Mở cửa đón du học sinh: Rộng mở cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nhìn ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 đã mang đến cơ hội để các trường ĐH Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nói chung và liên kết đào tạo nói riêng. Cơ hội này càng rộng mở khi Bộ GD&ĐT có chủ trương tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch bệnh.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh riêng năm 2020 theo tiêu chuẩn của Đức. Ảnh: Website của trường
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh riêng năm 2020 theo tiêu chuẩn của Đức. Ảnh: Website của trường

Xu hướng quốc tế hóa

PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng: Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội phát triển các chương trình quốc tế ở Việt Nam như hiện nay, nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực và các trường được Bộ GD&ĐT ủng hộ mạnh mẽ. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập của các du học sinh Việt Nam ở các nước sở tại, đây là cơ hội để các trường ĐH Việt Nam đẩy mạnh liên kết đào tạo, tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau. Qua đó, tạo thuận lợi cho du học sinh Việt Nam và người nước người có nhu cầu học tập tại Việt Nam và không bị gián đoạn quá trình học tập.

Theo PGS Bùi Xuân Hải, hiện nay, nhiều trường ĐH nước ngoài muốn tìm hiểu Việt Nam để đầu tư phát triển giáo dục. Vì thế, đại dịch Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng đem lại nhiều tiềm năng cho trường ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, điểm yếu của sinh viên Việt Nam là năng lực ngoại ngữ còn hạn chế. Nhiều gia đình có xu hướng cho con ra nước ngoài để phát triển năng lực này. Do đó, nếu giữ được sinh viên học ngoại ngữ ở trong nước, sau đó tham gia vào các chương trình đào tạo liên kết, đây sẽ là giải pháp để quốc tế hóa chương trình đào tạo của Việt Nam; đồng thời là điều kiện để các trường ĐH của Việt Nam tham gia vào xu hướng quốc tế hóa nhanh hơn thông qua các chương trình đào tạo.

PGS Bùi Xuân Hải phân tích: Nhìn ở góc độ kinh tế, nếu Nhà nước bỏ ra 1 đồng để hỗ trợ các trường, người học ở Việt Nam, sẽ tốt hơn nhiều so với việc gia đình bỏ 3 - 4 đồng cho các em ra nước ngoài học ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp trường ĐH ở Việt Nam hội nhập quốc tế nhanh hơn bằng các chương trình liên kết. Ở tầm vĩ mô, đây là điều hay, giúp các trường ĐH Việt Nam có thêm nguồn sinh viên học các trường quốc tế và chương trình liên kết tại Việt Nam. Ngoài ra, các trường ĐH Việt Nam có thể liên kết lại với nhau để xây dựng các chương trình quốc tế thực sự. 

PGS.TS Phạm Văn Song - Trường ĐH Việt Đức cho biết: Các chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng dựa trên hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ Đức. Vì thế, một số chương trình đào tạo ở Việt Nam được kiểm định chất lượng theo chuẩn của Đức, nên sinh viên được cấp song bằng; thậm chí hai bên cùng cấp một bằng. Trong chương trình đào tạo chung, phía Đức gửi người sang Việt Nam học và ngược lại Việt Nam gửi người qua Đức để học. 

Sinh viên Trường đại học RMIT. Ảnh: Website của trường
Sinh viên Trường đại học RMIT. Ảnh: Website của trường

Bật “đèn xanh” cho các trường

GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: Nhà trường dành khoảng 8% học phí để đưa sinh viên đi giao lưu quốc tế. Theo đó, hàng năm, trường gửi khoảng 1.000 sinh viên đi giao lưu với một số trường ĐH quốc tế. Tương tự như vậy, nhà trường tiếp nhận khoảng 1.000 sinh viên quốc tế đến trường để học tập và trao đổi kinh nghiệm. 

Theo GS Hà Thanh Toàn, để làm được điều này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình liên kết đào tạo. Trường ĐH Cần Thơ xây dựng 2 chương trình đào tạo có tính đặc trưng vùng miền là Thạc sĩ về nuôi trồng thủy sản và công nghệ thực phẩm, gắn với với đặc trưng của vùng. Có trên 100 sinh viên quốc tế đến học và tốt nghiệp tại trường. “Song vấn đề khó khăn là ngoại ngữ, nhất là sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á và châu Phi. Những sinh viên này năng lực tiếng Anh còn hạn chế nên vẫn phải bồi dưỡng thêm trước khi học chương trình liên kết” - GS Hà Thanh Toàn nêu thực trạng.

Bà Dương Hồng Loan - Giám đốc chiến lược Trường ĐH RMIT cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, để các em không bị gián đoạn học tập và đủ điều kiện cấp bằng, Bộ cần tiếp tục bật “đèn xanh” để các trường ĐH Việt Nam cũng như cơ quan kiểm định của các nước được ngồi lại với nhau, từ đó công khai cho người học về chương trình liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, văn bằng… giữa các nước.

Chẳng hạn, khi công khai với công luận chương trình đào tạo liên kết phải thực sự là liên kết; hoặc nếu là phân hiệu của trường ĐH nước ngoài thì phải minh bạch thông tin. Về việc này, Bộ nên là trọng tài giúp các trường tạo ra môi trường đào tạo minh bạch.

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng bày tỏ: Chúng tôi đề nghị Bộ tiếp tục có ý kiến tác động đến các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện trong cấp visa cũng như cấp phép cho sinh viên quốc tế và cán bộ nước ngoài đến trường làm việc.

Tại Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: HSSV và giáo viên cần nâng chuẩn trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Vì khi liên kết quốc tế, không chỉ có giáo viên Việt Nam mà có cả giáo viên nước ngoài giảng dạy. Do đó, các trường cần đầu tư và tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.