Nâng cao trách nhiệm các đơn vị tư vấn du học

GD&TĐ - Du học đang là con đường được nhiều HS THPT lựa chọn. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều công ty tư vấn du học ra đời. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều vấn đề nảy sinh khiến chính các công ty này không kiểm soát được hoặc cố tình lờ đi.

Nâng cao trách nhiệm các đơn vị tư vấn du học

Quản lý công ty tư vấn du học trong trường học

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, trong năm 2016, toàn tỉnh đã có khoảng 1.000 HS đi du học ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Canada, Đức. Trong số này, hầu hết đều đi du học với mục đích vừa học, vừa làm. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có 30 đơn vị được Sở GD&ĐT được cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học. Những công ty này cũng thường xuyên chủ động đến các trường THPT để đăng ký tư vấn.

Tại Trường THPT Thanh Chương 1, thầy Lê Xuân Hường - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Hiện đang có 2 công ty tư vấn du học đến đăng ký tiếp xúc với HS. Nhà trường hết sức ủng hộ các công ty tư vấn du học, tuy nhiên, cũng rất thận trọng để “chọn mặt gửi vàng”, giúp HS tìm được địa chỉ uy tín để theo đuổi con đường du học.

Theo đó, trước hết, các công ty cần có phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận. Sau nữa là thông tin minh bạch, rõ ràng cả về thị trường đưa HS đi du học lẫn kinh phí bao nhiêu.

Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Đối với các công ty tư vấn du học hoạt động ở ngoài nhà trường, thì nhà trường không quản lý. Nhưng khi vào đăng ký tư vấn trong trường học, tức là nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục phải chịu trách nhiệm trước HS, phụ huynh về uy tín, chất lượng của công ty đó.

Hiện có nhiều HS của trường lựa chọn con đường du học không chỉ sau khi tốt nghiệp THPT mà cả sau khi học xong lớp 10 hoặc 11, chủ yếu đến các nước Úc, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các em thường du học theo 2 con đường: Thứ nhất là theo khả năng kiến thức, tìm kiếm học bổng tại các trường ĐH, CĐ nước ngoài; thứ 2 là theo khả năng tài chính, hay còn gọi là du học tự túc. Nhà trường ủng hộ các em tìm kiếm con đường học tập, làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên, nếu không đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản trên thì nên học ĐH, CĐ hoặc học nghề trong nước hơn là du học.

Cần minh bạch, rõ ràng thông tin

Năm 2015, em Trần Văn Hùng (nguyên là HS Trường THPT Thanh Chương 1) tìm đến Công ty Cổ phần Quốc tế Changmi để được hướng dẫn đi học tại Hàn Quốc với hình thức vừa học vừa làm. Sau đó, em đã đóng gần 200 triệu cho công ty để chuẩn bị hồ sơ và học tiếng. Tuy nhiên, sau khi học tiếng xong đợi mãi vẫn không được “bay”.

Về phía Công ty Changmi năm 2016 đã bị Sở GD&ĐT đình chỉ hoạt động tư vấn du học trên địa bàn tỉnh do không đảm bảo các điều kiện hoạt động. Gia đình em Hùng đã phải “trầy trật” nhờ người đòi mãi mới được hoàn tiền nhưng cũng hao hụt đi nhiều.

Ông Trần Xuân Trình (bố em Hùng) chia sẻ: Gia đình vẫn mong muốn con được đi du học, nhưng đã “khiếp” cái chặng đường tìm đến công ty tư vấn để chuẩn bị hồ sơ, thủ tục du học. “Nếu có công ty nào uy tín cho chúng tôi đặt cọc một số tiền, sau khi lo được cho con tôi sang đến Hàn Quốc rồi thu tiếp số tiền còn lại thì tốt” - ông Trình nói.

Bên cạnh những trường hợp chờ đợi mãi không được đi du học, thì một số trường hợp đã sang được nước ngoài thì lại bỏ học. Công ty CP Đầu tư và Thương mại BMT năm 2016 đưa 12 HS sang du học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong số này có 2 HS, sau khi nhập học một ngày đã bỏ học, trong đó có một em ở xã Nghi Quang (Nghi Lộc), một em ở xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Nhận được thông báo này, công ty đã trực tiếp liên hệ với gia đình để xử lý nhưng phía gia đình từ chối hợp tác vì không biết con đang ở đâu. Sau sự việc này, công ty phải bồi thường 100 triệu đồng/em cho trường đại học nơi các em được công ty gửi sang du học.

Việc HS bỏ học tại nước ngoài cũng tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm pháp luật, trở thành lao động “chui” và không được sự bảo hộ của nước sở tại. Mặt khác, ảnh hưởng đến nhiều người và làm mất hình ảnh của HS Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, để tạo niềm tin và uy tín đối với các trường ĐH, CĐ ở Hàn Quốc là không dễ dàng.

Ông Nguyễn Phi Long - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại BMT - cho biết: Mới đây, do tình trạng lưu HS Nghệ An bỏ học nhiều, đoàn Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã trực tiếp về tỉnh để tìm hiểu nguyên nhân và đề nghị tỉnh cần định hướng, chỉ đạo các công ty du học trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chính xác.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - trao đổi: Về tình trạng du HS bỏ học ảnh hưởng đến hình ảnh của lưu HS Việt Nam ở nước ngoài, Sở GD&ĐT đề nghị các hoạt động tư vấn du học cần tăng cường công tác định hướng cho các em trước khi đi du học ở nước ngoài; tăng cường công tác đào tạo nghề và khuyến khích các công ty tìm kiếm học bổng cho HS. Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An cũng sẽ phối hợp với các cơ quan công an, Sở Ngoại vụ để tăng cường tạo điều kiện, có cơ chế cởi mở để hoạt động tư vấn du học hiệu quả và chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ