH) từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng và tiến tới sẽ là đại học đã và đang được dư luận trong ngành giáo dục quan tâm và bày tỏ sự ủng hộ, bởi vị thế người giáo viên TH ngày nay đã khác. Dưới đây là những thực tế được ghi nhận tại TPHCM.

GV TH tại TPHCM rất ủng hộ Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục về nâng chuẩn trình độ giáo viên
GV TH tại TPHCM rất ủng hộ Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục về nâng chuẩn trình độ giáo viên

Nhu cầu tất yếu

Là một cán bộ quản lý từ nhiều năm nay, thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường TH Cửu Long, quận Bình Thạnh, cho hay ông rất tán thành việc nâng chuẩn GVTH như Dự thảo Luật GD đã được thông tin rộng rãi thời gian qua. Điều này sẽ tạo bước chuyển về chất lượng đội ngũ nhà giáo đang công tác tại các trường TH trong cả nước, đồng thời nâng cao vị thế của GVTH. Tất nhiên cùng với việc nâng chuẩn sẽ là việc đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng để đội ngũ nhà giáo hiện tại đáp ứng yêu cầu đổi mới GD hội nhập, giáo dục 4.0, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới với mục tiêu giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành, kỹ năng.

Chia sẻ từ thực tế ngôi trường mình đang quản lý, thầy Phi cho biết, Trường TH Cửu Long có 99,9% giáo viên đạt trình độ đại học trở lên, chỉ còn một giáo viên đang theo học để lấy bằng đại học. Qua lấy ý kiến của các giáo viên, ai nấy đều ủng hộ, đồng tình với chủ trương này.

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường TH Bình Trị 2, quận Bình Tân cho rằng: Nâng chuẩn GVTH từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Học sinh thế hệ ngày nay khác xưa rất nhiều, các em có điều kiện để tìm hiểu, học hỏi kiến thức từ internet, các khóa học online - nói chung tài liệu học tập rất nhiều…, điều này đòi hỏi GV phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn lẫn kiến thức chung để đáp ứng nhu cầu dạy học cho các em trong điều kiện mới. GV lúc nào cũng là người định hướng, người truyền lửa… nên luôn phải đi trước học sinh chứ không thể “cập nhật” theo các em từng lúc một.

Thầy Nguyễn Văn Sỹ, Phó hiệu trưởng chuyên môn, quản lý chương trình Moet (Bộ GD&ĐT) tại hệ song ngữ - Hệ thống Trường Quốc tế Canada, quận 7 cho rằng Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục về việc nâng chuẩn trình độ GV là điều tất yếu đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT. Đội ngũ GV là một trong những nhân tố quyết định đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục một cách cơ bản và toàn diện. Nhìn rộng ra, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã nêu rõ: Tiến tới, tất cả các GVTH, trung học cơ sở, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm.

Thầy Sỹ cũng cho biết thêm, tại các hệ thống trường dân lập, quốc tế ở TPHCM, việc tuyển dụng GV từ trình độ đại học trở lên đã được áp dụng từ lâu, chưa kể bên cạnh đó là một số chứng chỉ bắt buộc kèm theo như ngoại ngữ, tin học ở một số trình độ được quy định. Vì vậy, nhìn toàn cảnh, việc nâng chuẩn giáo viên là hợp lý, phù hợp với đổi mới giáo dục hiện nay.

Từ thực tế cả nước hiện nay số GVTH đạt trình độ cao đẳng chiếm 90%, như vậy việc nâng chuẩn lên trình độ cao đẳng và tiến tới ĐH là hoàn toàn có thể thực thi.

Một lớp TH ở TPHCM

Một lớp TH ở TPHCM

Cần có lộ trình, trọng điểm cụ thể

Nâng chuẩn trình độ GVTH được rất nhiều GV, nhà quản lý ủng hộ và họ hi vọng Dự thảo này nếu được thông qua, Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp cụ thể, có lộ trình áp dụng và có sự quan tâm đặc biệt tới các địa phương vùng sâu, vùng xa - nơi số GVTH đạt chuẩn chưa cao thậm chí còn thiếu GVTH.

Từng nhiều năm giảng dạy học sinh TH, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh lưu ý: “Ở các trường phổ thông, trước nay ban giám hiệu luôn tạo điều kiện, khuyến khích GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn bằng hình thức đào tạo từ xa, văn bằng 2. Do đó, hầu hết các GV ở một số thành phố lớn đều đã tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học.

Để thực hiện được vấn đề nâng chuẩn trình độ GV, cần tạo điều kiện để GV tham gia các lớp học bằng hình thức không tập trung nhằm tránh ảnh hưởng và xáo trộn thời gian, công việc của GV; Có chế độ chính sách về tiền lương phù hợp với từng trình độ khác nhau (đại học, sau đại học) nhằm khuyến khích GV tự học, tự bồi dưỡng. Dừng tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm để đáp ứng đúng yêu cầu khi Luật giáo dục được Quốc hội thông qua. Có kế hoạch riêng, phù hợp với từng vùng miền, đặc biệt là những vùng khó khăn, hải đảo xa xôi.

Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch sát sao từ bây giờ; tiến hành phân loại GV theo năng lực, thời gian công tác để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng hay bố trí công việc khác. Từ đó sẽ có kế hoạch cho đi đào tạo hàng năm một cách nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu về chất lượng”. Thầy Vũ Hoàng Sơn tâm tình thêm về bản thân mình, như một chia sẻ kinh nghiệm “tự đào tạo”: “Nhớ ngày đầu bước chân vào nghề, bản thân tôi cũng chỉ mới tốt nghiệp Trung học Sư phạm.

Nhưng với quan điểm “học để tiếp thu kiến thức mới và để dạy tốt hơn”, tôi đã tham gia các lớp học theo hình thức vừa học vừa làm. Đến hôm nay, tôi đã có tấm bằng thạc sĩ sau những năm tháng miệt mài phấn đấu không ngừng và phần thưởng cho tôi là tôi rất tự tin mỗi khi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp và khi lên lớp với học trò”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ở một số địa phương vùng sâu vùng xa, vùng xa, vùng khó khăn, việc nâng chuẩn GVTH cần có lộ trình và có những hướng dẫn cụ thể đối với Sở GD&ĐT ở các địa phương. Vì ở đây, ngoài vấn đề là một số GV trình độ chưa đạt chuẩn, thì ở một số nơi việc tuyển dụng GV cũng còn gặp khó khăn, vậy nên đi đôi với việc có những giải pháp bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ GV tại chỗ học tập nâng chuẩn thì cũng cần có chính sách thu hút GV có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đến công tác.

Nhiều GVTH ở TPHCM cũng cho rằng, việc nâng chuẩn cần có lộ trình và những giải pháp phù hợp, cụ thể, để giúp họ vừa nỗ lực tập trung học tập nâng chuẩn vừa có thể chủ động, yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.