Miền Trung chủ động học online giữa mùa mưa lũ

GD&TĐ - Do ảnh hưởng mưa lũ, trong những ngày qua nhiều trường học tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên đã cho học sinh, giáo viên tạm dừng việc đến trường.

Nhiều trường triển khai dạy online cho học sinh do mưa lũ
Nhiều trường triển khai dạy online cho học sinh do mưa lũ

Mặc dù vậy, phương án dạy học trực tuyến luôn được các trường học trên địa bàn sẵn sàng, để chủ động khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hay khi thiên tai xảy ra.

Triển khai học trực tuyến ứng phó với thiên tai

Mặc dù mưa đã tạnh, nước lũ trên các sông đã rút, nhiều trường học trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã mở cửa đón học sinh trở lại trường, tuy nhiên, tại một số vùng thấp trũng thuộc huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), hàng nghìn học sinh vẫn chưa thể trở lại trường.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 19/10, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh còn 8 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 5 trường THCS (ở Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang), 1 trường THPT vẫn cho học sinh nghỉ học vì nằm trong vùng ngập lụt.

Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị ngập
Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị ngập

Để đảm bảo cho việc học tập của học sinh tại các trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ không bị gián đoạn, Sở đã chỉ đạo các trường linh động cho học sinh học trực tuyến.

Ngoài ra, Sở cũng đã có chỉ đạo các trường, căn cứ vào tình hình thực tế, để chủ động kế hoạch, thời gian để đón học sinh trở lại đồng thời linh hoạt chương trình, kế hoạch dạy bù cho các em. 

Còn tại Hà Tĩnh, trong sáng 18/10 đã có khoảng 40.000 học sinh tại 76 trường thuộc các cấp học từ mầm non đến THCS tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Kỳ Anh phải nghỉ học. Để đảm bảo chương trình học cho các em, nhà trường đã chủ động dạy học trực tuyến cho học sinh bậc THCS và THPT.

Nhiều trường học tại Thừa Thiên Huế phải cho học sinh nghỉ học
Nhiều trường học tại Thừa Thiên Huế phải cho học sinh nghỉ học

Tại trường THPT Hà Huy Tập, do địa hình thấp trũng, thoát nước chậm nên nhiều khu vực bị ngập sâu từ 0,5-0,7m. Riêng khu vực nội trú ngập gần 1m. Nhà trường đã cho 1.600 học sinh tạm dừng việc học tại trường chuyển sang học trực tuyến.

Thành phố Hà Tĩnh cũng triển khai dạy học trực tuyến tại 7 trường THCS trên địa bàn do ảnh hưởng bởi thời tiết. Ngoài ra, các trường Mầm Non, Tiểu học, THCS tại xã Đồng Môn cũng tạm nghỉ do trường học và các thôn xóm vẫn đang bị ngập cục bộ.

Cô Nguyễn Thị Tâm Tư, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) cho biết, trường THCS Lê Bình là đơn vị thường xuyên bị ngập mỗi khi TP xảy ra mưa lớn. Vì vậy nhà trường đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 16/10 và chuyển sang học trực tuyến.

“Giáo viên tại trường vẫn lên lớp dạy bình thường theo thời khóa biểu qua màn hình vi tính. Các giáo viên đều rất nhiệt tình nhằm đảm bảo kiến thức cho các em trong thời gian nghỉ học do thiên tai. Do đã quen với việc học online nên mỗi giáo viên đều có những phương pháp sáng tạo giúp tăng tương tác với học sinh, đạt hiệu quả cao nhất cho tiết học”, cô Tâm Tư chia sẻ. Đến thời điểm hiện nay các trường học tại Hà Tĩnh đã trở lại học bình thường

Đảm bảo an toàn cho học sinh học trực tuyến ở nhà

Đến ngày 19/10, tại Quảng Trị nước lũ đã rút nên phần lớn học sinh đều đã đến trường học bình thường. Hiện chỉ còn một vài điểm trường ở những nơi trũng sâu của huyện Triệu Phong và Hải Lăng vẫn còn bị ngập nước nên các em học sinh thuộc các cấp Mầm non, Tiểu học và THCS ở đây vẫn chưa thể quay trở lại trường học.

Mưa lũ trong những ngày qua đã làm 1 học sinh lớp 8 tại xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn bị nước lũ cuốn trôi trong lúc đi bắt cá.

Cơ sở vật chất tại các trường học bị thiệt hại nặng: trong đó, tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có 10 phòng học bị tốc mái; gồm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Võ Nguyên Giáp (xã Cư Kroá, huyện M"Đrắk, Đắk Lắk) bị sập đổ 55m tường rào. Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) sập đổ 33m tường rào….

Ông Lê Văn Thạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Lăng cho biết: "Một số cấp học đã phải chuyển sang học trực tuyến. Ngành giáo dục cũng quán triệt nhà trường phải luôn nhắc nhở các em học sinh chú ý an toàn khi sử dụng các thiết bị học trực tuyến.

Độ tuổi các em này thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá và chưa ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn của các thiết bị điện. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết ẩm ướt của mùa này thì nguy cơ xảy ra chập điện rất lớn”.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng dặn dò giáo viên và phụ huynh phải để mắt đến các em nhiều hơn và thường xuyên nhắc nhở con em mình cẩn thận. Trước giờ học phải kiểm tra mạng, đường truyền, ổ điện, dây điện, cũng như vị trí ngồi học phải thông thoáng và đủ ánh sáng để đảm bảo an toàn cho con em khi học online.

Nhà trường tổ chức học trực tuyến để ứng phố với dịch bệnh và thiên tai
Nhà trường tổ chức học trực tuyến để ứng phố với dịch bệnh và thiên tai

Còn theo bà Nguyễn Thị Phước Hòa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Triệu Phong thông tin, đến ngày 19/10, học sinh ở các trường này đều đã đi học lại, chỉ còn 165 em học sinh ở khu vực Trấm (xã Triệu Thượng) do đường sá vẫn còn ngập nước nên chưa thể đi học được.

"Dù học sinh ở địa phương hiện không phải học trực tuyến, nhưng chúng tôi cũng yêu cầu các trường và phụ huynh thường xuyên quan tâm, kiểm tra các phương tiện điện tử phục vụ cho việc học tập của con em và dành thời gian theo sát con khi sử dụng các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, các các giáo viên cũng trang bị các kiến thức cơ bản phòng tránh tai nạn điện cho em học sinh thông qua các nhóm chat lập trong Zalo hay Facebook", bà Hoà nói.

Theo Sở GD&ĐT Quảng Trị, ngay khi nắm bắt thông tin thời tiết có mưa lớn kéo dài trên diện rộng, Sở cũng đã có công văn yêu cầu các trường tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để tổ chức hoạt động dạy học phù hợp trong những ngày tới. Bên cạnh đó, phải chủ động rà soát chuẩn bị sẵn sàng các phương pháp ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ứng với các hình thế mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.

Mưa lũ cũng đã làm ngập nhiều trường học thuộc địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình. Trong đó, tại huyện Lệ Thủy đã có 34 trường học bị nước lũ ngập sân, 22 trường học bị nước ngập vào phòng học.

Dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau khi nước lũ rút
Dọn dẹp vệ sinh trường lớp sau khi nước lũ rút

Cô Nguyễn Thị Lan Nhung – Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Liên Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết: “Trường có 4 dãy phòng học, mưa lũ đã khiến 2 dãy của trường học bị ngập sâu khoảng 0,2m. Sáng nay nước lũ đã rút dần, nhà trường đã huy động giáo viên đến để dọn bùn, đất, vệ sinh trong các phòng học.

Bắt đầu từ 20/10, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến cho các em. Sau khi nước rút hết nhà trường sẽ tiếp tục dọn dẹp khu vực sân trường để chuẩn bị đón học sinh trở lại học trực tiếp khi có thông báo”.

Tương tự, tại trường THCS Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) trong những ngày qua ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhà trường cũng đã thông báo cho học sinh nghỉ học trực tuyến để đảm bảo an toàn. Bởi khi mưa lũ việc học trực tuyến, sử dụng điện rất nguy hiểm. Cùng với đó, trường đã huy động một số giáo viên  đến dọn dẹp vệ sinh các phòng học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.